Berlusconi “tái xuất giang hồ”

10:45 | 12/12/2012

610 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau một năm rút lui vì dính nhiều bê bối, cựu Thủ tướng Italia, Silvio Berlusconi, vừa tuyên bố ra tranh cử chức thủ tướng. Việc “tái xuất giang hồ” của ông Berlusconi được dự báo sẽ đẩy Italia rơi vào cảnh hỗn loạn, kéo theo các nước trong khu vực đồng euro.

 

 

Silvio Berlusconi thông báo sẽ ra tranh cử chức thủ tướng Italia

Đương kim Thủ tướng Italia, Monti hôm 9/12 tuyên bố ông sẽ từ chức ngay sau khi quốc hội thông qua ngân sách cho năm tới, điều đó có nghĩa là các cuộc bầu cử có thể sẽ được tổ chức vào tháng 2/2013 - ngay trước khi nhiệm kỳ của chính phủ hiện nay kết thúc vào cuối tháng 4/2013. Sở dĩ có quyết định này là vì hồi tuần trước đảng Nhân dân Tự do (PDL) của ông Berlusconi tuyên bố rút khỏi liên minh cầm quyền. Lý do được đại diện PDL đưa ra để giải thích cho sự rút lui này là “kể từ khi ông Monti lên nắm quyền hồi tháng 11/2011, các khoản nợ của Italia, tỷ lệ thất nghiệp và thuế đã tăng mạnh, trong khi nền kinh tế giảm sút”.

Điều đáng nói là việc ông Berlusconi ra tranh cử lần này trong bối cảnh đảng PDL của ông đang bị khủng hoảng trầm trọng và rằng ông tự ra ứng cử chứ không được PDL đề cử. Thời gian qua, những vụ bê bối tham nhũng, hối lộ và biển thủ công quỹ ở nhiều cấp bậc trong cơ chế Nhà nước - mà đa số nghi phạm là người thuộc lực lượng chính trị của Berlusconi và đồng minh của ông là đảng Liên đoàn phương Bắc (Lega Nord) - đã khiến chính đảng của ông Berlusconi bị khủng hoảng nội bộ và mất uy tín nghiêm trọng với cử tri. Những tháng gần đây, nội bộ PDL đã dấy lên một phong trào yêu cầu đổi mới, nhất là đổi mới hàng ngũ lãnh đạo đảng, và gián tiếp yêu cầu ông Berlusconi “lùi một bước” để hy sinh cho sự sống còn của đảng. Tuy nhiên, sau nhiều tháng đảng này tìm đủ cách mà không đưa ra được đường hướng hay gương mặt nào sáng giá, ông Berlusconi đã quyết định trực tiếp “tự kế vị”, đứng ra lãnh đạo PDL trong mùa bầu cử Quốc hội vào đầu năm 2013.

Dù biết rằng khó có thể thắng cử một lần nữa để trở lại nắm quyền hành pháp như hai lần trước, nhưng ông Berlusconi vẫn hy vọng sẽ còn đủ “chiêu” để chi phối Quốc hội, và chủ yếu là để tiếp tục được hưởng quyền miễn tố dành cho dân biểu để trốn tránh những nợ nần công lý, và nhất là để không phải đương đầu với những vụ án về trốn thuế và vụ án “Rubygate" mà ông Berlusconi là nghi phạm trong vụ mua bán tình dục với trẻ vị thành niên. Theo giới phân tích, quyết định trên của ông Berlusconi một lần nữa đưa Italia vào một cuộc phiêu lưu của một cá nhân, đặt quyền lợi của bản thân ông ta lên trên quyền lợi của đất nước.

Câu hỏi đặt ra là nếu trong hai lần trước, Berlusconi còn sử dụng được chiêu bài “đổi mới” để cuốn hút cử tri vốn thất vọng trước các vụ bê bối về tham nhũng hối lộ, thì lần này, khi PDL của ông Berlusconi bị tố cáo về các tội tham nhũng hối lộ và lạm quỹ nhà nước, ông Berlusconi sẽ phải ăn nói như thế nào với cử tri trong mùa tranh cử sắp tới? Giới quan sát nhận định, chắc chắn, Berlusconi sẽ tận dụng triệt để những khó khăn xã hội, kinh tế, tài chính mà Italia đang phải đương đầu gần một năm nay, quy tất cả trách nhiệm cho Thủ tướng Monti, và cố tình quên rằng nguyên nhân của những khó khăn hiện nay chính là do 2 thập niên tồi tệ mà ông Berlusconi cầm quyền gây ra.

Tuy nhiên, có lẽ “độc chiêu” của Berlusconi trong mùa tranh cử lần này vẫn sẽ là "quân bài" bãi bỏ thuế: bỏ thuế bất động sản, giảm bớt thuế cho các hoạt động đầu cơ tài chính. Người dân Italia vốn rất “dị ứng” với vấn đề thuế, hễ ai nói bỏ thuế, miễn thuế, thì coi như là lá đã giành được lá phiếu của cử tri. Thậm chí, ông Berlusconi có thể mị dân bằng cách tuyên bố rằng “nếu thắng cử, ông ta sẽ hoàn trả những khoản thuế mà Thủ tướng Monti đã 'ép' người dân Italia phải đóng cho Nhà nước”. Nhưng nếu không có thuế thì Nhà nước lấy đâu ra nguồn lực tài chính để tiếp tục duy trì các dịch vụ phúc lợi xã hội?

Trong khi đó, một trong những khó khăn đối với phe trung tả trong mùa bầu cử sắp tới là vừa phải tiếp tục ủng hộ đường lối chấn chỉnh cải cách của ông Monti, vừa phải đưa ra những biện pháp làm giảm bớt căng thẳng trong xã hội hiện nay. Riêng cá nhân ông Monti cho đến nay vẫn chưa chính thức đưa ra quyết định nào về “tương lai” của ông trong một chính phủ mới. Nhưng chắc chắn ông Monti sẽ không “về hưu”, một phần vì tình hình của Italia hiện nay vẫn cần đến ông, một phần vì chính các chính phủ châu Âu, các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế vẫn coi ông là nhân tố duy nhất có khả năng đưa Italia vượt qua thời khắc khó khăn này. Và cũng chính ông Monti thời gian gần đây đã tuyên bố "sẽ tiếp tục phục vụ đất nước nếu tình hình đòi hỏi”. Tuy nhiên, ông Monti sẽ phục vụ đất nước trên cương vị nào trong chính phủ mới? Đó là câu hỏi mà cho đến nay chưa có lời giải đáp.

Hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy đảng của ông Berlusconi sẽ đứng ở vị trí thứ hai hoặc thậm chí là thứ ba, còn đảng Dân chủ trung tả do ông Pier Luigi Bersani lãnh đạo được dự đoán sẽ thắng cử. Erik Nielsen, nhà kinh tế của UniCredit, cho biết ông "không mấy lo lắng" về tương lai của Italia, đồng thời dự đoán hoặc liên minh do ông Bersani lãnh đạo sẽ thắng cử, hoặc một chính phủ mới do ông Monti đứng đầu sẽ được thành lập sau bầu cử.

H.Phan (Tổng hợp)