Thế giới 7 ngày:

Trung Đông kề miệng hố chiến tranh

06:15 | 19/11/2012

841 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tuần qua đã diễn ra nhiều sự kiện tác động không nhỏ đến sự phát triển của mỗi quốc gia.

1. Ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc

Sáng 15/11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 đã tiến hành phiên họp đầu tiên và bầu Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị, Tổng Bí thư. Ông Tập Cận Bình, 59 tuổi, được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18. Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 nhà lãnh đạo: Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Trương Đức Giang, Du Chính Thanh, Lưu Vân Sơn, Vương Kỳ Sơn và Trương Cao Lệ.

Tại phiên họp, ông Tập Cận Bình cũng được bầu làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các ông Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng cùng được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư Đảng CS Trung Quốc

Ngay sau khi kết thúc phiên họp, Tổng Bí thư Tập Cận Bình và các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 đã gặp gỡ báo chí. Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kết thúc thành công".

Tuy nhiên, theo ông Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang đứng trước những thách thức lớn, bản thân nội bộ Đảng cũng có nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết, nhất là vấn đề tham nhũng, tình trạng xa rời quần chúng, nạn hình thức và quan liêu… Do đó, trách nhiệm của ban lãnh đạo mới là đoàn kết, lãnh đạo nhân dân tiếp nhận trọng trách lịch sử, tiếp tục nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp chấn hưng đất nước. “Trách nhiệm của chúng tôi chính là đoàn kết, lãnh đạo quần chúng dân thuộc các dân tộc Trung Quốc, tiếp tục giải phóng tư tưởng, kiên trì cải cách mở cửa, không ngừng giải phóng và phát triển sức sản xuất, nỗ lực giải quyết những khó khăn của quần chúng nhân dân trong sinh hoạt và sản xuất, kiên định đi theo con đường tất cả cùng giàu”.

Trước đó, tại phiên bế mạc Đại hội 18, các đại biểu đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới gồm 205 ủy viên chính thức và 171 ủy viên dự khuyết; bầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Ông Tập Cận Bình, sinh năm 1953, là người gốc Thiểm Tây. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Lý luận chủ nghĩa Mác và Giáo dục chính trị tư tưởng Học viện Xã hội Nhân văn Đại học Thanh Hoa, Tiến sĩ Luật. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1974. Ông từng giữ các chức vụ: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Chiết Giang; Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 15; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 16,17.

Tại Đại hội lần thứ 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2007, ông được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng thời được phân công kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương. Tháng 3/2008, ông được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) bầu làm Phó Chủ tịch nước. Tháng 10/2010, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

2. Nguy cơ chiến tranh mới giữa Israel - Palestin tại dải Gaza

Căng thẳng giữa người Palestin ở dải Gaza và Israel  tiếp tục gia tăng sau khi Israel tiến hành hơn 100 cuộc không kích làm nhiều người thương vong, trong đó có một thủ lĩnh cấp cao phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas.

Trong tuần, dải Gaza đã nhiều lần rung chuyển trước các đợt không kích mới của Israel. Đến nay, đã có hơn 40 người thiệt mạng và hơn 340 người bị thương, trong số đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em.

Chiến sự leo thang tại dải Gaza

Tình hình bạo lực hiện nay được cho là nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh giữa Israel và các nhóm vũ trang ở dải Gaza cuối năm 2008 làm 1.400 người Palestin và 13 người Israel thiệt mạng. Tuy nhiên cuộc xung đột này chưa có dấu hiệu dừng lại khi ngày 15/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israe Ehud Barak nói rằng họ mới 'đang ở giai đoạn hành động ban đầu, chưa kết thúc’ cho một chiến dịch quân sự quy mô lớn có tên gọi là “Trụ cột quốc phòng”.

Phong trào Hồi giáo Hamas đã lên tiếng buộc tội Thủ tướng Netanyahu đang leo thang chiến tranh và kêu gọi một cuộc trả thù toàn diện nhằm vào nhà nước Do Thái.

Những tuyên bố này khiến cho dư luận quốc tế lo ngại nguy cơ về một đối đầu quân sự mới ở khu vực Trung Đông. Tổng thống Palestin Abbas đã kêu gọi Liên đoàn A Rập họp khẩn cấp sau các vụ không kích. Trong cuộc gặp với các ngoại trưởng Liên đoàn A-rập tại Cairo, ngoại trưởng Nga Lavrov cũng bày tỏ quan ngại các vụ không kích tiếp tục là trở ngại đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. “Chúng tôi rất quan ngại về những gì đang diễn ra ở khu vực, ở các vùng lãnh thổ của người Palestin”, ông nói.

Ngày 17/11, Ngoại trưởng Tuynisia Rafik Abdessalem đã tới Dải Gaza của Palestin, nhằm thể hiện tình đoàn kết với người dân Palestin. Phát biểu tại thành phố Gaza, ông Rafik Abdessalem lên án các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gada là "không thể chấp nhận được".

Ngày hôm qua (17/11), Liên đoàn Ả Rập cũng đã có cuộc họp khẩn để thảo luận về đợt tấn công ở Gaza. Tổng thư Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đã liên tục kêu gọi chấm dứt căng thẳng leo thang ở Gaza từ cả hai phía. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về căng thẳng leo thang giữa Ixraen và vùng lãnh thổ Palestin tại Gaza.

3. Hội nghị cấp cao ASEAN tập trung vào các vấn đề kinh tế

Các vấn đề kinh tế sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 (ASEAN - 21) và các hội nghị liên quan sắp tới tại Campuchia. Phát biểu trong một cuộc họp báo bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tại Cung điện Hòa bình ở thủ đô Phnom Penh, ông Pítsuwan cho biết cuộc gặp tới không chỉ quan trọng đối với ASEAN và cả với khu vực Đông Á và toàn cầu.

Hội nghị cấp cao ASEAN 21 bàn nhiều về hợp tác kinh tế

ASEAN - 21 sẽ chứng kiến sự ra đời của sáng kiến Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Thông qua sáng kiến này, 5 thỏa thuận tự do thương mại hiện có giữa ASEAN với 6 quốc gia khác (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zeland) trong khu vực sẽ được kết hợp vào một thỏa thuận lớn. Ngoài hội nhập kinh tế, các vấn đề như an ninh hàng hải, năng lượng, biến đổi khí hậu, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cũng sẽ được thảo luận tại ASEAN-21.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 18-20/11 tại Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh, hội tụ các nguyên thủ quốc gia của 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại. Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chủ tịch Hội nghị Thương mại và Phát triển của LHQ, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng sẽ tham gia các hội nghị này.

4. Nhật Bản giải tán Hạ viện

Ngày 16/11, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã tuyên bố giải tán Hạ viện để tiến tới tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 16/12 tới. Động thái trên diễn ra sau khi Quốc hội Nhật Bản thông qua các dự luật quan trọng về cải cách hệ thống bầu cử và phát hành trái phiếu chính phủ,

Cuộc tổng tuyển cử sắp tới diễn ra vào thời điểm Nhật Bản đang phải vật lộn nhằm ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế, hàn gắn quan hệ ngoại giao vốn bị rạn nứt với Trung Quốc, lập lại các chính sách năng lượng sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima cũng như tái thiết những khu vực bị tàn phá nặng nề do thảm họa động đất - sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái.

Thủ tướng Nhật bản Noda tuyên bố giải tán Hạ viện

Trong chiến dịch vận động, dự kiến chính thức bắt đầu từ ngày 4/12 tới, Thủ tướng Noda dự kiến sẽ thúc đẩy kế hoạch tham gia đàm phán Hiệp định tự do thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với hy vọng việc gia nhập cơ chế này sẽ mở đường cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn của Nhật Bản, nền kinh tế lvốn dựa vào xuất khẩu làm động lực. Tuy nhiên, đảng Dân chủ cầm quyền DJP hiện đang bị chia rẽ nội bộ sâu sắc xung quanh quyết định giải tán Hạ viện lẫn việc tham gia TPP. Tính đến ngày 16/11, đã có thêm 9 nghị sĩ rời khỏi đảng này, khiến cho DPJ mất đa số quá bán tại Hạ viện.

Trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, DPJ sẽ gặp nhiều thách thức từ đảng đối lập chính là đảng Dân chủ Tự do (LDP) đang quyết tâm giành lại quyền lực sau thất bại tại cuộc bầu cử năm 2009. Trong những cuộc thăm dò dư luận mới đây, tỷ lệ ủng hộ DPJ đã rơi xuống dưới mức nguy hiểm 20% và chỉ bằng xấp xỉ một nửa so với LDP. Lãnh đạo LDP Shinzo Abe tuyên bố sẽ tiến hành một "cuộc chiến lịch sử" để trở lại nắm quyền.

