Liên Hiệp Quốc chấm dứt sứ mạng ở Syria dù máu vẫn đổ

17:33 | 17/08/2012

919 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Liên Hiệp Quốc tuyên bố chấm dứt sứ mạng quan sát ở Syria giữa lúc thường dân vẫn bị tấn công tại tỉnh Aleppo nơi cường độ giao tranh vẫn không ngớt.

 

Giám đốc chương trình cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, Valerie Amos

Quyết định của Liên Hiệp Quốc được công bố giữa lúc cộng đồng quốc tế tiếp tục gia tăng áp lực đối với chính quyền của Tổng thống Assad để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 17 tháng và nay có nguy cơ lan tràn sang nước láng giềng Liban.

Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc ông Gerard Araud cho hay Liên Hiệp Quốc đành phải chấm dứt sứ mạng Syria vì “các điều kiện cần thiết để tiếp tục sứ mạng không hiện hữu”.

Sự kiện này là hậu quả của sự thiếu đồng thuận giữa các cường quốc trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Syria và sự thất bại của kế hoạch hòa bình do cựu Đặc sứ Kofi Annan đề xuất.

Giám đốc chương trình cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc bà Valerie Amos bày tỏ sự bất mãn của bà về việc chính quyền Syria không cho phép các tổ chức cứu trợ quốc tế vào hoạt động trong nước họ.

Lên tiếng tại Syria, bà Amos nói số người cần cứu trợ ở Syria nay có thể đã lên tới 2,5 triệu và khoảng một triệu người có cơ nguy lâm vào cảnh cơ cực. Bà cho hay chính quyền Assad không cho hàng cứu trợ vào vì sợ nó sẽ rơi vào tay phe nổi dậy.

Trong khi đó, phe nổi dậy cho hay quân đội đã pháo kích một nhóm thường dân đang xếp hàng mua bánh mì tại quân Qadi Askar ở phía Đông Aleppo khiến 10 người chết.

Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết hôm 16/8 trên khắp Syria có ít nhất 99 người chết – phần đông là thường dân. Tổ chức này kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp dụng cấm vận về chuyển giao vũ khí cho chính quyền Assad sau vụ oanh tạc thường dân ở Azaz khiến cho 40 người chết và 150 người bị thương.

Nga và Trung Quốc đã 3 lần phủ quyết những biện pháp trừng trị chính quyền Asad. Nay Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy cùng nhau kêu gọi các bên tham chiến ngừng bắn. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc ông Dương Khiết Trì thúc giục Syria hãy thực hiện ngừng bắn và chấp nhận sự giải hòa của cộng đồng quốc tế.

Nhưng Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đòi Tổng thống Asad phải từ chức. Ông nói lập trường của Pháp rất rỏ ràng là “vì bàn tay Assad đã nhuốm máu người dân Syria, ông ta phải từ bỏ quyền binh càng sớm càng tốt”. Trong khi đó, ông  Ekmeleddin Ihsanoglu, Chủ tọa của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo vốn đã đình chỉ vai thành viên của Syria, nói “thế giới không thể chấp nhận một chế độ đã không nương tay thảm sát thường dân bằng máy bay, xe tăng và trọng pháo”. Washington và Hội đồng Quốc gia Syria hoan nghênh phát biểu đó.

Tehran và Damascus cho đó chỉ là “âm mưu phá hại Syria do Mỹ giật dây”. Tổng thống Assad cho rằng ông đang chiến đấu chống lại một “âm mưu khủng bố” được hỗ trợ bởi các nước Hồi giáo theo hệ phái Sunni, kể cả Arập Xêút. Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tố giác rằng các nước Arập Sunni “chưa gửi một đôla để giúp người tỵ nạn trong khi đổ tiền của vào việc vũ trang cho phe nổi dậy”.

Nhiều người lo ngại rằng cuộc nội chiến sẽ lôi cuốn theo xung đột về tôn giáo và lan truyền qua các nước láng giềng như Liban vốn đã chứng kiến nội chiến về tôn giáo kéo dài từ 1975 đến 1990. Arập Xêút và ít nhất hai nước Arập vùng Vịnh đã ra lệnh cho công dân họ rời khỏi Syria.

Th.Long (Theo AFP, BBC)