Thế giới của đồ chơi điệp viên

07:00 | 10/02/2015

6,443 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Muốn biết những thiết bị tình báo từng tung hoành lịch sử tình báo thế giới hiện đại, phải đến Viện Bảo tàng Tình báo quốc tế (International Spy Museum - ISM) tại Washington DD. Trong ISM, người ta không chỉ thấy các đồ nghề điệp viên mà còn nhiều tư liệu lịch sử. Trên trang web mình, ISM cho biết đây là viện bảo tàng đầu tiên và duy nhất thế giới nhưng thật ra có vài viện bảo tàng tương tự đã được thành lập. Thử tham quan thế giới của nghề rình mò…

Năng lượng Mới số 398+399

Tái hiện lịch sử tình báo thế giới

Trong ISM, có nhiều dụng cụ - thiết bị một thời gắn liền lịch sử tình báo. Một trong những thiết bị loại này là Enigma - chiếc máy mật mã của Đức thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ngoài ra, còn có thiết bị phát tín hiệu cài vào đế giày - như “con bọ” chúng ta thấy trong phim hành động giật gân Enemy of the state do Will Smith thủ diễn; chiếc camera Tiệp Khắc mà lực lượng tình báo Đông Đức (Stasi) dùng “chụp” xuyên tường; hay đôi giày thoát hiểm được thiết kế cho phi công Anh thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai… Để xây ISM và tích cóp vài món tiêu biểu của nghề điệp viên, người ta đã mất hơn 7 năm với đóng góp của dân tình báo chuyên nghiệp.

Tòa nhà LeDroit, nơi được tái thiết kế làm Viện Bảo tàng Tình báo quốc tế

Ban Giám đốc và Ban Cố vấn ISM gồm William Webster (cựu sếp CIA và FBI), Trung tướng Oleg Kalugin (cựu Chánh Văn phòng phản gián KGB); Trung tướng Claudia J. Kennedy (cựu Phó chỉ huy Ban Tình báo Quân đội Mỹ); dân biểu Louis Stokes (cựu thành viên Hạ viện và cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ); Antonio Joseph Mendez (cựu Chánh văn phòng phụ trách cải trang thuộc CIA); Jonna Hiestand Mendez (cựu Chánh văn phòng phụ trách cải trang và viên chức phụ trách kỹ thuật tình báo thuộc CIA); David Kahn (chuyên gia lịch sử mật mã và cựu sử gia thuộc Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ - NSA); Keith Melton (cố vấn kỹ thuật CIA và là người có một trong những bộ sưu tập đồ nghề tình báo lớn nhất thế giới); Christopher Andrew (cựu Chủ tịch Nhóm Nghiên cứu tình báo Anh và Giáo sư lịch sử đương đại, Chủ nhiệm Khoa Sử Đại học Cambrige - Anh)…

Mục tiêu ISM là cung cấp cái nhìn cụ thể về vai trò điệp viên trong lịch sử, bởi “tình báo là một phần gắn kết với các bối cảnh xã hội và chính trị thế giới, ảnh hưởng và định dạng loại xã hội và thế giới mà chúng ta đang sống” - như phát biểu của Milton Maltz, Chủ tịch Ban Cố vấn ISM. Trong Viện bảo tàng, người ta cũng thấy bộ ảnh sắp xếp theo niên đại, về các giai đoạn khác nhau của lịch sử tình báo thế giới và tất nhiên có phần giới thiệu các gương mặt điệp viên lừng danh, từ nhân vật huyền thoại Mata Hari đến những người thành công nhưng ít biết đến và cả một số người mà không mấy ai nghĩ họ từng là dân tình báo nhà nghề như George Washington (Tổng thống đầu tiên của Mỹ) hay Daniel Defoe (cha đẻ Robinson Crusoe và cũng là người khai sinh tình báo Anh). 

Đồ chơi chuyên dụng

Có thể nói thêm về vài thiết bị tình báo trưng bày tại ISM. Tại đây, người ta sẽ thấy chiếc camera gắn vào chim bồ câu mà Anh - Mỹ - Pháp từng dùng hồi Chiến tranh thế giới thứ hai để chụp ảnh tình báo; cây súng nhỏ bằng ngón tay út hình thỏi son môi của KGB; “con bọ” gắn dưới đế giày mà KGB dùng theo dõi các viên chức ngoại giao Mỹ; thiết bị mở bất kỳ ổ khóa lì lợm nào chỉ trong 10 giây; thiết bị thu nhỏ ảnh xuống còn không tới 1mm; khẩu súng hình hộp thuốc lá do Đại tá KGB Nikolai Evgeyvich Khokhlov giao nộp lúc phản bội Liên Xô sang Mỹ sau khi từ bỏ nghề chuyên gia ám sát và chống lại lệnh khử Georgi Sergeyvich Okolovich; con dao cực nhỏ có thể giấu trong gót giày dùng trong trường hợp đào thoát (mở khóa, cắt dây trói) hoặc vũ khí cận chiến (móc mắt hay cắt họng đối phương); cây dù xịt khí độc ricin được dùng giết kẻ phản bội Georgi Markov (Bulgaria) tại London; khẩu Stinger cực nhỏ; dao cận chiến Fairbairn - Sykes do hai người Anh chế tạo từ kinh nghiệm cận chiến với cảnh sát Thượng Hải (mà bây giờ là dụng cụ không thể thiếu của lính đặc nhiệm); dụng cụ nghe lén hình gốc cây mà CIA đặt trong rừng gần các căn cứ quân sự Liên Xô (với lớp vỏ ngoài trông hệt vỏ cây và chạy bằng năng lượng mặt trời, nó bắt tín hiệu liên lạc radio của Liên Xô và truyền về thông qua vệ tinh)…

Con bọ gắn dưới đế giày

Ngoài ra, còn có bộ đồ nghề của John Walker - một trong những điệp viên quan trọng nhất của KGB thập niên 70 của thế kỷ trước. Là sĩ quan hải quân Mỹ, Walker có điều kiện tiếp cận nhiều tài liệu tuyệt mật và sao chụp bán cho Liên Xô. Sau khi nghỉ hưu, Walker tiếp tục nghề điệp viên với giúp đỡ của vài thành viên gia đình còn phục vụ trong hải quân. Đến năm 1985, Walker mới bị FBI thộp cổ. Đó là chưa kể các câu chuyện sống động như vụ điệp viên KGB Vitaly Yurchenko chơi xỏ CIA. Năm 1985 tại nhà hàng Au Pied de Cochon (Washington DC), Yurchenko hẹn gặp điệp viên CIA để bàn việc giúp mình đào tẩu. Tại nhà hàng, Yurchenko gọi thức ăn tùm lum rồi lén chuồn mất, để tay CIA ở lại ngửa cổ kêu trời khi móc sạch túi thanh toán bàn nhậu. Trở về Moskva, Yurchenko nói rằng mình bọn Mỹ bắt cóc và vất vả lắm mới về nhà toàn mạng…

Không giống nhiều viện bảo tàng, ISM còn có cửa hàng bán đồ chơi tình báo dỏm và quán càphê Zola (đặt theo tên nhà văn Pháp Emile Zola, từ sự kiện ông đứng ra bảo vệ Alfred Dreyfus, viên sĩ quan Pháp bị buộc tội nhầm làm điệp viên), nơi treo toàn ảnh tình báo như các điểm bỏ - nhận tài liệu bí mật mà viên chức FBI Robert Hansen từng thực hiện…

Giám đốc Điều hành ISM là Peter Earnest, từng phục vụ CIA 36 năm, trong đó có hơn 20 năm thuộc bộ phận thực hiện các chiến dịch mật.

Cây dù tiêm thuốc độc

ISM hiện là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Washington DC. Vé vào cửa là 21,95USD cho người lớn và 14,95USD cho trẻ em (mỗi ngày, từ 9 đến 19 giờ). Người xem còn được tham dự trò chơi tương tác kéo dài một giờ gọi là “Operation Spy” và “thực hiện” một điệp vụ dưới sự dẫn dắt của thiết bị GPS (định vị) vào lòng “thành phố” có tên “Spy in the City”. ISM không là viện bảo tàng tình báo duy nhất tại Mỹ, dù nơi này là bảo tàng tương đối đầy đủ nhất. Tại Washington DC, còn có Viện Bảo tàng Mật mã quốc gia (National Cryptologic Museum - NCM). Như ISM, NCM cũng trưng bày nhiều tài liệu tình báo, như tài liệu về Julius và Ethel Rosenberg (hai công dân Mỹ đầu tiên bị buộc tội làm gián điệp), về câu chuyện điệp viên Liên Xô xỏ mũi Washington khi lừa một Đại sứ Mỹ với sự giúp đỡ của hướng đạo sinh Liên Xô, về một chuyên gia giải mã người Mỹ không biết một chữ Tàu nhưng giải được mật mã của một băng buôn lậu ma túy gốc Hoa.

Ở Anh, Viện Bảo tàng Bletchley Park cũng là nơi trưng bày một số đồ nghề tình báo. Tháng 10-2000, Bletchley Park bị trộm cạy cửa cuỗm mất một trong ba máy Enigma còn lại của viện bảo tàng. Kẻ trộm đòi chuộc 25.000 bảng. Qua thư, hắn - tự xưng “Sư phụ” (The Master) - đòi nhận tiền nếu không sẽ đập vỡ chiếc Enigma trị giá 100.000 bảng… Bletchley Park là một trong những trung tâm tình báo Anh hồi Thế chiến thứ hai. Quân Đức thời đó dùng Enigma để tung các chỉ thị quân sự trong đó có lệnh tấn công tàu chiến Đồng minh và không biết rằng nhiều mệnh lệnh bí mật của họ sau đó đã bị nhà toán học Alan Turing đọc tuốt tuồn tuột, tại Trung tâm giải mã Bletchley Park…

Cao Minh

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps