Chuẩn bị nhân lực cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

14:37 | 02/08/2012

2,351 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân không khó nhưng như ý kiến nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã nói, cái khó nhất là việc tiếp nhận, vận hành và quản lý nhà máy điện hạt nhân như thế nào cho hiệu quả và an toàn. Yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Việt Nam dự định xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận trong năm nay nhưng từ trước đó 2 năm một đội ngũ chuyên viên, sinh viên Việt Nam đã được cử sang Nga đào tạo để sẵn sàng tiếp nhận và vận hành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trung tâm đào tạo nhân lực hạt nhân Obninsk

Đề án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Nga là một trong những nội dung quan trọng nhất được thảo luận tại các cuộc hội đàm của Chủ tịch Trương Tấn Sang với các nhà lãnh đạo Nga trong chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang Nga từ ngày 26/7 đến ngày 30/7/2012. Ở đây nói không chỉ về việc xây dựng nhà máy hạt nhân mà còn về việc đào tạo các chuyên gia Việt Nam.

 

Lớp sinh viên Việt Nam đầu tiên học chuyên ngành “Nhà máy và trạm điện nguyên tử” tại Trường Đại học Năng lượng nguyên tử Obninsk, chụp trước tượng Viện sỹ I.V. Kurchatov

Điều phối quá trình đào tạo chuyên gia Việt Nam là Trường bổ túc cán bộ chuyên môn Trung ương thuộc Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom. Hoạt động này thực hiện tại thị trấn Obninsk gần Matxcơva. Tháng 8/2010, ở Obninsk đã khai trương Trung tâm quốc tế đào tạo chuyên viên điện hạt nhân. Theo lời Giáo sư Vladimir Artisyuk, cơ sở này thường được gọi là “Trung tâm Việt Nam”: “Trên thực tế, sinh viên Việt Nam là những người đầu tiên đến đây để học tập. Sau đó có sinh viên từ Thổ Nhĩ Kỳ, và năm nay sẽ có thêm các sinh viên từ Bangladesh. Sinh viên Việt Nam có kết quả học tập rất cao, họ tham gia các cuộc thi Olympic Nga về vật lý, hóa học và toán học, và nhận được những bằng khen và phần thưởng”.

Lớp học đào tạo chuyên viên hạt nhân tại Obnisk

Hiện nay, tại Trung tâm Obninsk có 99 sinh viên Việt Nam. Theo chương trình giảng dạy, một năm được dành cho việc học tiếng Nga, và sau đó trong thời gian 5,5 năm, sinh viên học theo chương trình đầy đủ của Trường Đại học nghiên cứu hạt nhân Quốc gia Nga được biết trên toàn thế giới với tên gọi MiFi. Các lĩnh vực nghiên cứu chính là xây dựng nhà máy điện hạt nhân, lắp đặt và vận hành thiết bị, quản lý nhà máy điện nguyên tử và bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân.

Sau khi tốt nghiệp, các chuyên gia đều có khả năng đi thực tập đến các trung tâm đào tạo huấn luyện tại các nhà máy điện hạt nhân của Nga. Thời gian thực tập phụ thuộc vào chuyên môn. Ví dụ, đối với chuyên viên giám sát các công cụ và cơ chế của nhà máy, thời gian thực tập là một năm. Còn các chuyên gia trong lĩnh vực kiểm soát các lò phản ứng thì không ít hơn ba năm.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Nhưng, thời gian này vẫn chưa đủ để làm việc hoàn toàn độc lập tại nhà máy điện nguyên tử. Giáo sư Vladimir Artisyuk nói tiếp: “Một vài năm trước khi đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân, ở tỉnh Ninh Thuận sẽ xuất hiện trung tâm đào tạo huấn luyện. Tại Trung tâm đào tạo thuộc nhà máy hạt nhân sẽ bố trí thiết bị tập luyện mô phỏng hệ thống kiểm soát nhà máy phản ánh đầy đủ đối tượng thực sự. Nhờ đó, sinh viên tốt nghiệp trường đại học của chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các kỹ năng của mình trên địa bàn nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam”.

Đến thời gian đó sẽ hoàn tất quá trình xây dựng nhà máy, và các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp Trung tâm Obninsk sẽ bắt đầu làm việc tại cơ sở này. Ở đây nói về những người sinh viên ngày hôm nay và ngày mai. Quy trình đào tạo chuyên gia tiến hành một cách trôi chảy, và Trung tâm Obninsk có kế hoạch mỗi năm tiếp nhận những nhóm sinh viên mới để đào tạo chuyên gia cho ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam.

H.Phan (Theo News.ru)