Pháp: Tại sao cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy muốn tái xuất chính trường?

08:55 | 21/09/2014

1,313 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuyên bố hôm 19-9 trên Facebook của ông Nicolas Sarkozy, cựu Tổng thống Pháp đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận nước này.

 Bởi đối với cử tri cánh tả, ông Nicolas Sarkozy là người duy nhất có khả năng tập hợp sự ủng hộ từ phía trung lập - Đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong tháng 5-2017. Theo tuyên bố của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, ông sẽ tái thiết hệ thống chính trị dựa trên một “dự án mới” nếu tái đắc cử. Theo kế hoạch, đảng UMP sẽ tổ chức đại hội trong tháng 11 và cựu Tổng thống theo đường lối bảo thủ sẽ thông báo chi tiết chiến lược tranh cử trong dịp này.

Quyết định kể trên của ông Nicolas Sarkozy được đưa ra sau khi cựu Tổng thống bị bắt giam (tại Nanterre, gần thủ đô Paris) và thẩm vấn khoảng 15 tiếng đồng hồ cách đây hơn 2 tháng. Ngày 2-7, các công tố viên Pháp cho biết, ông Nicolas Sarkozy bị cáo buộc phạm các tội tham nhũng và sử dụng ảnh hưởng cá nhân để tư lợi trong một cuộc điều tra hình sự. Đây là lần đầu tiên một cựu Tổng thống bị bắt giam và quyết định này đã và đang khiến chính trường Pháp chấn động. Khi đó giới bình luận coi vụ bắt giữ là đòn giáng mạnh vào nỗ lực tái tranh cử Tổng thống của ông Nicolas Sarkozy vào năm 2017.

Pháp: Tại sao cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy muốn tái xuất chính trường?

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy

Có một chi tiết khá thú vị, đó là ông Nicolas Sarkozy đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây hơn 2 năm (2012-2014) và đương kim Tổng thống Francois Hollande, là cha đẻ của 4 người con, mà bà Segolene Royal đang sống cùng. 7 năm trước, bà Segolene Royal, người từng chung sống và có 4 con với ông Francois Hollande đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 năm 2007 và ông Nicolas Sarkozy lên nắm quyền trong 5 năm (2007-2012). Chính vì “ân oán” với 2 người kể trên nên quyết định tái xuất chính trường của ông Nicolas Sarkozy được coi là cơ hội “vàng” để cựu Tổng thống “báo thù”. Được biết, bà Segolene Royal vẫn hợp tác với ông Francois Hollande trên phương diện chính trị. Bà Segolene Royal quyết định ủng hộ ông Francois Hollande trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Xã hội chỉ vài giờ trước khi “chồng cũ” có cuộc tranh luận với đối thủ là bà Martine Aubry.

Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy quyết định ra tranh cử đúng thời điểm uy tín của Tổng thống Francois Hollande đang ở mức thấp nhất trong lịch sử nước Pháp. Hãng Reuters từng dẫn kết quả thăm dò dư luận công bố hôm 7-9, theo đó có tới 85% người dân Pháp không muốn Tổng thống Francois Hollande tái tranh cử, cho dù trước đó (tháng 5) ông đã cải tổ nội các. Việc này diễn ra sau khi bà Valerie Trierweiler công bố hồi ký, trong đó mô tả Tổng thống của đảng Xã hội là người sống hai mặt và coi thường người nghèo. Tổng thống Francois Hollande hoàn toàn bất ngờ trước “bom sách” của bà Valerie Trierweiler (phát hành ngày 4-9) sau khi 2 người chia tay. Bà Valerie Trierweiler đã bị Tổng thống Francois Hollande bỏ rơi hồi đầu năm sau khi tạp chí Paris Match tiết lộ mối quan hệ của ông với nữ diễn viên Julie Gayet. Trong khi đó, ông Nicolas Sarkozy từng làm trung gian để chấm dứt cuộc chiến Nga-Gruzia (2008), là người giúp nền kinh tế châu Âu vượt qua thời điểm khủng hoảng tồi tệ nhất sau khi lên làm Tổng thống (2007-2012) với khả năng nhạy bén, quyết đoán và đầy quyền lực. Dư luận cho rằng, ông Nicolas Sarkozy đang sở hữu “vũ khí lợi hại” khi quyết định trở lại chính trường - cựu đệ nhất phu nhân Carla Bruni đã chuyển từ siêu mẫu sang ca sĩ. Và bà Carla Bruni được cho là đã kiếm được nhiều tiền hơn sau khi rời điện Elysee. Cựu đệ nhất phu nhân cũng vừa bác bỏ thông tin phản đối chồng ra tranh cử chức Chủ tịch đảng UMP vì lo ngại sẽ bị giới truyền thông đeo bám.

Ông Francois Hollande đã trở thành Tổng thống thứ 7 của nền cộng hoà đệ ngũ, và là Tổng thống đầu tiên chưa kết hôn khi chuẩn bị nhậm chức. Tổng thống Francois Hollande đã chia tay bà Valerie Trierweiler sau khi công khai sống chung từ giữa năm 2007. Báo chí Pháp từng gọi bà Valerie Trierweiler là “lợi thế đầy duyên dáng” của Tổng thống Francois Hollande trong cuộc chạy đua vào điện Elysee. Nhiều người nói rằng, thành công của ông Francois Hollande - trở thành Tổng thống thứ 24 của Cộng hoà Pháp, có công không nhỏ của bà Valerie Trierweiler. Bởi bà Valerie Trierweiler đã hỗ trợ ông Francois Hollande trong suốt chiến dịch tranh cử - có phòng làm việc tại trụ sở của ứng cử viên đảng Xã hội.

Trong cuốn sách được trích đăng trên tạp chí Paris Match, bà Valerie Trierweiler cho biết, người tình cũ của ông Francois Hollande (bà Segolene Royal, mẹ của 4 người con Thomas, Clemence, Julien và Flora) biết về mối quan hệ từ trước đó khá lâu và đó có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến 2 người phải chia tay. Được biết, bà Valerie Trierweiler gặp Tổng thống Francois Hollande lần đầu tiên cách đây 26 năm (1988-2014) khi Pháp tiến hành bầu cử Quốc hội. Nhưng phải 17 năm sau (1988-2005) họ mới bắt đầu mối tình cho dù khi đó ông Francois Hollande đang sống với bà Segolene Royal.

Sau thất bại trước ông Francois Hollande trong cuộc bầu cử vòng 2 diễn ra hôm 6-5-2012, giới truyền thông đã đề cập tới cuộc chiến pháp lý của ông Nicolas Sarkozy. Tuy ông Nicolas Sarkozy đã thoát nghi án từng nhận 42 triệu Euro từ cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi cho quỹ tranh cử năm 2007, nhưng những vụ án từ thập niên 1990 và sau khi đắc cử Tổng thống năm 2007 vẫn được tái đề cập. Cáo buộc chủ yếu xoay quanh nữ tỷ phú Liliane Bettencourt, người thừa kế Tập đoàn mỹ phẩm lớn nhất thế giới L'Oreal và vụ bán tàu ngầm lớp Agosta cho Pakistan trong những năm 1990. Trong khi ông Nicolas Sarkozy phủ nhận việc nhận tiền quyên tặng của bà Liliane Bettencourt thì tờ Daily Mail của Anh đưa tin, quỹ từ thiện Sarkozy-Bruni của bà Carla Bruni đã nhận tiền của nữ tỷ phú này hồi tháng 9-2009. Việc chiều vợ của ông Nicolas Sarkozy khi tại nhiệm từng bị dư luận chỉ trích khi chi hơn 100.000 USD để lắp lò nướng bánh hiện đại nhất trên chiếc chuyên cơ Air France One trong bối cảnh Pháp đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính. Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và vợ cũng từng khiến người dân Pháp tức giận vì tận hưởng kỳ nghỉ cuối tuần xa hoa ở Mexico trong thời điểm kinh tế khó khăn - thuê khoảng 2.900 USD/đêm và nếu tính cả chi phí an ninh và nhân viên sẽ là 62.000 USD/đêm

Phù Lưu-Tiên Sơn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc