Tân Tổng thống Indonesia là người thế nào?

13:27 | 24/07/2014

4,005 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lần đầu tiên trong lịch sử Indonesia, người ngồi trên ghế Tổng thống không xuất thân từ một gia đình quyền quý, hay có liên hệ gì với chế độ độc tài trong quá khứ.

Tân Tổng thống Indonesia là người thế nào?

Ông Joko Widodo - Tân Tổng thống Indonesia xuất thân từ một gia đình nghèo

Ngày 22/7, Ủy ban bầu cử Indonesia tuyên bố ứng cử viên Joko Widodo (biệt danh Jokowi) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 9/7 với 53,15% số phiếu. Như vậy nếu không có gì thay đổi, ông Widodo sẽ nhậm chức Tổng thống Indonesia vào tháng 10 tới. Sở dĩ có chuyện “nếu” ở đây là vì đối thủ của ông, Tướng Prabowo Subianto được 46.85% phiếu bầu, tuyên bố rút khỏi tiến trình bầu cử vì cho rằng có gian lận.

Một ngày sau thông báo của Ủy ban bầu cử, ông Subianto đã nộp đơn lên Tòa án Hiến pháp Indonesia khiếu nại kết quả bầu cử. Ông Subianto cho rằng ban vận động của ông Widodo đã thực hiện những vụ mua phiếu qui mô lớn và có những hành vi gian lận khác. Ông cũng tố cáo Ủy ban bầu cử không chu toàn nhiệm vụ trong việc điều tra cáo giác gian lận.

Là con một bộ trưởng trong Chính phủ Suharto thời xưa và kết hôn với con gái của nhà độc tài này (sau đã ly dị), ông Subianto bị quân đội sa thải vì dính tới vụ bắt cóc những nhà tranh đấu dân chủ trong năm 1998, năm cuối cùng của chế độ độc tài. Ông lưu vong tại Jordan một thời gian rồi về nước, dấn thân vào chính trị. Năm nay là lần thứ ba ông tranh cử tổng thống, cho nên đầy kinh nghiệm. Ông Subianto đã thuê một chuyên viên tranh cử ở Mỹ làm cố vấn. Ðó là ông Rob Allyn, người đã giúp cựu Tổng thống Goerge W. Bush trong chiến dịch đánh bại đối thủ John McCain trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa năm 2000.

Vụ kiện ở tòa án nhiều khả năng sẽ mất một tháng và hầu hết các nhà phân tích nói rằng ông Subianto sẽ thua kiện. Tòa án khó lòng đảo ngược kết quả bầu cử với mức chênh lệch phiếu lên tới 6%. Edward Aspinal, chuyên gia về chính trị Indonesia, phát biểu: "Tôi nghĩ rằng cơ hội thắng kiện hầu như là số không. Và trong lịch sử bầu cử Indonesia, Tòa án Hiến pháp chưa từng đảo ngược một kết quả như vậy. Ngoài ra, theo nhận xét của chúng tôi thì những cáo giác gian lận cũng chẳng vững cho lắm".

Các nhà quan sát quốc tế đồng ý rằng việc gian lận rất khó, vì suốt ngày các cử tri đã theo dõi rất kỹ hành động của nhân viên phòng phiếu. Các thùng phiếu không được niêm phong rồi chuyển đến một nơi khác đếm, mà được đếm ngay tại chỗ, trước mắt bàn dân thiên hạ. Ðây là một thủ tục đã được thi hành trong các cuộc bỏ phiếu lớn, nhỏ trước đây từ khi Indonesia thiết lập chế độ dân chủ. Việc cộng các kết quả cũng khó gian lận, vì năm nay Ủy ban bầu cử Indonesia đã niêm yết kết quả tất cả các địa phương, ai cũng có thể làm tính cộng để kiểm lại.

Ông Jokowi là người thay đổi cách nhìn của người dân về giới làm chính trị tại Indonesia. Ông khác hẳn các chính trị gia đã có mặt trên sân khấu kể từ khi dân chủ hóa. Ông là một nhà kinh doanh (bán đồ đạc dùng trong nhà), không thuộc một gia đình quyền quý. Ông làm Thị trưởng thành phố Solo, tái đắc cử với 90% số phiếu nhờ cải thiện đời sống của dân. Ông đắc cử Thống đốc Jakarta năm 2012, đem lại nhiều dự án thay đổi thủ đô đang thi hành.

Nhưng điều khác biệt quan trọng giữa hai ứng cử viên không phải là cá nhân của họ mà về quan điểm nền tảng về cơ cấu quốc gia. Những người ủng hộ Tướng Prabowo nói rằng sau 16 năm thí nghiệm dân chủ, nước Indonesia cần một “bàn tay sắt” để đoàn kết quốc gia, duy trì ổn định, thúc đẩy nền kinh tế, nếu không sẽ rơi vào hỗn loạn. Từ khi thiết lập chế độ dân chủ, người Indonesia trực tiếp bầu lãnh đạo của 500 đơn vị hành chính. Ông Prabowo muốn thay đổi chính sách “tản quyền” để tập trung vào thủ đô.

Ông Jokowi không đồng ý trở về chế độ tập trung như thời Suharto. Indonesia đã sống “ổn định” suốt 32 năm dưới chế độ Suharto, mà hậu quả là kinh tế phát triển chậm và xã hội bất công. Theo giới quan sát, việc ông Jokowi trở thành Tổng thống đánh dấu sự trỗi dậy của một thế hệ chính khách mới tại đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới với gần 250 triệu dân. Năm nay 53 tuổi, ông Jokowi muốn tiếp tục các cải cách dân chủ của kỷ nguyên hậu Suharto (1967-1998).

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc