"Cỗ máy chiến tranh" NATO liệu có thức dậy nổi ở Ukraine?

08:53 | 06/09/2014

2,408 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để đối phó với Nga, Mỹ đang tìm cách khởi động lại cỗ máy chiến tranh NATO nhân hội nghị thượng đỉnh của khối vào ngày 4 và 5-9 tại Anh. Cỗ máy 65 tuổi này liệu có thức dậy nổi với uy lực như xưa? Cỗ máy này có phát huy được tác dụng ngay trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine?

Trước khi cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra, lý do cho sự tồn tại của NATO dường như không rõ ràng. Bởi lẽ, lằn ranh đối đầu ý thức hệ “tư bản/cộng sản” ngày nào chia đôi châu Âu không còn nữa, thay vào đó là những hợp đồng mua bán vì lợi ích riêng. Nổi bật nhất là hợp đồng bán và cung cấp cho Nga 2 tàu đổ bộ Mistral của Pháp, ký từ thời cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy mà nay Tổng thống Francois Hollande phải kế thừa việc thực thi.

Cả Tổng thư ký NATO Anders F. Rasmussen đến lãnh đạo các nước như Mỹ, Anh và Đức đều phản đối bản hợp đồng này nhưng với Pháp, việc bán loại vũ khí hạng nặng này không “ảnh hưởng nhiều” đến thế đối trọng Nga - NATO và rằng quan điểm mỗi thành viên mỗi khác.

Mặc dù vậy, trước khi hội nghị thượng đỉnh này diễn ra, cỗ máy NATO đã “gầm gừ” vài tiếng. Ngày 3/9, Reuters đưa tin Mỹ và NATO sẽ đưa 1.000 quân tới Ukraina tập trận từ ngày 16 đến 26-9 nhằm thể hiện quyết tâm ủng hộ chính quyền Kiev. Cuộc tập trận Rapid Trident (Đinh ba thần tốc) sẽ diễn ra tại Trung tâm huấn luyện Yavoriv gần biên giới Ba Lan. Đây là lần đầu tiên Mỹ và NATO triển khai lực lượng tới Ba Lan kể từ khi khủng hoảng nổ ra tại miền Đông Ukraina.

NATO liên tục tăng cường hoạt động quân sự ở các nước Đông Âu kể từ khi Nga giành lại bán đảo Crưm. Hiện Mỹ cũng đang triển khai xe tăng và 600 binh sĩ tới Ba Lan và các nước Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania để tập trận chung vào tháng 10 tới.

Cỗ máy chiến tranh NATO liệu có thức dậy nổi?

Ngoại trưởng Anh William Hague (trái) và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen

Trước đó ngày 1/9, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố các thành viên NATO sẽ thành lập một “lực lượng phản ứng nhanh” ở Đông Âu để đối phó với Nga. Theo ông Rasmussen, với lực lượng phản ứng nhanh, NATO có thể triển khai binh lực nhanh chóng ở Đông Âu nhằm đối phó với mối đe dọa Nga. Lực lượng này gồm 4.000 lính, có khả năng di chuyển trong vòng 48 giờ sau khi được báo động. Lực lượng phản ứng nhanh sẽ được hỗ trợ khí tài đã có sẵn ở các nước Đông Âu gần Nga và sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn.

Trên thực tế, hiện NATO đã có sẵn một lực lượng phản ứng nhanh, nhưng nó phải mất 5 ngày để di chuyển tới các địa điểm cần thiết. Việc thành lập lực lượng phản ứng nhanh mới sẽ là một trong số hàng loạt biện pháp NATO sẽ đề ra ở hội nghị tại Anh vào ngày 4 và 5/9 nhằm phản ứng lại với cuộc khủng hoảng Ukraina.

Những hoạt động “lên gân lên cốt” của NATO nói lên điều gì? Cỗ máy chiến tranh này đã được khởi động? Nếu nói Nga là người đã đánh thức cỗ máy này thì ai sẽ là người “đổ dầu” để nó hoạt động?

