Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại “sân sau” của Trung Quốc

07:15 | 19/11/2012

916 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đầu tuần sau, thế giới sẽ chứng kiến sự tăng cường chưa từng thấy hoạt động ngoại giao của Mỹ tại châu Á, khu vực cho tới gần đây vẫn là "hố đen" trong chính sách đối ngoại của Washington, nhưng đang có tầm quan trọng mới sau khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama tuyên bố "chuyển hướng trục chiến lược" sang châu Á.

 

Quan chức Bộ Quốc phòng Campuchia đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (phải) khi ông tới Campuchia hôm 16/11

Chiến dịch ngoại giao được bắt đầu bằng việc "bộ ba quyền lực" của Mỹ gồm Tổng thống Barack Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta thăm Campuchia. Chương trình nghị sự bao gồm các cuộc đàm phán song phương với những người đồng cấp và việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại thủ đô Phnôm Pênh. Sau đó, Tổng thống Mỹ và phái đoàn cũng sẽ thăm Thái Lan và Myanmar.

Điều khiến chuyến công du châu Á của ông Obama trở thành một chuyến công du lịch sử không chỉ xuất phát là thực tế rằng trước đây chưa từng có Tổng thống Mỹ nào đến thăm Campuchia hay Myanmar, mà chủ yếu nằm ở nỗ lực thiết lập sự hiện diện đáng kể tại các khu vực vốn vẫn được coi là "lãnh địa" của Trung Quốc.

Chiến lược "chuyển hướng trục chiến lược" mà Mỹ tuyên bố hồi cuối năm 2011 đã cho thấy cường quốc này đang nỗ lực nhằm không chỉ hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong những lĩnh vực mà Mỹ đặt mục tiêu chinh phục, mà còn nhằm đẩy Trung Quốc ra khỏi các khu vực lâu nay vẫn được coi là sân sau của họ.

Mới đây, tờ Washington Post đăng bài viết của ông Craig Whitlock, trong đó phân tích về tình hình an ninh quốc gia và việc Lầu Năm góc xử lý các vấn đề có liên quan đến sự hợp tác của Mỹ với Campuchia trong lĩnh vực chống khủng bố. Bài báo viết: "Lầu Năm góc đang mở rộng chiến dịch hỗ trợ hoạt động chống khủng bố ở mọi nơi trên thế giới. Đây là một phần của chiến lược nhằm triển khai các lực lượng đặc nhiệm ưu tú làm cố vấn tại các quốc gia nằm xa các căn cứ Trung Đông và Bắc Phi của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda". Những quốc gia này bao gồm Philippines, Bangladesh, Indonesia và Campuchia.

Có vẻ như các quan chức Lầu Năm góc đều ít quan tâm rằng không phải cả 4 quốc gia được đề cập tới đều đang phải đối mặt với nguy cơ khủng bố. Bất chấp mọi sự chỉ trích, các quan chức hàng đầu của chính quyền Obama không thay đổi kế hoạch của họ và chuyến thăm vẫn diễn ra theo kế hoạch, bởi vì "số tiền cược" là quá lớn đối với cả Washington và Phnôm Pênh.

Các mục tiêu của Washington là quá rõ ràng. Chuyến thăm Campuchia có tính chất "bản lề" và Mỹ không muốn từ bỏ, bởi chuyến thăm này có thể trở thành "bàn đạp" cho Mỹ trong việc từng bước củng cố tầm ảnh hưởng tại Đông Nam Á.

Nh.Thạch (Theo AP)