Kofi Annan ra đi, Syria sẽ ra sao?

Mỹ đang ngầm chuẩn bị cho thời kỳ hậu Assad

22:25 | 06/08/2012

1,333 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngay cả trong khi giao tranh vẫn còn đang diễn ra quyết liệt ở Syria và Tổng thống Bashar al-Assad mạnh mẽ tuyên bố không từ bỏ quyền lực, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đang lặng lẽ chuẩn bị các kế hoạch hậu Assad.

 

 

Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta (trái) và Tổng tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey tại một buổi điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Mỹ liên quan đến tình hình ở Syria hồi tháng 3/2012. Mỹ đang ngầm chuẩn bị cho thời kỳ hậu Assad

Đối phó với làn sóng người tị nạn, duy trì hệ thống y tế và các dịch vụ đời sống căn bản, tái khởi động nền kinh tế thiệt hại nặng vì chiến tranh, và nhất là không để xảy ra khoảng trống an ninh sau khi chế độ Assad sụp đổ. Đó là những vấn đề lớn mà Mỹ đang chuẩn bị đối mặt.

Tránh để không lập lại các lỗi lầm diễn ra tiếp theo cuộc tấn công vào Iraq năm 2003, cả hai bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ đang thành lập các nhóm có nhiệm vụ đặc biệt để soạn thảo các kế hoạch nhằm đối phó với một tình thế mà nhiều người cho rằng sẽ vô cùng hỗn loạn, cực kỳ bạo động, có thể làm lây lan sự bất ổn ra khỏi biên giới Syria.

Bộ Ngoại giao Mỹ đang tính đến việc cung cấp thêm thực phẩm và thuốc men ở một số nơi trong khu vực và nghiên cứu cách nhanh chóng hủy bỏ các biện pháp trừng phạt do Mỹ và các quốc gia châu Âu đưa ra để nguồn đầu tư có thể nhanh chóng đổ vào, giúp giảm phần nào sự suy sụp trong đời sống của thường dân. Bộ Ngoại giao cũng có nỗ lực thuyết phục phía nổi dậy ở Syria tránh có hành động trả thù đẫm máu nhắm vào quân đội, cảnh sát và các cơ quan chính phủ dưới chế độ Assad.

Dù rằng Nhà Trắng coi như bác bỏ việc can thiệp trực tiếp bằng quân sự, Lầu Năm Góc đang soạn thảo kế hoạch dự trù có hoạt động quân sự phối hợp với NATO hay các đồng minh trong vùng để điều hành làn sóng người tị nạn qua các biên giới của Syria và bảo vệ các kho võ khí hóa học không để bị lọt vào tay khủng bố.

Theo một giới chức cao cấp Mỹ, câu hỏi chính đang được đặt ra là điều gì sẽ xảy ra sau khi chế độ Assad sụp đổ. “Chương thứ nhất là Assad ra đi, chương thứ nhì là chuyển tiếp hậu Assad và các nỗ lực ổn định sơ khởi. Còn chương thứ ba là gì, hiện chưa ai biết. Ðó mới là điều đáng sợ”- viên chức này cho hay.

Kofi Annan ra đi, sứ mệnh LHQ phải tiếp tục

“Rất tiếc”. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận xét như vậy về quyết định của ông Kofi Annan từ bỏ vai trò đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Arập về Syria. Ông Putin đã tuyên bố như vậy ở London khi bình luận về kết quả cuộc đàm phán Nga-Anh. Theo lời nhà lãnh đạo Nga, ông Kofi Annan là một người rất xứng đáng và nhà ngoại giao xuất sắc. Ông Putin bày tỏ hy vọng rằng, cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực ở Syria”.

Bản thân ông Annan giải thích sự ra đi bởi việc ông không nhận được sự hỗ trợ cần thiết để tiếp tục thực hiện thành công sứ mệnh ở Syria. Sứ mệnh hoà bình của ông Annan sẽ hết hạn vào ngày 31/8. Nga đã gắn nhiều hy vọng vào kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria bằng các biện pháp hòa bình. Ngay từ tháng 3 năm nay, ông Annan đề nghị Damascus và phe đối lập đạt thỏa thuận ngừng bắn và cho phép các quan sát viên quốc tế hiện diện ở Syria để giám sát quá trình thực hiện lệnh ngừng bắn của cả hai bên. Sáng kiến này không thành công. Liệu kế hoạch này ngay từ đầu là không khả thi? Sau đây là ý kiến của chuyên viên Evgeny Satanovsky, Giám đốc Viện Trung Đông: “Ông Annan đã bắt tay giải quyết một vấn đề không thể được giải quyết về nguyên tắc. Cuộc nội chiến ở Syria đang diễn ra với sự hỗ trợ của một số thành viên Liên đoàn Arập. Các quốc gia đó tổ chức và tài trợ cuộc chiến này, huấn luyện chiến binh. Và sự giúp đỡ của một nhà trung gian hòa giải hầu như không thể giải quyết một cuộc nội chiến được cung cấp tài chính hàng trăm triệu USD và hàng nghìn phần tử vũ trang. Nga và Trung Quốc đã cố gắng giúp đỡ ông Kofi Annan, bởi vì hai nước này quan tâm đến sự thành công của sứ mệnh hòa giải. Các nước phương Tây chỉ nói về sự hỗ trợ cho ông Kofi Annan, nhưng, trên thực tế, đã không làm gì để giúp ông”.

Không được để sự từ chức của ông Annan tạo ra khoảng trống trong nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng. Chuyên viên Andrei Volodin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phương Đông thuộc Học viện Ngoại giao Nga, nói: “Hiện nay, không nên nói về lý do tại sao ông Kofi Annan từ chức. Lý do là dễ hiểu. Cần phải nói về những bước đi tiếp theo. Trong vấn đề này, nhóm liên lạc cho Syria có thể đóng vai trò to lớn, mà Nga tham gia tích cực nhóm này. Cần phải tích cực thu hút Iran tham gia hoạt động của nhóm liên lạc. Tôi nghĩ rằng, trong tương lai gần, nền ngoại giao quốc tế sẽ hoạt động tích cực hơn, và Nga nên đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. Tổng thống Nga đã nói rõ về lập trường của Nga: cuộc khủng hoảng Syria cần phải được giải quyết mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Các lực lượng của nhân dân Syria nên giải quyết khủng hoảng trên cơ sở thỏa hiệp giữa các lực lượng chính trị - xã hội trong nước”.

Các nước phương Tây đòi phải chấm dứt sứ mệnh LHQ ở Syria. Điều này là dễ hiểu: họ không cần đến thông tin khách quan về những gì đang xảy ra ở Syria. Về mặt này này, Matxcơva hy vọng rằng, Tổng thư ký LHQ sẽ đề xuất sáng kiến gia hạn sứ mệnh này.

H.Phan (Theo AFP)