Sự nổi lên của NATO trên các phương tiện truyền thông những ngày qua không thể che giấu nổi một thực tế, đó là việc khối này hiện nay dường như chỉ tồn tại cho có, vai trò của nó đã gần như không còn sau Chiến tranh Lạnh và nhất là sau khi Nga và Mỹ thực hiện chính sách tái khởi động quan hệ vào năm 2009.

Từ năm 1989 đến nay, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu đã giảm tới 85%. Trong khi đó, do khó khăn kinh tế triền miên, các thành viên châu Âu lại không gia tăng chi phí quân sự. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vào thời điểm căng thẳng nhất, Mỹ có tới 400 ngàn binh sĩ hiện diện tại châu Âu. Đó là những đơn vị được huấn luyện để có thể triển khai nhanh chóng bảo vệ Tây Âu, đối phó với những đe dọa của Liên Xô và liên minh quân sự, khối Warszawa.

Giờ đây, tại châu Âu, Mỹ chỉ bố trí 67 ngàn binh sĩ, 130 tiêm kích, 12 máy bay tiếp nhiên liệu và 30 máy bay vận tải. Vùng Địa Trung Hải giờ đây vắng bóng hàng không mẫu hạm Mỹ, cho dù Hải quân Mỹ vẫn có một khu trục hạm thả neo tại căn cứ Cadix, Tây Ban Nha. Như vậy sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu bị giới hạn và không thích ứng để đối phó với một hành động quân sự của Nga.

Trong những năm qua, Mỹ đã liên tục trách cứ các đồng minh châu Âu không đầu tư đủ cho quân đội của mình và muốn giao khoán vấn đề an ninh cho Mỹ. Trong cuộc họp với các lãnh đạo châu Âu, tại Bruxelles ngày 26/3/2014, Tổng thống Obama nhắc lại vấn đề này và bày tỏ các lo ngại trước việc một số đối tác trong NATO giảm tín dụng dành cho quân sự.

Nhằm buộc các đối tác tăng cường chi phí quốc phòng, ông Obama tiếp tục tiến trình giảm cam kết quân sự tại châu Âu, được khởi đầu từ dưới thời Tổng thống George Bush. Nguyên thủ Mỹ giờ đây tăng tốc tiến trình này. Với lý do cắt giảm ngân sách quốc phòng, ông Obama thông báo ý định giảm quân số Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1940.

Các nước châu Âu, trong bối cảnh “giật gấu vá vai” về tài chính, đã nói rõ là không muốn can thiệp quân sự vào Ukraina. Do vậy, NATO chỉ đưa ra một loạt các biện pháp khiêm tốn, nhằm trấn an các thành viên Đông Âu. Theo giới chuyên gia, nếu NATO muốn tỏ ra có sức răn đe mạnh mẽ, cần phải xem xét lại chính sách giảm cam kết quân sự của Mỹ đối với châu Âu. Đồng thời, các đồng minh châu Âu cũng phải tính đến việc tăng ngân sách quốc phòng và thảo luận việc sử dụng các nguồn tài chính này.

NATO mong muốn các thành viên dành tối thiểu 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quân sự và phối hợp với nhau tốt hơn để tránh lãng phí, trùng lắp. Thế nhưng, trong năm 2013, chỉ có vài nước đồng minh thực hiện được mục tiêu nói trên. Mỹ vẫn dẫn đầu với tỷ lệ 4,1% trong lúc các nước châu Âu chỉ đạt mức trung bình là 1,6%.

Mỹ đang mượn cớ Nga gây quan ngại tại châu Âu để một lần nữa vực dậy NATO phục vụ cho những lợi ích của mình. Tổng thống Mỹ mới đây ca ngợi NATO là “liên minh mạnh nhất, hiệu quả nhất trong lịch sử nhân loại”. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ giảm mạnh ngân sách quốc phòng, kinh tế châu Âu liên tục trì trệ, NATO không còn có đủ phương tiện để đảm trách vai trò của mình.

Trong khi Mỹ đang cố vực dậy NATO thì Nga tuyên bố sẽ thay đổi học thuyết quân sự để đối phó với việc NATO tăng cường hiện diện sát biên giới Nga.

S.Phương (tổng hợp)