Phương Tây và chiêu "mượn dao giết người"

07:00 | 02/09/2014

2,423 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau Mỹ giờ đến lượt Australia và Đức chính thức cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurds ở Iraq nhằm chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).

Máy bay C-17 Globemaster của Không quân Hoàng gia Australia chở vũ khí sang cho lực lượng người Kurds ở Iraq

Đáp lại lời kêu gọi của Mỹ trong việc tham gia các nỗ lực chống lại IS, Chính phủ Australia đã quyết định sẽ cung cấp vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự cho lực lượng người Kurds tại Iraq.

Thủ tướng Australia Tony Abbott nói rằng: “Australia đồng ý tham gia vào việc chở các thiết bị quân sự để hỗ trợ lực lượng người Kurds cùng các nước Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Ý dựa trên yêu cầu của Chính phủ Mỹ và Iraq. Chúng tôi cũng sẽ tham gia thả hàng nhân đạo đến thị trấn Amerli, vốn đang bị bao vây ở miền bắc Iraq”.

Theo Thủ tướng Abbott, đây là một phần trong nỗ lực đa quốc gia với sự tham gia của các nước Australia, Canada, Italy, Pháp, Anh và Mỹ giúp đỡ Iraq. Tuy nhiên, ông Abbott khẳng định chưa nhận được bất cứ lời đề nghị nào từ phía Mỹ về việc tăng cường các hoạt động quân sự ở Trung Đông. Người đứng đầu Chính phủ Australia cũng tỏ ra lo ngại trước việc có khoảng 60 công dân Australia hiện tại đang tham gia vào các nhóm khủng bố tại Trung Đông và có khả năng thực hiện các vụ tấn công khủng bố ngay trên lãnh thổ Australia.

Cùng ngày 31/8, Đức tuyên bố sẽ gửi vũ khí đủ để trang bị cho 4.000 binh sỹ người Kurds ở phía Bắc Iraq nhằm chống lại các tay súng phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức các thiết bị gửi đi sẽ gồm: tên lửa chống tăng, hàng ngàn súng trường, lựu đạn cầm tay, thiết bị rà phá bom mìn, kính nhìn ban đêm, lều trại. Việc chuyển giao các loại vũ khí trên sẽ được chia thành nhiều đợt và diễn ra tại những khu vực an toàn, không bị ảnh hưởng bởi các cuộc giao tranh.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhận định, trước những hành động nguy hiểm của phiến quân IS, việc hỗ trợ các lực lượng chống lại tổ chức còn nguy hiểm hơn cả Al-Qaeda không chỉ là vì trách nhiệm nhân đạo mà còn vì lợi ích an ninh của các quốc gia. Trước đó, Đức đã cung cấp hàng cứu trợ nhân đạo và các thiết bị phòng thủ để hỗ trợ lực lượng người Kurds ở Iraq.

Trước Đức và Australia, từ giữa tháng 8/2014, Mỹ đã chuyển giao trực tiếp vũ khí cho lực lượng thiểu số người Kurds sau khi đồng ý không kích hỗ trợ.

Việc các nước phương Tây chấp nhận cung cấp vũ khí cho Iraq cho thấy mức độ lo ngại của họ về các thắng lợi của IS trong khu vực phía bắc Iraq và cũng phản ánh quan điểm của phương Tây rằng người Iraq phải tự giải quyết vấn đề an ninh của họ. Hay nói dễ hiểu thì đây là cách “dĩ độc trị độc” của phương Tây. Tuy nhiên, đây lại được coi là cú đặt cược đầy mạo hiểm của phương Tây tại Iraq. Tình hình Iraq hiện rối như canh hẹ, vừa khủng hoảng an ninh lại vừa khủng hoảng chính trị. Việc trang bị vũ khí cho một phe, trong một nước có chiến tranh thường không phải chính sách tốt. Mỹ có thể nhìn thấy lực lượng người Kurds như chỗ dựa có thể tin cậy, để đẩy lùi quân IS, bảo vệ người Thiên Chúa giáo, các cộng đồng thiểu số, giữ ổn định Iraq và nhất là bảo đảm được những lợi ích của mình. Có điều, vấn đề không đơn giản, vì người Kurds vẫn mơ ước thành lập một nhà nước, tập họp người dân rải rác ở nhiều nước từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Syria.

Bài học lịch sử về việc Mỹ từng hỗ trợ lực lượng Taliban ở Afghanistan vẫn còn nguyên giá trị. Mượn tay Taliban để đẩy lùi người Nga ra khỏi Afghanistan, Mỹ đang hàng ngày phải chịu những tổn thất do Taliban gây cho. Hệ quả của việc Mỹ cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurds, phải trong 1 hay 2 thập niên tới mới thấy hết. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, Mỹ không thể có chọn lựa nào khác.

Được hỗ trợ về mọi mặt, lực lượng người Kurds ở Iraq đã thành công trong việc đẩy lùi phiến quân IS khỏi một số thành phố ở miền bắc Iraq. Ngày 1/9, các lực lượng Iraq đã kết thúc cuộc vây hãm của các phần tử IS tại thị trấn Amerli ở miền bắc, nơi hàng ngàn người bị kẹt hơn hai tháng trong tình hình thực phẩm, nước và vật tư y tế cạn dần.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc