Rắc rối sau bầu cử Tổng thống ở Indonesia

13:33 | 10/07/2014

1,029 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cả hai ứng cử viên Tổng thống Indonesia đều tuyên bố thắng cử trong cuộc bỏ phiếu ngày 9/7 vừa qua. Đây là lần đầu tiên Indonesia lâm vào tình trạng bế tắc như vậy. Nếu cả hai đều không nhượng bộ thì khả năng Indonesia rơi vào khủng hoảng chính trị là điều khó tránh khỏi.

Rắc rối sau bầu cử Tổng thống ở Indonesia

Hai ứng viên bầu cử Tổng thống Indonesia: tướng Prabowo Subianto (trái) và Thị trưởng Jakarta Joko Widodo

Tham gia tranh cử Tổng thống Indonesia lần này có hai ứng cử viên. Đó là Thị trưởng Jakarta Joko Widodo và Tướng về hưu Prabowo Subianto.

Ông Widodo, đại diện cho Đảng Dân chủ Đấu tranh Indonesia (PDI-P), được miêu tả là một công chức khiêm tốn của nhân dân. Ông được biết tới là một nhà quản l‎ý hiệu quả và nỗ lực tự định vị mình là ứng viên nằm ngoài giới chính trị truyền thống. Ông Subianto, người lãnh đạo Đảng Phong trào Indonesia Vĩ đại (Gerinda), miêu tả mình là một lãnh đạo có sức mạnh.

Trong chiến dịch tranh cử, ứng cử viên Widodo đã hứa sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất của Indonesia bằng việc ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như cải thiện hệ thống tài chính.

Còn ông Subianto kêu gọi kiểm soát mạnh hơn nền kinh tế và giới hạn vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt. Ông cũng hứa sẽ giảm tình trạng tham nhũng ở Indonesia.

Nhưng cả hai ứng cử viên vẫn chưa có những chính sách cụ thể nào để tạo thêm việc làm hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về chính sách đối ngoại, ông Subianto nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sức mạnh quân sự, nói rằng sự tôn trọng từ quốc tế bắt nguồn từ sức mạnh chiến đấu.

Còn ứng cử viên Widodo thì muốn tăng cường quan hệ giữa Indonesia và các nước láng giềng thông qua ngoại giao, nói rằng can thiệp quân sự là giải pháp cuối cùng để giải quyết xung đột.

Như vậy cả hai cũng đều không rõ ràng về chính sách ngoại giao của Indonesia ở Đông Nam Á, cũng như đưa ra quan điểm về căng thẳng gia tăng trên Biển Đông.

Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy đây là cuộc đua rất kịch tính. Ông Widodo đã dẫn đầu trong suốt chiến dịch tranh cử, nhiều khi vượt đối thủ đến 30 điểm. Tuy vậy, khảo sát mới nhất cho thấy hai ứng cử viên chỉ còn giữ cách biệt được 5 điểm.

Theo hãng tin Pháp AFP, kết quả không chính thức công bố tối ngày 9/7 cho thấy ứng cử viên Joko Widodo dẫn trước đối thủ Prabowo Subianto khoảng từ 4 đến 5%. Với kết quả này, ông Widodo đã tuyên bố chiến thắng.

Nhưng ngay sau đó, Tướng Prabowo cũng tuyên bố chiến thắng, dựa trên kết quả thăm dò của chính ông.

Một phát ngôn viên trong êkíp vận động tranh cử cho ông Widodo đã kêu gọi ông Prabowo chấp nhận thất bại và xử sự như một “chính khách” đích thực. Phát ngôn viên này nêu lên kết quả của “tất cả các viện thăm dò và nghiên cứu đáng tin cậy”. Phía ông Prabowo thì nêu bật tính chính xác của cách thăm dò được phe mình sử dụng gọi là “đếm nhanh”, vốn đã dự đoán chính xác người chiến thắng trong các cuộc bầu cử trước đây.

Đây là lần đầu tiên Indonesia lâm vào tình trạng bế tắc như vậy trong một cuộc bầu cử Tổng thống kể từ khi chế độ độc tài Suharto sụp đổ vào năm 1998. Trong hai cuộc bầu cử Tổng thống trực tiếp từ đó đến nay, ông Susilo Bambang Yudhoyono luôn giành được chiến thắng vang dội không tranh cãi.

Theo các nhà quan sát, nếu không ứng viên nào chịu nhượng bộ, thì tình trạng bấp bênh sẽ kéo dài khoảng hai tuần nữa, trong khi chờ đợi kết quả chính thức. Tại Indonesia, công việc kiểm phiếu rất phức tạp do vấn đề địa dư. Nền dân chủ lớn thứ ba trên hành tinh này có đến hơn 17.000 hòn đảo trải rộng trên ba múi giờ.

Tuy nhiên, dù kết quả cuối cùng có thế nào đi chăng nữa, vị Tổng thống mới của Indonesia sẽ phải đối phó với nhiều thách thức kinh tế.

Đất nước có số người Hồi giáo đông nhất thế giới này có nhiều chỗ yếu làm người ta e ngại. Nổi bật nhất là hạ tầng cơ sở - đường xá, bến cảng - cũng như các phương tiện chuyên chở - đường hàng không, đường thủy - rất yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn.

Bên cạnh đó là vấn nạn hành chính, quan liêu, với hệ quả tất yếu là tham nhũng. Mức chênh lệch giàu nghèo ngày càng sâu rộng, bất bình đẳng ngày rõ hơn: 12% người Indonesia phải sống với 1,25 USD/ngày, và gần 40% dân chúng phải sống với chưa đầy 2 USD/ngày, với công ăn việc làm tạm bợ.

Duy Hưng

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc