Nhiều công ty Nhật ở Trung Quốc phải đóng cửa vì bạo động

14:10 | 18/09/2012

668 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bị ảnh hưởng bởi phong trào bài Nhật tại nhiều nơi ở Trung Quốc hồi cuối tuần qua do tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Ðông, một số công ty lớn của Nhật phải đóng cửa các nhà máy của họ vào hôm 17/9. Công dân Nhật được kêu gọi nên ở nhà và hàng quán tránh mở cửa.

 

 

Nhân viên của một nhà hàng Nhật dùng quốc kỳ Trung Quốc và vải đỏ phủ mặt tiền cửa tiệm trước ngày dự đoán sẽ có biểu tình lớn tại Bắc Kinh, sáng 16/9. Phản đối việc Nhật Bản mua lại quần đảo Senkaku, dân Trung Quốc ồ ạt xuống đường biểu tình, trong khi đó, một số cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc còn kêu gọi dân chúng chứng tỏ lòng yêu nước bằng cách tẩy chay hàng hóa Nhật và hủy các chuyến du lịch Nhật.

Panasonic Corp. đóng cửa nhà máy ở Thanh Ðảo, tỉnh Sơn Ðông, sau khi bị người biểu tình đập vỡ cửa kính vào cuối tuần. Một số máy móc bị phá hư và đốt cháy.

Honda Motor Co. thông báo ngưng hoạt động trong hai ngày 18 và 19/9, tại ba nhà máy ở Quảng Châu và hai ở Vũ Hán. Trong khi Mazda Motor Corp. ngưng sản xuất tại nhà máy ở Nam Kinh trong bốn ngày, bắt đầu từ hôm nay.

Vì lý do an ninh, Canon Inc. cũng ngưng hoạt động tại ba trong bốn nhà máy sản xuất máy chụp hình, photocopier và máy in, trong hai ngày hôm qua và hôm nay.

Fast Retailing Co., với 145 cửa tiệm bán áo quần mang thương hiệu Uniqlo cũng tạm đóng cửa bảy tiệm vào hôm qua. Họ hy vọng sẽ đóng thêm nhiều hơn vào ngày hôm sau.

Cuộc biểu tình bùng phát vào cuối tuần rồi về các hòn đảo đang tranh chấp ở biển Hoa Ðông, được xem là cuộc phản kháng chống Nhật lớn nhất xảy ra ở Trung Quốc, vào lúc mà nhiều công ty Nhật đang hướng đến các nước ở Ðông Nam Á, khi chi phí lao động ở Trung Quốc đang ngày mỗi cao. Tuy nhiên, Trung Quốc không những vẫn là bạn hàng lớn nhất của Nhật mà còn là thị trường tiêu thụ đang tăng trưởng mạnh đối với nhiều ngành kinh doanh của Nhật.

Kyohei Morita, trưởng kinh tế gia Nhật tại Barclays nói: “Tinh thần bài Nhật tăng cao có thể trở thành một tác nhân để cho các công ty Nhật càng muốn rút ra khỏi Trung Quốc, để hướng đến các quốc gia ở Ðông Nam Á”.

Ngay trước khi xảy ra những vụ chống đối gần đây, các công ty Nhật đang bắt đầu cảm thấy Trung Quốc ít hấp dẫn hơn vì đồng lương tăng và dân số trong tuổi lao động lại giảm lần.

 

Trong khi đó, Trung Quốc hôm qua có nỗ lực ngăn chặn không để cho các cuộc biểu tình chống Nhật đi quá đà, sau một cuối tuần xảy ra các cuộc bạo loạn, cảnh cáo sẽ bắt giữ kẻ phạm pháp và xóa các trang web đăng tải hình ành và những bài viết liên quan đến biểu tình.

Các cuộc biểu tình rầm rộ và đầy phẫn nộ đã diễn ra khắp các thành phố lớn ở Trung Quốc hồi cuối tuần qua, đưa đến các vụ đập phá cướp bóc cửa hàng bán sản phẩm Nhật, cũng như tấn công xe cộ mang nhãn hiệu Nhật trên đường phố. Một số cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc còn kêu gọi dân chúng chứng tỏ lòng yêu nước bằng cách tẩy chay hàng hóa và hủy các chuyến du lịch Nhật.

Tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Leon Panetta, kêu gọi cả hai phía hãy giải quyết vấn đề qua đường lối ngoại giao, nói rằng Washington không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. “Chúng tôi lo ngại về các cuộc biểu tình, và chúng tôi cũng lo ngại về cuộc tranh chấp”- ông Panetta nói sau cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng Nhật, ông Satoshi Morimoto.

Nh.Thạch (Theo AP)