Bùng nổ kinh tế Trung Quốc phá hủy các rạn san hô ở Biển Đông

07:00 | 30/12/2012

3,340 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo một nghiên cứu mới được công bố, bùng nổ kinh tế của Trung Quốc đã kéo theo sự suy giảm ít nhất 80% trong 30 năm qua của các rạn san hô ở Biển Đông.

 

Diện tích các rạn san hô tại Biển Đông đang suy giảm nghiêm trọng

Các nhà khoa học đến từ Trung tâm Nghiên cứu Rạn san hô thuộc Hội đồng Nghiên cứu Australia và Viện Hải dương học Biển Đông nói rằng, khảo sát của họ tại lục địa Trung Hoa và vùng Biển Đông đã cho thấy sự xuống cấp đáng báo động của các rạn san hô ở đây.

"Chúng tôi thấy rằng các rạn san hô ven biển dọc theo lục địa Trung Hoa và liền kề đảo Hải Nam đã suy giảm ít nhất 80% trong 30 năm qua"- nghiên cứu trên, công bố trong ấn bản mới nhất của tạp chí Conservation Biology (Bảo tồn Sinh học) của Australia số ra ngày 27/12, cho biết.

"Trên các đảo san hô nằm ngoài khơi và quần đảo mà sáu quốc gia đang cùng tranh chấp ở Biển Đông, độ che phủ của san hô đã giảm từ mức trung bình hơn 60% xuống còn khoảng 20% chỉ trong 10-15 năm qua”- báo cáo cho biết thêm.

Sự phát triển của vùng ven biển, vấn nạn ô nhiễm môi trường và đánh bắt hải sản theo kiểu tận thu quá mức dẫn đến những hệ quả chính mà các tác giả nghiên cứu mô tả như “một bức tranh ảm đạm của sự thoái hóa, suy giảm và tàn phá”.

“Tăng trưởng kinh tế quá nóng của Trung Quốc khiến những hệ lụy về môi trường trầm trọng thêm, trong đó có việc môi trường sống bị phá hủy do sự phát triển ở vùng ven biển, thủy sản khai thác thiếu bền vững và ô nhiễm môi trường"- nghiên cứu cho biết.

Rạn san hô đang mất dần trong vùng Biển Đông - nơi san hô từng phủ khoảng 30.000 kilomet vuông - do quản lý yếu kém, một vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền.

Một số công viên biển nhằm mục đích bảo tồn đã được thành lập ở khu vực này nhưng tác giả của nghiên cứu Terry Hughes cho rằng, chúng vẫn còn quá nhỏ và nằm cách xa nhau nên chưa hiệu quả để ngăn chặn sự suy giảm rạn san hô. Terry Hughes cũng đồng thời cảnh bảo khả năng phục hồi các rạn san hô tại Biển Đông đang ngày càng "mong manh" do các hoạt động tàn phá môi trường của con người.

Các kết quả nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy, hơn 30 năm tăng trưởng kinh tế quá nóng đã tàn phá môi trường nhiều khu vực ở Trung Quốc; một số khu vực thuộc quốc gia này hiện đang trong tình trạng ô nhiễm không khí, nước và đất nghiêm trọng nhất thế giới.

Mức độ tàn phá môi trường như vậy khiến cư dân các địa phương thất vọng, dẫn đến một số cuộc biểu tình. Một số cuộc biểu tình đã thành công, khiến một số dự án xây dựng các nhà máy mới bị hủy bỏ hoặc hoãn lại.

Chính phủ Trung Quốc đặt lộ trình chuyển đổi hình mẫu phát triển sang thân thiện hơn với môi trường. 

Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng với một số tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới đi qua, cũng là khu vực được cho là giàu tài nguyên.

Được coi là lá chắn cho hệ sinh thái ven biển, sự biến mất của những rạn san hô đồng nghĩa với sự cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản. San hô cũng là nguồn tài nguyên quý báu nuôi sống ngư dân cũng như là lá chắn sóng bảo vệ họ trước các cơn bão. Sự suy giảm diện tích các rạn san hô cũng ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch khi lượng du khách tìm đến chiêm ngưỡng loài sinh vật biển đặc biệt này giảm mạnh.

Nh.Thạch (Theo Conservation Biology)