THẾ GIỚI 24H: Phương Tây đã hiểu sai về nước Nga

06:00 | 27/05/2015

1,864 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc lạm dụng thuật ngữ "Chiến tranh Lạnh mới" trong giới chính trị gia phương Tây gần đây đã trói buộc tư duy của họ về nước Nga. Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) thực ra đang nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ và NATO. Trung Quốc và Hàn Quốc “ngáng chân” Nhật tại UNESCO. Đó là những tin tức thế giới nổi bật trong 24 giờ qua.

Trong báo cáo nghiên cứu tháng 5/2015, Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House) nhận định việc đưa ra thuật ngữ "Chiến tranh Lạnh mới" trên thực tế đã lạm dụng lịch sử, khiến phương Tây hiểu sai về Nga cũng như vai trò của nước này đối với môi trường an ninh châu Âu.

Xung đột và khủng hoảng ở Ukraina đã đánh dấu một thời kỳ mới trong cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng cũng như lợi ích giữa Nga và phương Tây. Ngay lập tức, thuật ngữ "Chiến tranh Lạnh mới" được sử dụng một cách phổ biến và có phần ưa thích để ám chỉ giai đoạn cạnh tranh này.

Nhiều chính trị gia và nhà quan sát phương Tây còn cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn vặn ngược lại đồng hồ, thậm chí còn khôi phục Liên Xô. Vì thế, theo họ, những bài học thời Chiến tranh Lạnh là rất hữu ích cho giới chính trị gia phương Tây ngày nay. Tuy nhiên, nghiên cứu của Chatham House chỉ ra rằng thuật ngữ này, dù hay đến mấy thì cũng đã khiến phương Tây đi sai đường.

Báo cáo nhận định, chính cách tiếp cận vấn đề theo kiểu "Chiến tranh Lạnh mới" khiến phương Tây vấp phải nhiều khó khăn trong việc hoạch định chính sách đối với cả Nga và Ukraina. Bên cạnh đó, việc so sánh hành động của nước Nga hiện đại với Đức Quốc xã hồi cuối thập niên 1930 cũng dẫn đến những sai lầm khi đánh giá và xem xét một cuộc khủng hoảng quốc tế khá phức tạp. Theo Chatham House, thuật ngữ "Chiến tranh Lạnh mới" đã trói buộc tư duy của phương Tây về nước Nga.

Iran tố Mỹ bảo kê cho IS

Trang tin Sputniknews của Nga ngày 26/5 dẫn lời chính trị gia kiêm nhà ngoại giao Iran Seyed Hadi Afgahi cho hay nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Afgahi nói: "Ngày nay, việc nhóm IS không phải là một tổ chức tự thân vận động không còn là một bí mật nữa. Nhóm này được hỗ trợ đầy đủ và được Mỹ và NATO kiểm soát. Có rất nhiều bằng chứng nói lên rằng IS nhận được sự hỗ trợ và các chỉ huy IS được Mỹ huấn luyện".

Ông Afgahi đặt ra câu hỏi rằng bằng cách nào mà đoàn xe của chiến binh IS từ Raqqa (Syria) tiến về phía Ramadi (Iraq) và chiếm giữ thành phố này, giết hại hàng trăm dân thường, trong khi đó liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu ngồi yên và không có bất cứ động thái nào để giải cứu người dân.

"Với tất cả những diễn biến này, chúng tôi tin tưởng đứng đằng sau hành động của IS là Mỹ, vì vậy, cần phải cảnh giác" - ông nói.

Đây không phải là lần đầu Iran tố cáo Mỹ đứng đằng sau IS. Ngày 19/4 vừa qua, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Hassan Firuzabadi khi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Fars của Iran, nói rằng: "Chúng tôi đã nhận được báo cáo rằng máy bay Mỹ hạ cánh và cất cánh từ sân bay do IS kiểm soát ở Syria và Iraq".

"Mỹ không nên cung cấp vũ khí, tiền bạc và thực phẩm cho IS, rồi sau đó lại xin lỗi vì những gì được cho là họ đã thực hiện nhầm. Người Mỹ miệng nói là họ muốn đối đầu với IS. Nhưng trong thực tế chúng ta thấy họ làm điều khác hẳn”-ông Firuzabadi nói.

Trung Quốc và Hàn Quốc “ngáng chân” Nhật tại UNESCO

Hàn Quốc hôm qua đòi Nhật Bản thừa nhận người lao động Triều Tiên đã bị cưỡng bách làm việc tại một số địa điểm mà Tokyo muốn được ghi vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Vụ tranh cãi này là diễn tiến mới nhất trong vụ tranh chấp khu vực lâu năm về những hành vi tàn ác của Nhật trong thời Thế chiến thứ hai.

23 địa điểm được UNESCO xem xét để ghi vào danh sách Di sản Thế giới bao gồm những mỏ than, nhà máy thép và các xưởng đóng tàu – những nơi tiêu biểu của việc Nhật Bản trở thành quốc gia châu Á đầu tiên bước vào thời đại công nghiệp hiện đại từ năm 1850 đến năm 1910.

Hàn Quốc và Trung Quốc phản đối cuộc vận động của Nhật Bản vì họ cho rằng Tokyo cố tình bóp méo lịch sử qua việc làm ngơ trước sự kiện là hàng vạn người Triều Tiên bị ép buộc lao động tại các địa điểm này sau năm 1910, khi quân đội Nhật Bản chinh phục và áp đặt chế độ thực dân tại nhiều nước châu Á.

Các cuộc thảo luận gần đây giữa Seoul và Tokyo về vấn đề này vẫn chưa giải quyết được vụ tranh cãi.

Chánh văn phòng Nội các Nhật, Yoshihide Suga nói rằng những địa điểm đề cử lên UNESCO nên được xem xét một cách riêng biệt với vụ tranh chấp khu vực về những hành vi tàn ác trong cuộc chiếm đóng quân sự của Nhật tại châu Á trong nửa đầu của thế kỷ 20. Ông Suga nói rằng họ không nên chính trị hoá vấn đề này.

Trong số 23 địa điểm Nhật Bản đề nghị, các giới chức Hàn Quốc và Trung Quốc đã bày tỏ sự chống đối đối với 7 địa điểm, nơi khoảng 60.000 nhân công Triều Tiên và Trung Quốc bị ép phải làm việc nhiều giờ trong điều kiện nguy hiểm. Một trong các địa điểm này là đảo Hashima ở ngoài khơi Nagasaki, nơi có một mỏ than dưới biển.

Ủy ban Di sản Thế giới sẽ quyết định về đơn của Nhật Bản trong cuộc họp tại Đức vào cuối tháng 6 tới.

Miền đông Ukraina lại nóng vì đấu súng

Hãng tin AFP ngày 26/5 đưa tin 4 tay súng thuộc lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraina, một binh sỹ quân đội Ukraina và một dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh xảy ra 24 giờ qua ở khu vực xung đột miền Đông Ukraina bất chấp thỏa thuận ngừng bắn mà các bên đạt được hồi tháng 2/2015.

Theo nguồn tin trên, một dân thường thiệt mạng trong vụ nã pháo vào Nhà máy than cốc và hóa chất Avdiivka ở tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraina. Người phát ngôn quân đội Ukraina Andriy Lysenko cho hay vụ pháo kích đã gây ra một một rò rỉ amoniac nhỏ, song không cho biết thêm chi tiết. Ngoài ra, 12 binh sỹ Ukraina bị thương trong các vụ giao tranh kể trên.

Trong khi đó, nguồn tin từ phía lực lượng đòi độc lập ở Lugansk nói rằng có một tay súng bị thiệt mạng khi một xe cứu thương bị trúng đạn pháo ở khu vực gần biên giới với Nga. Bên cạnh đó, bốn tay súng thiệt mạng và ba người khác bị thương trong ngày 25/5.

Mặc dù các bên giao tranh ở Ukraina đã đạt thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 2 vừa qua tại Minsk (Belarus), giao tranh vẫn xảy ra ác liệt tại thị trấn Shyrokyne gần cảng chiến lược Mariupol, miền Đông Ukraina.

Nội chiến kéo dài 13 tháng qua ở quốc gia Đông Âu này tính đến nay đã cướp đi sinh mạng của gần 6.300 người và khiến khoảng một triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Hình ảnh ấn tượng

THẾ GIỚI 24H: Phương Tây đã hiểu sai về nước Nga

Hàng trăm sinh viên điều dưỡng của một trường dạy nghề tại thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, tham gia một kỳ thi ngoài trời ngày 26/5

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc