Phó Tổng thống Mỹ đến Ukraina làm gì?

08:37 | 22/04/2014

681 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dư luận quốc tế đang đặc biệt quan tâm tới chuyến thăm Ukraina của Phó Tổng thống Mỹ ngày 21/4. Nhìn vào chính sách của Mỹ hiện nay đối với Ukraina sẽ thấy được mục đích của chuyến đi này.

Phó Tổng thống Mỹ đến Ukraina làm gì?

Chiều 21/4, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Kiev

Kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính tại Kiev, đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo cấp cao của chính quyền Mỹ tới Ukraina. Trong hai ngày ở thăm Kiev, ông Joe Biden sẽ gặp Tổng thống Ukraina Oleksandr Turchynov và Thủ tướng Arseny Yatseniuk để nhấn mạnh đến những nỗ lực của cộng đồng quốc tế giúp ổn định và củng cố nền kinh tế Ukraina và hỗ trợ đất nước này hướng tới việc cải tổ Hiến pháp, thực hiện tản quyền, đấu tranh chống tham nhũng và tổ chức bầu cử tổng thống một cách tự do và công bằng, vào ngày 25/5 tới.

Ngoài ra, trong ông Biden cũng sẽ được nghe những báo cáo mới nhất, đưa ra những ý kiến mới nhất mà chính phủ Mỹ muốn trình bày với chính phủ lâm thời Ukraina, kể cả “những ý kiến Washington nghĩ rằng có thể giải quyết căng thẳng chính trị nội bộ của Ukraina, giải quyết cả những căng thẳng đang xảy ra giữa thế giới phương Tây với Nga”- theo giải thích của một viên chức Hội Ðồng An ninh Quốc gia Mỹ.

Nhưng giới phân tích nhận định, chuyến đi này của ông Biden tới Kiev cũng chỉ là biểu tượng chứ không giúp giải quyết được gì cả. Lý do là vì cho đến chiều 14/4, Washington và NATO vẫn không nói đến sử dụng giải pháp quân sự để cứu Ukraina, trong lúc cả Mỹ, EU lẫn Nga đều lớn tiếng nói sẽ có thêm những biện pháp kinh tế và chế tài nếu tình hình không sớm được giải quyết. Ðiều đó có nghĩa là 2 phe sẽ ngập sâu hơn vào trận chiến với những biện pháp chế tài, trong lúc chờ đợi đi tìm một giải pháp chính trị.

Hầu hết các nhà phân tích chiến lược từng làm việc với Chính phủ Obama và các chính phủ tiền nhiệm đều nghĩ chuyện tìm giải pháp chính trị cho Ukraina là điều không dễ làm. “Nói cho đúng, chưa ai thấy ánh sáng giải pháp chính trị lóe lên cả”- Mike McGuire từng đảm trách mảng Ðông Âu thời Ngoại trưởng Hillary Clinton nói trong cuộc thảo luận bàn tròn do Viện Nghiên cứu Brookings Institution tổ chức hồi tuần trước. Theo McGuire, phương Tây vẫn đang đánh vòng ngoài chứ chưa đánh được vào yếu huyệt của Nga, có nghĩa trận chiến này sẽ còn dai dẳng chưa biết khi nào mới kết thúc.

Phân tích gia Heather Conley của Viện Nghiên cứu Chiến lược CSIS cho rằng những gì Mỹ và Tây Phương đang làm “chỉ mới nhắm vào những người thân cận với Tổng thống Putin chứ chưa gây thiệt hại cho kinh tế Nga”. Bà Conley cũng tỏ vẻ ngần ngại khi cho hay “không biết Washington và EU có thể làm thêm gì nữa trong lúc này”. Khi vẫn muốn đi tìm một giải pháp chính trị, ngoại giao cho vấn đề Ukraina, Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo Tây Phương biết họ không thể làm mạnh hơn được.

Chuyên gia Alan Rubenfeld - tác giả nhiều bài viết nói về quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Nga sau thời kỳ Chiến Tranh Lạnh - e rằng cánh cửa đàm phán vẫn còn mở “nhưng đề tài thảo luận, nếu có, sẽ không còn rộng như trước nữa”. Ông giải thích Mỹ và EU từng có lúc đòi hỏi Nga phải nói chuyện trực tiếp với chính phủ lâm thời Kiev, một vài tuần nay người ta không nói tới điều này nữa, chứng tỏ ai cũng nhìn thấy Nga đang chiếm thế thượng phong, bằng chứng là ngay trong hàng ngũ các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và EU đã có những người nói chuyện Crưm xem như xong.

Nếu soi vào những gì Mỹ đang làm với chính quyền Ukraina hiện nay thì có thể thấy chuyến đi Kiev của ông Biden chỉ mang tính biểu tượng, chứng tỏ sự ủng hộ của Washington dành cho Ukraina chứ chưa giải quyết được điều gì cả.

Nhìn từ phía Nga, chuyến thăm Kiev của ông Biden mang một ý nghĩa khác. Mọi người ở Nga cho rằng nếu sứ mệnh của ông Biden chỉ thuần túy là bày tỏ những lời hỗ trợ từ phía Mỹ, thì tình hình Ukraina cuối cùng rồi sẽ vượt hẳn ra khỏi tầm kiểm soát. Đất nước này bây giờ cũng đã chao đảo trên bờ vực của cuộc nội chiến do sự xô đẩy từ những đối tác Kiev của Washington.

Washington không nên khuyến khích các đối tượng được họ bảo trợ, mà cần giảng giải thức tỉnh nhà cầm quyền Kiev. Đó là tuyên bố của ông Vitaly Churkin đại diện Nga tại Liên Hiệp Quốc khi nghe thông báo về chuyến thăm của ông Biden. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh người đứng đầu tạm thời của Ukraina Turchynov đã ra lệnh huy động quân đội đàn áp người dân miền đông-nam đất nước.

Ông Vitaly Churkin nhận định: “Chỉ còn biết hy vọng rằng vị thượng khách từ Washington sẽ có thể hạ hỏa nhà cầm quyền tự phong ở Kiev và thuyết phục họ rằng nước Mỹ chưa sẵn sàng hỗ trợ mọi cuộc phiêu lưu không có ngoại lệ của họ. Nếu không, cả Washington cũng phải chịu phần trách nhiệm về hậu quả quyết định của nhóm bạo loạn đảo chính Kiev đàn áp nhân dân nước mình”. 

Th.Long

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc