Thảm họa MH17 bắt nguồn từ... bay thẳng?!

08:18 | 22/07/2014

2,399 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để máy bay dân sự bay qua vùng có chiến sự tại Ukraina, tức là đặt cược tính mạng của người dân vào may rủi, các hãng hàng không, chính quyền Kiev và Cơ quan hàng không quốc tế, ai phải chịu trách nhiệm chính?

Thảm họa MH17 bắt nguồn từ lợi ích kinh tế?

Chuyến bay MH17 bay chệch lộ trình tới 300 km và bay qua không phận Donetsk, vùng trời có chiến sự ở Ukraina

Trong khi nhiều hãng hàng không châu Á bỏ hành lang bay ngang Ukraina từ khi cuộc khủng hoảng tại đây nổ ra hồi tháng 3/2014, thì Malaysia Airlines vẫn tiếp tục bay. Việc chọn bay ngang Ukraina sẽ giúp tiết kiệm nhiều nhiên liệu? Chính quyền Ukraina thu lợi được gì khi tiếp tục cho các chuyến bay thương mại sử dụng bầu trời bất chấp sự an toàn?

Chỉ vài giờ sau chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines bị trúng tên lửa ở miền đông Ukraina, nhiều tập đoàn hàng không châu Á đã tìm cách trấn an khách hàng. Hai hãng hàng không lớn nhất của Hàn Quốc là Korean Air và Asiana, hãng Qantas của Úc, tập đoàn China Airlines của Đài Loan lập tức thông báo, từ khi Nga sáp nhập vùng Crưm, hồi đầu tháng 3/2014, các tập đoàn này đã chuyển hành trình, tránh bay ngang qua lãnh thổ Ukraina.

Singapore Airlines và Cathay Pacific của Hồng Kông cũng cam kết không còn sử dụng hành lang bay ngang qua miền đông Ukraina.

Về phần hai hãng hàng không Nhật Bản là Japan Airlines và All Nippon Airways thì khẳng định họ không sử dụng tuyến đường bay qua Ukraina. Đây cũng là sự chọn lựa từ đầu của hãng hàng không Indonesia Garuda.

Riêng các hãng hàng không Thai Airways và hai hãng Trung Quốc Chine Eastern và Air China thì chỉ mới dời hành hang bay khỏi khu vực nguy hiểm từ sau vụ tai nạn máy bay Malaysia hôm 17/7.

Thảm họa MH17 bắt nguồn từ lợi ích kinh tế?

Các hãng hàng không đã tránh bay ngang Ukraina sau thảm kịch MH17 ngày 17/7

Câu hỏi đặt ra là, tại sao trước tai nạn thảm khốc nói trên, một số các công ty hàng không vẫn tiếp tục lộ trình qua vùng miền đông có chiến sự rất nguy hiểm, trong đó có Malaysia Airlines? Tại sao Kiev không đóng toàn bộ không phận để bảo đảm an toàn? Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhắc lại là cho tới ngày 17/7/2014, Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế vẫn xem đó là một hành trình “an toàn”.

Vậy thì lỗi tại ai? Trong những xung đột mới đây tại Kosovo hay Lybia, các cơ quan hàng không quốc tế luôn thông báo lệnh cấm bay. Nhưng trong xung đột tại Ukraina, phản ứng của các định chế này lại “rụt rè” hơn. Chính vì thế, các hãng hàng không có quyền quyết định chọn hay không hướng đi mạo hiểm này. Ngày 26/6, Chính quyền Kiev ra lệnh cấm một phần không phận miền đông, tức đối với các chuyến bay thương mại ở độ cao dưới 7.925 m, rồi tiêu chuẩn này được nâng lên 10.000 m. Chuyến bay bất hạnh MH17 đã bay đúng ở độ cao cho phép, chính xác là cao hơn 300 m so với tiêu chuẩn.

Để tiết kiệm xăng, 75% các hãng hàng không đi Đông Nam Á và Nam Á (trừ British Airways, Qantas hay Korea Air) vẫn chọn hướng qua miền đông Ukraina có chiến sự, trước khi có lệnh cấm toàn bộ, vì đây là đường đi thẳng nhất.

Mà ai cũng biết, đối với ngành hàng không, đường bay càng thẳng thì càng rút gọn được hành trình và tiết kiệm được nhiên liệu. Một lộ trình bay, nếu rút ngắn chỉ dăm, mười phút bay là giảm chi phí được không ít. Nên biết là với máy bay Airbus A380, mỗi giây đốt 4kg dầu, còn Boeing 777 là 2 kg. Ngay như Hàng không Vietnam Airlines, tính trung bình, một tháng cũng phải chi thêm 10 tỷ đồng nhiên liệu cho việc bay tránh vùng nguy hiểm trên không phận Ukraine.

Các hãng hàng không thì muốn tiết kiệm nhiên liệu, còn Ukraina thì không muốn từ bỏ khoản tiền thu phí các hãng nước ngoài sử dụng không phận. Tại khu vực có chiến sự, trước lệnh cấm toàn bộ, hàng ngày có đến 350 chuyến bay, trong đó có 150 chuyến bay chở khách đường dài, bay ngang lãnh thổ Ukraina. Lợi ích của hai bên gặp nhau đã dẫn tới thảm kịch của chiếc MH17.

H.Phan