Hiện, một số đảng nhỏ cũng đang tranh thủ thời cơ để giành những lá phiếu từ các cử tri đã mất niềm tin vào các đảng lớn. Những chính đảng mới nổi lên như Hội Duy tân Nhật Bản (JRP) của Thị trưởng Osaka Toru Hashimoto hay đảng Thái Dương của cựu Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara đang cố gắng thành lập một "lực lượng thứ ba" để đối chọi với DPJ và LDP. Nếu tập hợp thành công, các đảng mới này có thể tạo dựng được sự ảnh hưởng nhất định bởi theo giới phân tích, không loại trừ khả năng cả DPJ và LDP đều không giành được đa số trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

5. Tiếp tục tranh cãi xung quanh việc thành lập Liên minh đối lập mới ở Syria

Tờ báo chính thức "al-Ahram" của Ai Cập, ngày 15/11, đưa tin "Liên minh dân tộc các lực lượng đối lập và cách mạng Syria" (còn gọi là Liên minh Dân tộc), mới được thành lập, đã chọn thủ đô Cairo (Ai Cập) để đặt trụ sở lâu dài của mình.

Liên minh trên, được thành lập sau khi các nhóm đối lập Syria ký một thỏa thuận chính thức tối 11/11 tại thủ đô Doha (Qatar), nhằm thành lập một chính phủ chuyển tiếp lưu vong một khi nhận được sự chấp thuận của quốc tế.

Tình hình Syria vẫn diễn biến phức tạp

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 15/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hong Lei bày tỏ hy vọng các nhóm đối lập và chính phủ Syria sẽ giải quyết các vấn đề thông qua thương lượng.

Trước đó, một loạt nước đã công nhận liên minh đối lập mới ở Syri là "đại diện hợp pháp duy nhất" cho người dân Syria. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gặp người đứng đầu mới của Liên minh Dân tộc Syria Ahmed Moaz al-Khatib tại Paris vào ngày 17/11. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết Paris sẽ đưa các loại vũ khí phòng vệ khỏi lệnh cấm vận vũ khí hiện nay đối với Syria nhằm giúp lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trong 1 diễn biến liên quan, giới truyền thông ở Iran hôm 15/11 đưa tin Chính phủ Iran, được coi là đồng minh chính trong khu vực của Chính phủ Syria đã đưa ra đề xuất tổ chức một hội nghị ở nước này với sự tham gia của đại diện phe đối lập và chính phủ Syria nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng nay tại quốc gia này. Dự kiến, hội nghị sẽ tiến hành vào ngày hôm nay 18/11.

6. Eurozone rơi trở lại suy thoái

Mặc dù các nền kinh tế Đức và Pháp vẫn tiếp tục tăng trưởng, song tính toàn bộ 17 nền kinh tế thành viên, Khu vực Đồng tiền chung euro (Eurozone) lại rơi vào suy thoái trong quý III/2012 và dự báo tình hình sẽ trở nên trầm trọng hơn trong quý còn lại của năm. Đây là lần thứ hai trong vòng ba năm qua Eurozone chính thức suy thoái.

Số liệu thống kê công bố ngày 15/11 cho thấy trong quý vừa qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone đã giảm 0,1% so với mức sụt giảm 0,2% của quý trước đó. Như vậy, theo định nghĩa kinh tế thì Eurozone đã chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật khi hai quý liên tiếp suy giảm. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP của Eurozone đã suy giảm 0,6% và toàn Liên minh châu Âu (EU) giảm 0,4%.

Kinh tế khu vực euro lại rơi vào suy thoái

Chỉ số kinh tế ảm đạm này được công bố chỉ một ngày sau khi làn sóng biểu tình của người dân lan rộng khắp châu Âu để phản đối chính sách kinh tế khắc khổ mà chính phủ các nước "lục địa già" buộc phải thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công đang ngày càng tồi tệ.

Các chuyên gia nhận định rằng số liệu thống kê nói trên cho thấy bất chấp các nền kinh tế đầu tàu châu Âu như Pháp, Đức trên đà tăng trưởng, Eurozone vẫn không thoát khỏi vòng xoáy suy thoái và tình hình có thể xấu đi trong thời gian tới. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cảnh báo liên minh tiền tệ này sẽ phải đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng hơn với mức suy giảm 0,5% trong năm nay. Dự báo GDP của Eurozone trong năm tới chỉ đạt 0,3%, thay vì mức dự báo 0,6% đưa ra trước đó.

Nguyên nhân khiến tình hình tại Eurozone ngày càng bi đát là sự bất ổn kéo dài tại các nước thành viên liên minh tiền tệ này, thể hiện qua các chỉ số kinh tế yếu trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng khác, đó là lạm phát, dự báo sẽ chạm ngưỡng 2,5% trong năm nay, tăng 0,2%, và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 11,6%.

Số liệu thống kê cho biết trong quý vừa qua, Đức - nền kinh tế số một châu Âu - chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 0,2%, thấp hơn mức 0,3% trong quý II và 0,5% của quý I. Trong khi đó, Pháp cũng phải chật vật mới đạt được mức tăng trưởng 0,2%, nhưng Tây Ban Nha và Italia, những quốc gia đã áp đặt các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" không được lòng dân, lại sụt giảm lần lượt 0,3% và 0,2%.

7. Bãi công phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" ở một loạt nước Nam Âu

Trong tuần, biểu tình bãi công đã xảy ra đồng loạt ở nhiều nước Nam Âu. Ngày 14/11, công nhân ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Italia đã tiến hành một loạt cuộc bãi công phản đối các biện pháp cắt giảm chi tiêu của chính phủ, làm tê liệt nhiều nhà máy và ảnh hưởng tới 700 chuyến bay. Đây là lần đầu tiên công nhân ở cả 4 quốc gia Nam Âu này tham gia bãi công cùng một lúc.

Biểu tình lan rộng ở nhiều nước Nam Âu

Tại quảng trường Madrid ở Tây Ban Nha, các nghiệp đoàn lớn giăng biểu ngữ chỉ trích chính phủ đe dọa tương lai của người làm công, đồng thời chuẩn bị kéo dài đình công tại các sân bay, khu chợ, các bến xe buýt và xe lửa cho đến hết đêm. Cảnh sát đã dựng chướng ngại vật trên tuyến đường dẫn vào trụ sở Quốc hội, nơi các nhà hoạt động dự định tổ chức một cuộc tụ tập lớn vào tối cùng ngày.

Theo các phương tiện thông tin đại chúng, cuộc đình công đã làm tê liệt một số nhà máy, trong đó có nhà máy sản xuất ô tô của hãng Volkswagen ở vùng tự trị Navarra thuộc miền Bắc và một nhà máy của hãng ô tô Ford ở vùng Valencia thuộc miền Đông. Số chuyến xe buýt và tàu hỏa lưu thông cũng đã giảm đáng kể.

Hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha đã ngừng hoạt động vì bãi công, trong khi hệ thống giao thông trên sông Tagus và các tuyến tàu hỏa ở khắp nước này chỉ duy trì dịch vụ cơ bản. Một số hãng hàng không ở cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã hủy hàng trăm chuyến bay trong nước và quốc tế. Các hãng Iberia, Iberia Express, Air Nostrum, Vueling, Air Europa và EasyJet giảm hơn 600 chuyến bay, bao gồm 250 chuyến bay quốc tế, trong khi hãng TAP tuyên bố hủy hơn 170 chuyến bay, hầu hết là các chuyến bay quốc tế.

Các nghiệp đoàn châu Âu cho biết tâm trạng tức giận của người dân ở một số nước trong khu vực đã lên đến đỉnh điểm và châu Âu cần những giải pháp khẩn cấp để đưa nền kinh tế phát triển đúng hướng, chứ không phải áp đặt những biện pháp khắc khổ.

 8. Mỹ mở rộng điều tra vụ bê bối tình ái của Giám đốc CIA

Đại tướng 4 sao, Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) đã phải từ chức. Một vị đại tướng 4 sao khác đang bị điều tra. Nhà ở của một trong hai người đàn bà, những nhân vật trung tâm của vụ bê bối dẫn tới việc người đứng đầu CIA "ngã ngựa" khi sự nghiệp đang tỏa sáng như một ngôi sao, bị khám xét.

Chưa dừng ở đó, giới hữu trách thực thi luật pháp Mỹ còn đang tiếp tục mở rộng diện điều tra sang nhiều khía cạnh quan trọng như vấn đề tài liệu mật và những tin tức quốc gia nhạy cảm của vụ tai tiếng này. Đó là tình tiết mới của vụ bê bối tình ái dẫn tới việc Giám đốc CIA David Petraeus phải từ chức hồi tuần trước, sau khi thừa nhận từng có quan hệ tình ái bất chính.

Bê bối tình ái của giám đốc CIA đang làm rúng động chính trường Mỹ

Hiện, các quan chức Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang xem xét khoảng 30.000 trang thư điện tử và các hình thức trao đổi thông tin liên lạc giữa đại tướng thủy quân lục chiến 4 sao John Allen với bà Jill Kelly, một phụ nữ đang sinh sống ở thành phố Tampa, bang Florida có liên quan tới vụ bê bối của ông Petraeus, Giám đốc CIA, đại tướng 4 sao từng là tư lệnh các lực lượng Mỹ ở cả Iraq và Afghanistan. Diễn biến của vụ bê bối này có thể gây tổn hại tới lộ trình của Tổng thống Barack Obama rút quân ra khỏi chiến trường Afghanistan vào cuối năm 2014.

Các nhà điều tra lo ngại trong hàng chục nghìn cuộc liên hệ thư tín giữa tướng John Allen với bà Jill Kelly trong hai năm qua có dính líu gì tới các thông tin nhạy cảm hay không.

Đại tướng Petraeus được bổ nhiệm làm Giám đốc thứ 20 của CIA hồi tháng 6 năm ngoái và đã từ chức ngày 9/11 vừa qua sau khi thừa nhận có quan hệ tình ái với nữ sỹ quan từng tốt nghiệp Học viện quân sự West Point.

9. Tai nạn thảm khốc làm hàng chục trẻ em thiệt mạng ở Ai Cập

Ngày 17/11, khoảng 50 trẻ em từ 4 tới 6 tuổi đã thiệt mạng trong một tai nạn thảm khốc tại tỉnh Assiut cách thủ đô Cairo 350 km về phía nam.

Tai nạn thảm khốc ở Ai Cập

Vụ tai nạn xảy ra khi chuyến xe chở những  trẻ em này bị một tàu hỏa đâm phải tại điểm tránh tàu Manfalut. Hiện vẫn còn nhiều em vẫn đang bị thương nặng và con số thương vong dự kiến sẽ vẫn còn tăng. Bộ trưởng Giao thông Ai Cập Rashad al-Metini và người đứng đầu ngành đường sắt đã ngay lập tức từ chức sau khi vụ tai nạn diễn ra.

Trong khi đó, nhiều người đã tập trung biểu tình yêu cầu thống đốc bang Assiut phải từ chức và gia đình các nạn nhân đã chặn đường không cho thủ tướng Qandil cũng như một loạt các bộ trưởng tới thăm hiện trường vụ tai nạn. Tổng thống Mursi đã chỉ đạo cho thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng và y tế cũng như thống đốc tỉnh Assiut cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho gia đình các nạn nhân đồng thời ra lệnh phải điều tra ngay về nguyên nhân vụ tai nạn.

10. Viên kim cương quý hiếm Archduke Joseph bán được 21,5 triệu USD

Viên kim cương Archduke Joseph - một trong những viên kim cương quý hiếm và nổi tiếng nhất thế giới, đã được bán với giá 20,36 triệu franc Thụy Sỹ (tương đương 21,48 triệu USD) trong phiên đấu giá ngày 13/11 tại  nhà đấu giá Christie’s ở Giơnevơ (Thụy Sỹ).

Viên kim cương Archduke Joseph

Viên kim cương Archduke Joseph có màu sắc tuyệt hảo và độ tinh khiết được xếp vào loại D (loại hoàn hảo nhất), có trọng lượng 76,02 cara, được khai thác ở mỏ kim cương nổi tiếng Gonconda của Ấn Độ, nơi khai thác được nhiều viên kim cương nổi tiếng thế giới, trong đó có viên kim cương Koh-i-noor. Viên kim cương nói trên sau đó đã thuộc sở hữu của triều đại Habsburg và đến năm 1919, nó được chính thức đăng ký theo tên Thái tử Joseph August, đại nguyên soái người Áo, sau này được mang tên Archduke Joseph để tôn vinh ông.

Theo đánh giá của đại diện nhà đấu giá Christie's, viên kim cương Archduke Joseph được xem là một trong những viên kim cương có giá trị lịch sử và chất lượng hoàn hảo nhất, sánh ngang với viên kim cương Koh-i-noor được gắn trên vương miện của Nữ hoàng Anh.

Mặc dù viên kim cương Archduke Joseph được bán với giá rất cao, song mức giá này vẫn chưa phá được kỷ lục trong các phiên bán đấu giá kim cương của nhà đấu giá Christie's ở Giơnevơ. Trước đó, một viên kim cương màu hồng có trọng lượng 24,78 cara đã được bán với giá 46,15 triệu USD.

Hồ Điệp (Tổng hợp)