THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc “nắn gân” Myanmar?

06:00 | 02/06/2015

1,199 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật gần biên giới Myanmar. Tàu chiến Ấn Độ tới Biển Đông tập trận với các nước Đông Nam Á. Dịch viêm phổi cấp tính đe dọa châu Á. Đó là những tin tức quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tân Hoa xã ngày 1/6 cho hay Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật vào ngày 2/6 tới tại tỉnh Vân Nam, Tây Nam nước này, sát biên giới với Myanmar.

Người phát ngôn của Quân khu Thành Đô, ông Triệu Phi Thông nói rằng cuộc tập trận chung này, với sự tham gia của Lục quân và Không quân PLA, dự kiến được tổ chức phù hợp với các kế hoạch huấn luyện.

Trong một thông cáo, PLA cho biết không cho phép máy bay nào tiến vào không phận của cuộc tập trận, và các phương tiện tiến về các khu vực tập trận ở hai huyện Cảnh Mã và Trấn Khang sẽ phải tuân thủ luật lệ giao thông. Ngoài ra, cư dân địa phương cũng không được phép tiếp cận khu vực tập trận. Cũng theo PLA, giới chức Trung Quốc đã thông báo cuộc tập trận này cho phía Myanmar.

Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh tình hình phía Myanmar vẫn căng thẳng sau những trận đánh giữa quân đội chính phủ và lực lượng vũ trang sắc tộc người Kokang ở vùng tây bắc bang Shan. Hàng ngàn người dân nói tiếng Hoa đã chạy sang Vân Nam lánh nạn.

Chính quyền Myanmar chỉ trích giới chức địa phương Trung Quốc bao che cho chiến binh Kokang nói tiếng Hoa và đã ban hành tình trạng thiết quân luật từ hơn 4 tháng nay ở bang Shan.

Quan hệ hai bên căng thẳng thêm sau khi xảy ra vụ máy bay Myanmar ném bom vào lãnh thổ Trung Quốc, vào tháng 3, giết chết 5 người Trung Quốc và gây thương tích cho 8 người nữa.

Bắc Kinh nổi giận và đáp trả bằng biện pháp cho chiến đấu cơ tuần tra không phận biên giới.

Đến giữa tháng 5, đài truyền hình Trung Quốc đưa tin có 5 thường dân bị thương vì hai vụ nổ nhưng không rõ do pháo kích từ bên kia biên giới hay do máy bay ném bom. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối Myanmar và cho biết sẽ điều tra tận gốc nhưng sau đó không thấy có phản ứng tiếp theo.

Tàu chiến Ấn Độ xuống Biển Đông

Báo điện tử Ấn Độ Deccan Herald, ngày 1/6/2015 cho hay, khu trục hạm tàng hình INS Satpura và tàu hộ tống chống tàu ngầm INS Kamorta đã tham gia cuộc tập trận Simbex-2015 với Hải quân Singapore, từ ngày 23 đến 26/5.

Trong khi đó, hai tàu khác là khu trục hạm có trang bị tên lửa INS Ranvir và tàu tiếp tế nhiên liệu INS Shakt tới Jarkarta từ hôm  31/5, để tham gia cuộc tập trận với Hải quân Indonesia trong vòng bốn ngày.

Kết thúc cuộc tập trận với Indonesia, các tàu chiến của Ấn Độ sẽ tới các cảng Kuantan, Malaysia, cảng Sattahip tại Thái Lan và cảng Sinanoukville ở Campuchia để tập trận với hải quân các nước này. Sau đó, các tàu chiến Ấn Độ, thuộc hạm đội phương Đông sẽ tới cảng Freemantle, Úc.

Đợt triển khai tàu chiến này kéo dài trong ba tháng, dưới sự chỉ huy của chuẩn Đô đốc Ajendra Bahadur Singh, diễn ra trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á ngày càng gia tăng và Mỹ cũng như nhiều nước phản đối ý đồ của Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa các khu vực đang có tranh chấp.

Trong thời gian qua, nhiều chỉ huy quân sự Ấn Độ tuyên bố là Hải quân nước này đủ khả năng can thiệp vào vùng Biển Đông, nếu các lợi ích của Ấn Độ trong vùng này bị đe dọa.

Hôm 31/5, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tuyên bố là New Delhi đòi hỏi phải có tự do lưu thông hàng hải. Các hoạt động thăm dò dầu khí của Ấn Độ tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tuyên bố đe dọa sử dụng vũ lực không phù hợp với các cam kết của hai nước trong việc giải quyết hồ sơ này.

Dịch viêm phổi cấp tính đe dọa châu Á

Giới hữu trách y tế ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Hồng Kông đang lo ngại vì sự gia tăng của số ca bệnh MERS, tức Hội chứng Hô hấp Trung Đông, được xác nhận. MERS được coi là ít có khả năng lây nhiễm hơn, nhưng lại nguy hiểm hơn so với vi rút gây ra bệnh SARS.

Tính đến ngày 1/6, Bộ Y tế Hàn Quốc xác nhận 18 ca bệnh ở Hàn Quốc, một ca ở Trung Quốc và giới hữu trách tại các khu vực bị ảnh hưởng đã cách ly hàng trăm người để tìm cách ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.

Vụ bộc phát bệnh MERS ở Hàn Quốc là vụ bộc phát lớn nhất trong số các nước nằm ngoài khu vực Trung Đông. Để phòng ngừa, Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết họ đã thực hiện những biện pháp cách ly kiểm dịch hoặc theo dõi đặc biệt đối với hơn 680 người bị phơi nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp với vi rút gây bệnh MERS.

Hồng Kông cũng cách ly kiểm dịch 18 người và cách ly 17 người khác. Tại tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, nơi có một ca bệnh MERS được xác nhận, gần 80 người bị cách ly.

MERS là một chứng bệnh đường hô hấp mà trong giai đoạn đầu tạo ra những triệu chứng giống như bệnh cúm. Ca bệnh đầu tiên được xác định ở Arập Xê út năm 2012. Bệnh này hiện giờ không có cách chữa mà cũng không có vắc xin, và tỉ lệ tử vong cao hơn 40%.

Hình ảnh ấn tượng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6

THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc “nắn gân” Myanmar?

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc