Tại sao Đài Loan phản đối "nhất quốc lưỡng chế"?

09:49 | 28/09/2014

3,438 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dư luận đang quan tâm tới phản ứng của nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu ngay sau khi nhận được tuyên bố của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình về công thức “nhất quốc lưỡng chế” tại cuộc nói chuyện với Chủ tịch Tân Đảng Úc Mộ Minh hôm 26/9 ở Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình cho rằng, tái thống nhất một cách hòa bình theo công thức “nhất quốc lưỡng chế” - 1 quốc gia, 2 chế độ, là nguyên tắc trong giải quyết vấn đề Đài Loan. Đây được cho là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình công khai đề xuất công thức “nhất quốc lưỡng chế” đối với Đài Loan kể từ khi lên nắm quyền năm 2012.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Tân Đảng (Đài Loan) Úc Mộ Minh (trái)
ngày 26/9, tại Bắc Kinh

Công thức “nhất quốc lưỡng chế” từng được ông Đặng Tiểu Bình đưa ra lần đầu tiên hồi thập niên 1980 và hiện đang được áp dụng tại Hongkong (sau khi vùng đất này được Anh trả lại cho Trung Quốc năm 1997). Và ngày 26/9, công thức này lại được ông Tập Cận Bình đưa ra khi có cuộc nói chuyện với Chủ tịch Tân Đảng, khi ông Úc Mộ Minh có chuyến thăm Bắc Kinh.

Ngày 27/9, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, ông Tập Cận Bình cũng khẳng định, không có chuyện Bắc Kinh chấp nhận kéo dài thời gian thống nhất 2 bờ eo biển Đài Loan. Đồng thời cho rằng, việc thống nhất còn nhằm chấm dứt phản kháng chính trị, chứ không chỉ xây dựng lại lãnh thổ và chủ quyền.

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình cũng cho biết, trước khi áp dụng công thức “nhất quốc lưỡng chế”, Bắc Kinh sẽ xem xét đầy đủ tình hình thực tế và nguyện vọng từ các thành phần xã hội khác nhau 2 bờ eo biển Đài Loan để đảm bảo lợi ích cho người dân Đài Loan khi thống nhất.

Theo ông Mã Anh Cửu, Đài Loan duy trì nguyên tắc 3 không: không lệ thuộc, không tái thống nhất, không sử dụng vũ lực với Trung Quốc và công thức “nhất quốc lưỡng chế” sẽ không được đa số người dân Đài Loan chấp thuận. Ông Mã Anh Cửu cũng nhắc lại "nhận thức chung 1992 về nguyên tắc một Trung Quốc", theo đó mỗi bên có quyền duy trì cách giải thích của mình - trong khi Bắc Kinh gọi là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì Đài Bắc lại gọi là Trung hoa Dân quốc.

Theo tờ Want China Times, phần lớn người dân Đài Loan không ủng hộ ý tưởng tái thống nhất với Bắc Kinh theo công thức “nhất quốc lưỡng chế”. Tuyên bố phản đối của ông Mã Anh Cửu, một người ủng hộ chủ trương thân thiện với Trung Quốc về công thức “nhất quốc lưỡng chế” được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh quyết định sẽ can thiệp vào tiến trình bầu cử người đứng đầu đặc khu Hongkong kể từ năm 2017, nhân dịp tròn 20 năm (1997-2017) vùng đất này trở về Trung Quốc đại lục.

Đêm 26/9, khoảng 150 người biểu tình ủng hộ dân chủ đã xô đổ hàng rào và tràn vào trụ sở chính quyền đặc khu Hongkong trước khi cảnh sát xịt hơi cay giải tán đám đông và bắt giữ 6 người. Sau khi bị cảnh sát đẩy lùi, hàng trăm người biểu tình (các nhà hoạt động, sinh viên đại học và trung học) tiếp tục tập trung bên ngoài tòa nhà chính quyền hô khẩu hiệu phản đối cảnh sát dùng vũ lực.

Người biểu tình, bao vây quanh khu nhà chính quyền đặc khu Hongkong

Rạng sáng 27/9, gần 1.000 người đã vây quanh khu nhà chính quyền và nhà ở của lãnh đạo đặc khu Hongkong Lương Chấn Anh. Dự kiến, các nhà hoạt động xã hội sẽ thực hiện chiến dịch Occupy Central (Chiếm khu trung tâm) vào ngày 1/10, đúng quốc khánh Trung Quốc, nếu Bắc Kinh vẫn khước từ quyền tự quyết của người dân Hongkong - phản đối quyết định của Bắc Kinh giới hạn ứng cử viên tranh cử lãnh đạo đặc khu này vào năm 2017. 

Trưởng đặc khu hành chính Hongkong Lương Chấn Anh tuyên bố, chính quyền tôn trọng nguyện vọng và sự kiên trì của sinh viên về nền dân chủ, nhưng không đả động đến các cuộc ẩu đả lẻ tẻ đang bộc phát.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ lôi kéo bằng được Đài Loan để thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”. Bởi để thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”, Trung Quốc phải coi Đài Loan như “người em trai”, vui mừng với những thành tựu của Đài Loan, đồng thời sẵn sàng giúp đỡ Đài Loan giải quyết các vấn đề của chính mình như điều mà “ông anh” phải làm.

Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng, tầm nhìn của “Giấc mơ Trung Hoa” không chỉ đơn thuần là hướng tới “một tương lai tốt hơn cho Trung Quốc”, mà còn là một sứ mệnh lịch sử để cải cách quốc gia này.

Hiện thực hóa công cuộc phục hưng vĩ đại đất nước Trung Quốc và “Giấc mơ Trung Hoa” là lời kêu gọi ngày 17/3/2013 tại Quốc hội của ông Tập Cận Bình sau khi được bầu làm Chủ tịch nước. 21 ngày sau (8/4/2013), nội hàm “Giấc mơ Trung Hoa” được ông Tập Cận Bình nêu khá rõ trong phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao.

Theo giới truyền thông, ông Tập Cận Bình bắt đầu quảng bá “Giấc mơ Trung Hoa” trước khi nhậm chức Chủ tịch nước - ngày 29/11/2012, ông Tập Cận Bình tuyên bố: thực hiện được việc phục hưng đất nước Trung Quốc là giấc mơ lớn nhất của dân tộc Trung hoa trong lịch sử hiện đại.

Hơn 1 tháng trước (22/8), Trung Quốc đã kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đặng Tiểu Bình, người đưa ra thuyết “mèo trắng mèo đen”, cùng kế hoạch "cải cách mở cửa" và công thức “nhất quốc lưỡng chế” đối với Hongkong. Tại lễ kỷ niệm sinh nhật Đặng Tiểu Bình, ông Tập Cận Bình đã nhắc lại các tư tưởng của cha đẻ công cuộc cải cách mở cửa. Khi mới nhậm chức, ông Tập Cận Bình từng đặt vòng hoa tại tượng đài Đặng Tiểu Bình.

Giới phân tích cho rằng, ông Tập Cận Bình muốn được lịch sử nhắc tới như đang đề cập về Đặng Tiểu Bình. Tuy phải 3 lần “ra vào Trung Nam Hải”, nhưng những chính sách của Đặng Tiểu Bình đã “cứu Trung Quốc vào thời khắc gay cấn nhất của lịch sử" và "đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, vươn tới thịnh vượng".

Nhờ mở cửa và cải cách kinh tế, Trung Quốc là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, GDP tăng trung bình quanh mức 10%/năm từ 1978 đến 2013. Và nhờ công thức “nhất quốc lưỡng chế”, Hongkong đã trở về Trung Quốc bình an.

Mặc dù từng là “hổ tướng”, nhưng Đặng Tiểu Bình lại được trao giải Nobel kinh tế và di sản của ông là làm thay đổi lịch sử Trung Quốc.

Theo giới bình luận, “Giấc mơ Trung Hoa” phản ánh khát vọng của ông Tập Cận Bình khi muốn biến đổi nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa thành một quốc gia hùng mạnh và hiện đại hóa hoàn toàn vào năm 2050, nhưng thực hiện là một vấn đề khác.

Theo giới truyền thông, những bài phát biểu của ông Tập Cận Bình thời gian qua đang được đóng thành sách và bán rất chạy, tiền nhuận bút từ bán sách là một khoản không nhỏ. Được biết, cuốn "Bản ghi chép các bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình" đã bán được 10 triệu bản.

Tuy kém xa so với "Trước tác" của Mao Trạch Đông (900 triệu cuốn được bán trong nửa thế kỷ, được liệt vào kỷ lục Guinness), nhưng đây là một dấu hiệu cho thấy, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đã và đang thi nhau ca ngợi ông Tập Cận Bình như một diễn giả.

Hơn 1 năm trước (2/9/2013), ông Giang Miên Hằng, con trai cả cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Giang Trạch Dân đã nhắc đến khái niệm "Giấc mơ Trung Hoa" trong bài phát biểu hiếm thấy của mình. Theo đó, con trai ông Giang Trạch Dân ủng hộ “Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình.

Theo ông Giang Miên Hằng (lấy bằng Tiến sĩ của Đại học Drexel, Mỹ thập niên 1990), Phó Viện trưởng Viện khoa học Trung Quốc, kiêm Viện trưởng phân Viện Thượng Hải, để thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”, Trung Quốc phải áp dụng một chiến lược quốc gia mới dựa trên sự đổi mới để thúc đẩy phát triển. Và việc thực hiện "Giấc mơ Trung Hoa" là một nhiệm vụ lâu dài.

Quỳnh Tuấn


 

 

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc