"Sóng thần" người Hoa ở châu Phi

15:29 | 28/10/2012

1,613 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Người Trung Quốc hiện là cộng đồng người nước ngoài đông nhất tại châu Phi từ Ghana đến Zambia. Theo đánh giá, hiện có từ 750.000 đến 1 triệu người Trung Quốc tại châu Phi và không ngừng tăng, đến mức một số nước lo ngại về nguy cơ diễn ra một giai đoạn “thực dân” mới của người Trung Quốc.

 

 

Các ông chủ người Hoa chỉ trả lương bằng một nửa so với các công ty nước ngoài

Báo Afrik đánh giá đó không phải là một “làn sóng” người Trung Quốc mà là một “trận sóng thần”. Người Trung Quốc có xu hướng định cư lâu dài tại châu Phi, đàn ông sang trước sau đó đưa gia đình sang theo. Họ tới châu Phi không phải vì mục đích du lịch mà là để kiếm tiền. Lục địa Đen đang là một thị trường mới của họ, nơi mọi thứ đều có thể. Tuy nhiên, sự hiện diện trên cũng gây ra những vụ tranh chấp lớn với người bản địa. Không chịu chấp nhận thân phận “chư hầu”, người châu Phi đã thể hiện sự phẫn nộ trước việc phải cạnh tranh với những vị khách Trung Quốc.    

Ghana là một trong những nước ghi nhận nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất tại châu Phi, với các nguồn tài nguyên như vàng, ca cao, bông, dầu lửa. Nước này đang ngày càng thu hút nhiều người Trung Quốc và họ đến để chia một phần “chiếc bánh” tài nguyên trên. Giữa tháng 10/2012, cảnh sát Ghana đã thực hiện một chiến dịch quy mô lớn chống lại người nước ngoài khai thác vàng bất hợp pháp tại khu vực Ashanti, một trong những nơi sản xuất vàng chính của châu Phi. Khoảng 100 người Trung Quốc đã bị bắt giữ, một trong số họ cố tình chạy thoát và đã bị cảnh sát bắn hạ. Bắc Kinh đã ngay lập tức can thiệp và người Trung Quốc được thả vài ngày sau đó.

Đại sứ Trung Quốc tại thủ đô Accra đã gặp gỡ các quan chức chính quyền Ghana để nhấn mạnh “sự quan tâm đặc biệt” và yêu cầu các nhà chức trách mở một “cuộc điều tra sâu rộng để tìm kiếm kẻ giết người và bồi thường cho gia đình nạn nhân Trung Quốc”. Ông cũng yêu cầu những hành động bạo lực như trên “không được lặp lại tại Ghana”. Không nằm ngoài dự đoán, những yêu cầu trên đã được các quan chức cao cấp của Ghana lắng nghe bởi đầu tư của Trung Quốc tại nước này có vai trò rất quan trọng.

 

Một vụ bắt giữ người Trung Quốc khai thác vàng bất hợp pháp tại khu vực Ashanti ở Ghana

 

Một vụ bắt giữ thợ mỏ lậu Trung Quốc ở Ghana

Đầu tháng 8 vừa qua, tại Zambia, các công nhân mỏ đã biểu tình chống lại chủ thầu Trung Quốc do không trả mức lương tối thiểu như đã cam kết. Người quản lý mỏ than đã bị thợ mỏ đánh chết trong khi người trợ lý bị thương nặng. Bộ trưởng Lao động Zambia, Fackson Shamenda nói với hãng AFP: “Tôi không hiểu tại sao luôn có những căng thẳng giữa những nhà đầu tư Trung Quốc với người lao động Zambia tại mỏ than Collum Coal”. Tình trạng tại mỏ than trên không phải bắt đầu từ ngày hôm qua. Một số chủ doanh nghiệp Trung Quốc đã bị xét xử năm 2010 vì âm mưu giết người. Họ bị cáo buộc bắn vào người biểu tình làm 11 thợ mỏ bị thương. Năm 2006, một vị bộ trưởng của Zambia đánh giá những thợ mỏ làm thuê cho các công ty Trung Quốc bị quản lý như những “chú heo” và “bị đánh đập như thể họ không phải là con người”. Tháng 11/2011, Tổ chức Human Rights Watch (HRW) đã lên án các điều kiện làm việc tại các mỏ khoán sản ở Zambia do người Trung Quốc làm chủ thầu.

Theo HRW, các quản lý Trung Quốc đã vi phạm luật lao động, đặc biệt bắt công nhân lao động 18 giờ/ngày và không có ngày nghỉ, không có công đoàn, ít có dịch vụ y tế, thiếu hệ thống thông khí… Nếu sự giận dữ bao trùm các con phố ở Zambia thì Trung Quốc lại thông báo với chính quyền nước này rằng họ đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Zambia từ năm 2010 và một số “món quà” đã làm các quan chức chính quyền Zambia im lặng.     

Sự cạnh tranh từ người Trung Quốc ngày càng trở nên lấn át. Theo một nghiên cứu của đại học Anh East Anglia được công bố cuối tháng 8/2012, ngành công nghiệp của Nam Phi đã mất 77.000 việc làm. Ngoài ra, mọi tệ nạn xã hội cũng phát sinh trong cộng đồng người Trung Quốc tại mỗi nước. Cuối tháng 8/2012, Bắc Kinh đã phải cho hồi hương khẩn cấp khoảng 30 công nhân bị tình nghi phạm tội đối với đồng hương của họ tại Angola. Họ bị cáo buộc ăn trộm, bắt cóc, buôn người và dắt gái. Đây là chiến dịch quy mô đầu tiên của cảnh sát Trung Quốc chống lại công dân nước họ tại châu Phi. 

Nếu các quan chức chính quyền sở tại có được những lợi ích khi Trung Quốc đầu tư thì các công nhân châu Phi chỉ nhận được mức lương ít ỏi và các điều kiện lao động gần như nô lệ. Những tuần qua, các nước phương Tây đã bày tỏ chia sẻ với châu Phi và kín tiếng lên án Đế chế Trung cổ. Trong chuyến thăm châu Phi vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã không chỉ trích đích danh Trung Quốc nhưng tất cả mọi người đều hiểu nhằm vào nước này. Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh mối quan hệ đối tác “tăng cường giá trị hơn là khai thác”.

H.Phan (Tổng hợp)