Tại sao Mỹ và phương Tây muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad?

11:09 | 16/08/2012

4,330 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cuộc đào tẩu của cựu Thủ tướng Riyad Hijab và cái chết hôm 10-8 của Tướng Mohamed Hadia, quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng, được coi là hồi chuông báo động đối với sự tồn tại của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, chiến sự tại thành phố Aleppo, thủ phủ kinh tế của Syria cũng được coi là nhân tố tác động không nhỏ tới nhận định này.

 

Thứ trưởng Quốc phòng Assef Shawkat (giữa)

Từ cuộc đào tẩu của cựu Thủ tướng và cái chết của anh rể

Theo giới truyền thông, có cả một chiến dịch quy mô lớn được triển khai nhằm đưa ông Riyad Hijab cùng gia đình rời khỏi Syria hôm 6-8, nhưng thực ra ngày 8-8, gia đình cựu Thủ tướng mới vượt biên giới sang Jordan. Bởi một chiến dịch đặc biệt được thực thi nhằm đánh lạc hướng Cơ quan An ninh cùng sự giúp sức của một tiểu đoàn, một lữ đoàn Quân đội Syria Tự do (FSA) và một số lượng lớn ôtô được ngụy trang kỹ lưỡng hỗ trợ để cựu Thủ tướng Riyad Hijab gia nhập hàng ngũ quân nổi dậy. Điều đáng nói là ông Riyad Hijab, Tổng thư ký của Đảng Baath cầm quyền chi nhánh tại Deir Ezzour lên kế hoạch đào tẩu ngay sau khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng hồi tháng 6-2012 và đây là đòn đánh mạnh vào Tổng thống Bashar al-Assad.

Cách đây không lâu, Tổng thống Bashar al-Assad đã trao quyền chỉ huy quân đội cho tân Tổng tham mưu trưởng, Tướng Ali Abdullah Ayub, vừa được thay thế người tiền nhiệm Tướng Fahad Jassim al-Freij, mới trở thành tân Bộ trưởng Quốc phòng ngay sau khi Tướng Daoud Radzhiha (Dawoud Rajiha) thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết nhằm vào trụ sở Cục An ninh Quốc gia ở thủ đô Damascus hôm 18-7. Điều đáng nói là kẻ đánh bom tự sát là cận vệ trong đội quân bảo vệ ông Bashar al-Assad và điều này đồng nghĩa với việc hàng rào an ninh quanh gia đình Tổng thống Syria đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Trong số những nhân vật cao cấp cùng tử nạn với Bộ trưởng Quốc phòng Daoud Radzhiha trong vụ đánh bom liều chết hôm 18-7, đáng chú ý nhất là Thứ trưởng Quốc phòng Assef Shawkat (Asif Shawkat), anh rể Tổng thống Bashar al-Assad và Tổng giám đốc Lực lượng An ninh Hisham Ikhtiyar. Ngày 22-7, ông Maj-Gen Ali Mamlouk được bổ nhiệm thay thế ông Hisham Ikhtiyar, trở thành tân Tổng giám đốc Lực lượng An ninh. “Phó tướng” của ông Maj-Gen Ali Mamlouk là ông Maj-Gen Ali Mamlouk. Cùng ngày bổ nhiệm 2 nhân vật kể trên còn có ông Maj-Gen Mohammad Deib Zaitoon (tân Giám đốc tình báo) và ông Rustom Ghazaleh, cựu Giám đốc Tình báo quân đội của Syria ở Liban (người đứng đầu tổ chức An ninh Chính trị Syria). Nhiều người nói rằng, vị trí vững chắc hiện nay của Tổng thống Bashar al-Assad có được từ cố Tổng thống Hafez al-Assad. Bởi ông Hafez al-Assad, cha đẻ Tổng thống Bashar al-Assad đã thành lập một mạng lưới phức tạp bao gồm cơ quan tình báo, an ninh, quân đội và những người đứng đầu đều đến từ sắc tộc thiểu số Alawite.

