Tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku:

Báo Trung Quốc: Mỹ đang cư xử tồi

12:24 | 18/09/2012

974 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc ngày 18/9 đăng bài viết cho rằng Mỹ đang cư xử tồi khi chạy tới, chạy lui ở châu Á – Thái Bình Dương và luôn mồm kêu gọi các bên có tranh chấp ở khu vực này kiềm chế.

Hôm 17/9, Trung Quốc đã xua 1.000 tàu cá đến quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư để đánh bắt

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E.Panetta ngày hôm nay đã đến Bắc Kinh và sẽ có cuộc gặp với người đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt. Không khó để dự đoán rằng, ông Panetta sẽ kêu gọi phía Trung Quốc kiềm chế và giải quyết căng thẳng leo thang với Nhật Bản xung quanh tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku một cách hòa bình. Trước đó, khi đáp đến Tokyo ngày hôm qua (17/9), ông chủ Lầu Năm góc cũng đã thực hiện một lời kêu gọi tương tự với Nhật Bản.

Theo tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, rõ ràng, việc xoa diụ tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc – Nhật Bản là tốt nhất với Hoa Kỳ bởi Mỹ sẽ chẳng được lợi gì nếu bị lôi kéo vào cuộc đối đầu quân sự giữa Bắc Kinh – Tokyo.

Tuy nhiên, giống như quan điểm ngoại giao mà Bắc Kinh đã công khai thể hiện trước đó, Nhân dân nhật báo cũng cho rằng chiến lược quân sự của Mỹ đang ngày càng nhắm mục tiêu vào Trung Quốc như một kẻ thù tiềm năng và Mỹ đã đóng vai trò rất tiêu cực trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở các vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, mặc dù luôn kêu gọi các bên kiềm chế và căng thẳng là không có lợi.

Nhân dân nhật báo dẫn chứng: trên đường đến Nhật Bản, trả lời các phóng viên, ông Panetta nhắc lại rằng Mỹ không đứng về phe nào trong vụ tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Tuy nhiên, sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Gemba có cuộc họp với ông chủ Lầu Năm góc, ông Gemba lại cho báo chí biết quần đảo Điếu Ngư/Senkaku được bao phủ bởi các hiệp ước an ninh giữa Nhật Bản và Mỹ.

Do đó, theo Nhân dân nhật báo, ông Panetta nên làm rõ lý do tại sao Hoa Kỳ không phải là bên nào trong tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku, cũng không có lợi nếu Bắc Kinh – Tokyo đối đầu quân sự, nhưng lại phải tuân theo hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, mà theo đó, sẽ bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản, bao gồm cả quần đảo đang tranh chấp Điếu Ngư/ Senkaku.

Chuyến thăm của ông Panetta được coi là một phần cam kết của Mỹ đối với hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo Nhân dân Nhật báo, ông Panetta sẽ phải giải thích rất nhiều để thuyết phục Bắc Kinh và đạt được mục tiêu làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hiện tại, vẫn chưa có tuyên bố nào được đưa ra từ cuộc hội kiến giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E.Panetta và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lương Quang Liệt. Nhưng có thể thấy, Bắc Kinh rất "hậm hực" với Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật và đang chờ ông Panetta với những lời giải thích nhiều hơn là nói chuyện hợp tác quân sự, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Bắc Kinh - Tokyo đang nóng lên từng ngày trong vụ tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku.

Trong một động thái mới nhất, theo Đài phát thanh Trung Quốc hôm 17/9, nước này đã xua 1.000 tàu cá đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để đánh bắt. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ đụng độ với Lực lượng tuần duyên Nhật Bản (CG) và đẩy căng thẳng càng dâng cao. Số tàu cá sẽ được bảo vệ bởi 6 tàu hải giám mà CG cáo buộc đã xâm nhập vùng biển gần Điếu Ngư/Senkaku hôm 14/9.

Bên cạnh đó, theo Hoàn Cầu thời báo, một nhóm người từ Hồng Kông dự kiến sẽ đến khu vực này vào ngày 18/9 và mang theo 2 quan tài để thể hiện quyết tâm “sẵn sàng hy sinh vì biển đảo”.

Linh Phương (tổng hợp)