Giới truyền thông đưa tin, trước khi được cử làm Thứ trưởng Quốc phòng (tháng 9-2011), ông Assef Shawkat (sinh năm 1950) từng là Giám đốc tình báo. Ngày 18-2-2006, ông Assef Shawkat được cử thay thế Tướng Hassan Khalil, trở thành Giám đốc tình báo để giúp Tổng thống Bashar al-Assad củng cố quyền kiểm soát các cơ quan an ninh. Việc bổ nhiệm kể trên diễn ra ngay sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri và Syria phải đối mặt với sức ép phải rút quân khỏi Liban. Do đó, nhiệm vụ chính của tân Giám đốc Tình báo Assef Shawkat là chỉ đạo các chiến dịch tình báo cả trong và ngoài Syria, trong đó có những điệp vụ ở Liban. Với tư cách là anh rể Tổng thống Syria (lấy bà Bushra al-Assad) nên Giám đốc Tình báo Assef Shawkat được coi là cánh tay phải của ông Bashar al-Assad trong việc kiểm soát an ninh, cũng như vươn cánh tay ra bên ngoài. Điều đáng nói là, trong khi tình hình Syria đang có nhiều dấu hiệu phát triển theo chiều hướng không có lợi cho Tổng thống Bashar al-Assad thì dư luận lại đề cập sâu tới khả năng “đảo chính cung đình” sau khi có khoảng 30 tướng và một số quan chức cấp cao đào tẩu.

Sau khi cùng cả gia đình đào tẩu thành công tới Thổ Nhĩ Kỳ, rồi đến Pháp, Tướng Manaf Tlas được nhiều phần tử đối lập ca ngợi như một nhà lãnh đạo Syria thời hậu Tổng thống Bashar al-Assad. Bởi Tướng Manaf Tlas xuất thân trong một gia đình Hồi giáo Sunni có bố là Mustafa Tlass, từng giữ ghế Bộ trưởng Quốc phòng suốt 30 năm và bản thân cũng như gia đình đang có ảnh hưởng lớn nhất trong chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad hiện nay. Ngoài ra, Tướng Manaf Tlas không tham gia những vụ đàn áp thời gian qua cho dù ông là Chỉ huy Lữ đoàn 10 của Lực lượng Vệ binh Cộng hòa, lực lượng tinh nhuệ do Maher al-Assad (em trai Tổng thốngBashar al-Assad) đứng đầu. Lực lượng Vệ binh Cộng hòa có 6 lữ đoàn và giám sát Sư đoàn 4, lực lượng chính tiến hành các chiến dịch tấn công quân sự thời gian qua. Dư luận cho rằng, việc hết cơ hội thăng tiến là một trong những nguyên nhân khiến Tướng Manaf Tlass đào tẩu bởi sau khi được giao nhiệm vụ dẹp loạn ở Harasta và Douma ở ngoại ô thủ đô Damascus năm 2011, nhưng ông lại thương lượng và đạt được một thỏa thuận để hai bên cùng lui quân. Nhưng thỏa thuận này đã bị chỉ trích khiến Tướng Manaf Tlass bị tước bỏ binh quyền. Nghe nói, Tướng Manaf Tlass đã giúp Tổng thống Bashar al-Assad lên nắm quyền, khi vai trò kế nhiệm của ông còn chưa chắc chắn. Giới phân tích cho rằng, vụ đào tẩu của Tướng Manaf Tlass có thể kích thích giới thượng lưu của người Hồi giáo Sunni, cả trên chính trường lẫn thương trường, chạy sang phe đối lập.

Trước vụ đào tẩu của Tướng Manaf Tlass, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, có khoảng 20 tướng và 100 sĩ quan cấp tá của quân đội Chính phủ Syria đã đào ngũ. Theo Hãng phân tích tình báo Stratfor của Mỹ, chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad hiện giống như một khối băng đang tan và Mỹ, Arập-Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga đều đang tìm một nhân vật thích hợp để thay thế Tổng thống Bashar al-Assad. Việc lính nghĩa vụ và sĩ quan cấp thấp đào ngũ không làm ai phải bận tâm, nhưng sự ra đi của ông Mustafa al-Sheikh (cuối năm 2011) thực sự khiến dư luận quan ngại bởi đây là một trong số các tướng đầu tiên chạy sang phe đối lập và cầm đầu Hội đồng quân sự của Quân đội Syria tự do (FSA). Tại hội nghị “Những người bạn của Syria” (lần thứ hai) tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham gia của đại diện khoảng 60 quốc gia và 10 tổ chức quốc tế hôm 1-4-2012, Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), lực lượng đối lập chính tại Syria cho biết, sẽ dùng khoản tiền viện trợ trị giá 100 triệu USD để cung cấp cho các binh sĩ đào thoát khỏi quân đội chính phủ Syria, nhằm cổ vũ họ chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Được biết, ngày 30-1, Tổng thống Bashar al-Assad đã quyết định rút lực lượng Vệ binh Cộng hòa và sư đoàn thiết giáp số 4 do em trai Maher al-Assad chỉ huy cùng với sư đoàn thiết giáp 1, 3 và 9 về Damascus để tăng cường phòng bị ở thủ đô.

Vợ chồng Tổng thống Syria Bashar al-Assad

Sự chống đối của chú ruột Rifaat al-Assad

Về phần mình, sau khi đào tẩu, Đại sứ Syria tại Iraq Nawaf Nawaf Fares đã có nhiều tuyên bố, tiết lộ gây sốc đối với dư luận, nhất là khi ông cho rằng: gia đình Tổng thống Bashar al-Assad đang kiểm soát chặt chẽ lực lượng an ninh, tình báo và đây được coi là “hòn đá tảng” để đứng vững trước mọi mưu toan trong và ngoài nước. Theo cựu Đại sứ Nawaf Nawaf Fares, ông Rami Makhlouf,anh em họ của Tổng thống Bashar al-Assad là người vừa có quan hệ chặt chẽ với quân đội, cũng như mạng lưới an ninh, vừa là người giàu nhất Syria bởi hệ thống kinh doanh của người này kiểm soát tới 60% nền kinh tế đất nước. Giới chức Anh cho rằng, hàng trăm triệu bảng Anh đang bị phong tỏa ở xứ sở sương mù chỉ là phần nổi của tảng băng trôi khổng lồ. Giới chuyên môn ước tính, số tài sản của dòng tộc Assad và thân cận có thể lên tới 1 tỉ bảng Anh (khoảng 1,55 tỉ USD) và phần lớn trong số này nằm ngoài tầm kiểm soát của EU. Có tin nói rằng, phần lớn số tiền kể trên được gửi ở Nga, Arập-Xêút, Liban, Morocco… chưa áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Damascus. Ngoài ra, Tổng thống Bashar al-Assad còn bị chú ruột, ông Rifaat al-Assad, đang sống lưu vong chống đối - Tổng thống Syria sẽ không thể duy trì quyền lực được lâu nữa. Khi được hỏi ông Rifaat al-Assad đã không ngần ngại tuyên bố: mình là người phù hợp để thay thế Tổng thống Bashar al-Assad. Ông Rifaat al-Assad từng muốn chiếm đoạt quyền lực với cha ông Bashar al-Assad hồi thập niên 80 của thế kỷ trước, nhưng bất thành nên đã tới Pháp (1984) xin cư trú theo diện “tị nạn chính trị”. Tuy sống lưu vong tại Pháp từ năm 1984 nhưng đến năm 1998, ông Rifaat al-Assad mới chính thức rời ghế Phó tổng thống Syria. Giới truyền thông từng đưa tin, người thân Tổng thống Bashar al-Assad đang cố gắng bán tháo bất động sản trị giá hàng chục triệu USD tại Anh để “đề phòng rơi vào tình cảnh của Libya”. Trong số tài sản kể trên đáng chú ý nhất là dinh thự trị trá 16 triệu USD tại Mayfair do ông Rifaat al-Assad, chú ruột của Tổng thống Bashar al-Assad sở hữu. Ngoài ra, việc bán tháo tài sản ở một số quốc gia khác được vợ con Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành. Số tài sản kể trên không bao gồm những bất động sản có giá trị khổng lồ của dòng tộc Assad ở Syria.

Wikileaks cũng vừa tiết lộ 2.434.899 e-mail đến từ các bộ của Syria, trong đó có khoảng 400.000 e-mail bằng tiếng Arập và 68.000 e-mail bằng tiếng Nga. Trong đó có hàng trăm bức thư tình được cho là của Tổng thống Bashar al-Assad (gửi vợ, nữ phiên dịch viên và bố vợ) viết vào thời điểm trước khi các vụ nổi dậy nổ ra cách đây khoảng 17 tháng. Wikileaks cũng cho biết, Đệ nhất phu nhân Syria, bà Asma al-Assad (sinh ra ở London, Anh), người được mệnh danh là Công chúa Diana của Trung Đông đã chi khoảng 270.000 bảng Anh để mua sắm đồ dùng nội thất từ một cửa hàng độc quyền sản phẩm tại London, Anh. Số hàng này được đặt từ ngày 2-3-2011 do trợ lý Mansour Azzam phụ trách khâu vận chuyển. Điều đáng nói là hầu hết các e-mail bà Asma al-Assad dùng là tài khoản của chồng và có nhiều cách ký tên khác nhau như Mrs Assad hoặc AAA. Những tiết lộ này được đưa ra sau khi có tin, phương Tây đang dốc sức truy lùng tài sản của gia đình Tổng thống Bashar al-Assad. Ngày 18-7, Bộ Tài chính Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới chống lại 29 thành viên của chế độ Tổng thống Bashar al-Assad, trong đó có 4 bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Syria. Kể từ tháng 5-2011, Liên minh châu Âu (EU) đã liệt vào sổ đen tổng cộng 129 cá nhân, 49 công ty và tìm mọi cách phong tỏatài sản của họ ở bất cứ nơi nào. Trước đó (23-3), EU đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với mẹ và vợ của Tổng thống Bashar al-Assad. Ngày 29-4-2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt như phong tỏa tài sản, cấm thực hiện các hoạt động kinh doanh với Mỹ đối với Syria như Cơ quan tình báo, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Thiết giáp số 4 Maher al-Assad, cựu Tỉnh trưởng Daraa Atif Najib…

Cố Bộ trưởng Quốc phòng Daoud Radzhiha 

Đến quyết tâm tiêu diệt Tổng thống Syria của Mỹ và phương Tây

Ngày 12-8, tại  Arập-Xêút, Ngoại trưởng các nước Arập đã hoãn họp nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng tại Syria. Nhưng giới phân tích coi đây là bước tiếp theo trong quyết tâm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad mà Mỹ và phương Tây đang theo đuổi. Tuyên bố hôm 11-8, tại cuộc họp báo chung ở Thổ Nhĩ Kỳ của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton càng khẳng định nhận định kể trên bởi “Washington đang tập trung đẩy nhanh nỗ lực chấm dứt tình trạng đổ máu ở Syria cũng như chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad và đây là mục tiêu chiến lược của Mỹ”. Trước đó (10-8), Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào Công ty Dầu khí quốc gia Sytrol của Syria sau khi Washington quan ngại sâu sắc về mối quan hệ gần gũi giữa Syria với Iran và phong trào vũ trang Hezbollah ở Liban. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell, tháng 4-2012, Syria đã vận chuyển 33.000 tấn xăng cho Iran với tổng trị giá hơn 36 triệu USD, vượt xa ngưỡng quy định của lệnh trừng phạt. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney bình luận, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đang sụp đổ từ bên trong. Ngày 2-8, Hãng tin Reuters tiết lộ, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng ký một mật lệnh cho phép hỗ trợ các lực lượng nổi dậy ở Syria tiêu diệt Tổng thống Bashar al-Assad. Ngoại trưởng Anh William Hague cũng tuyên bố, London sẽ tăng cường hỗ trợ cho lực lượng đối lập tại Syria nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Nhưng nếu Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi sẽ tạo ra một khoảng trống an ninh và quyền lực, Syria có thể rơi vào tình trạng vô chính phủ, trong khi bạo lực hoành hành như tình trạng của Iraq trong thời gian ngắn sau cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003. Tiếp đến là nội chiến đẫm máu kéo dài giữa các tôn giáo và sắc tộc ở Syria giống như tình trạng hỗn loạn kéo dài hơn 1 thập niên ở Liban trong những năm 80. Và cuộc nội chiến tại Syria có thể lan sang các nước láng giềng như Liban, Jordan, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó là nguy cơ kho vũ khí hóa học của Syria có khả năng rơi vào tay các nhóm khủng bố, trong đó có Al-Qaeda. Giới quân sự tuyên bố, tình hình hiện nay ở Syria có sự tác động không nhỏ của lính đánh thuê nước ngoài. Theo thống kê, có hơn 100 nhóm vũ trang tham gia cuộc nội chiến ở Syria và họ đến từ Iraq, Kuwait, Algeria, Tunisia, Pakistan, Arập-Xêút, Ai Cập… nhưng đều nằm dưới sự chỉ huy của căn cứ bí mật gần Adana, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Căn cứ này được Thổ Nhĩ Kỳ, Arập-Xêút và Qatar cùng thành lập và khá gần căn cứ Incirlik của không quân Mỹ. Một trong những nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Syria bởi lợi dụng sự suy yếu của Chính phủ Damascus, khoảng 2,2 triệu người Kurd ở miền Bắc Syria muốn thành lập một quốc gia riêng và đã lôi kéo được khá nhiều chiến binh PKK ở miền Bắc Iraq vốn chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhóm vũ trang của người Kurd hiện đã chiếm được nhiều thị trấn dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và đây là một tín hiệu đáng khích lệ đối với hàng chục triệu người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang đấu tranh giành quyền tự trị hàng chục năm qua. Kênh truyền hình NBC News (Mỹ) vừa đưa tin, quân nổi dậy Syria đã nhận được hơn 20 tên lửa phòng không xách tay (PZRK) và chúng được tuồn vào Syria theo ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, quân nổi dậy Syria đã sở hữu cả xe tăng và nhiều loại vũ khí hạng nặng khác. Còn tờ New York Times tiết lộ, ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ hiện có một nhóm nhân viên CIA chịu trách nhiệm điều hành việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria. Về phần mình, Mỹ và phương Tây không muốn có một Syria nằm ngoài sự kiểm soát bởi vị trí địa - chính trị, cũng như ảnh hưởng của quốc gia này trong khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc - sự tồn tại của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ cản trở Mỹ và phương Tây thực hiện chiến lược của họ tại khu vực quan trọng này.

Tướng Manaf Tlass

Dư luận cũng rất quan tâm tới thông tin của tờ Arab Al-Sharq khi tiết lộ, tổng số chiến binh Al-Qaeda đang chiến đấu bên cạnh phe đối lập Syria ít nhất là 6.000 người. Con số này gia tăng theo cấp số nhân trong vài tháng gần đây và điều này cho thấy nỗ lực can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây trong việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Điều đáng nói là khi Mỹ chuyển sang hỗ trợ trực tiếp phe đối lập ở Syria - sử dụng Al-Qaeda trong việc tiêu diệt Tổng thống Bashar al-Assad sẽ trở thành một tiền lệ mới, sau liên minh Mỹ - Al-Qaeda từng được tạo dựng trong cuộc chiến chống quân đội Liên Xô trước đây tại Afghanistan. Ngày 4-8, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, tướng Ahmad Vahidi đã cảnh báo về sự can thiệp quân sự của các lực lượng nước ngoài vào Syria. Trước đó (3-8), Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian đã đổ lỗi cho phương Tây và các nước Arập là nguyên nhân làm thất bại kế hoạch hòa bình 6 điểm của đặc phái viên Kofi Annan. Nhân vật đối lập Haytham al-Maleh, 81 tuổi, luật sư, nhà hoạt động nhân quyền từng phải ngồi tù vài năm ở Syria, tín đồ Hồi giáo theo đường lối bảo thủ cho biết, ông được trao nhiệm vụ thành lập một chính phủ chuyển tiếp lưu vong đặt trụ sở ở Cairo, Ai Cập.

 

Nguyễn Thị Lân -Lê Chí Thiện