Pháp mở chiến dịch online chống IS

07:00 | 01/03/2015

880 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính quyền Pháp từ gần một tháng nay đã mở chiến dịch online, với sự tham gia của một đơn vị quân đội gồm các chuyên gia an ninh mạng, nhằm chống lại làn sóng chiêu mộ tân binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đồng thời ngăn chặn giới trẻ Pháp bay đến Syria hay Iraq để tham gia thánh chiến.

Internet từ lâu đã trở thành phương tiện để cho IS chiêu mộ tân binh, đồng thời cũng là mặt trận đối đầu căng thẳng giữa chính quyền các nước phương Tây và lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan. Pháp đang tích cực phát động chiến dịch phản tuyên truyền của họ trên Internet để chống lại âm mưu cực đoan hóa giới trẻ của IS cũng như các tổ chức khủng bố nguy hiểm khác. Pháp có số thanh niên đông đảo nhất ở châu Âu - khoảng 1.000 người trong độ tuổi từ 18 đến 29 - được cho là rời khỏi đất nước với mục đích tham gia thánh chiến Hồi giáo.

Binh sĩ Pháp được tăng cường trên đường phố sau những vụ tấn công khủng bố ở Paris

 

Theo một báo cáo từ Viện Nghiên cứu An ninh Liên minh châu Âu (EUISS), 70% cư dân Internet trẻ tuổi tích cực của châu Âu trong cùng độ tuổi nói trên sử dụng các mạng xã hội đều đặn hàng ngày và có mặt trực tuyến trung bình hơn 19 giờ mỗi tuần. Những con số thống kê này - kết hợp với những cuộc tấn công khủng bố vào hai ngày 7 và 9/1 vừa qua ở thủ đô Paris nước Pháp cũng như nỗ lực thông tin tuyên truyền trên Internet của IS - đã thúc giục chính quyền Pháp nhanh chóng tiến hành một số chiến dịch cụ thể để nhổ bỏ gốc rễ cực đoan khủng bố trong lòng nước này.

Patryk Pawlak, chuyên gia phân tích kỳ cựu của EUISS

Chính quyền Pháp hy vọng chiến dịch phản tuyên truyền nhằm ngăn chặn giới trẻ nước này tham gia thánh chiến tại Syria và Iraq. Tuy nhiên, nhiều người đang nghi ngại tính hiệu quả của chiến dịch nếu như không có sự trợ giúp tích cực từ các công ty tư nhân và người dân. Theo nhật báo Le Monde số gần đây, đơn vị phản tuyên truyền trên Internet của quân đội Pháp bao gồm hơn 50 chuyên gia. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Pháp không tiết lộ chi tiết về chiến dịch.

Các biện pháp có thể bao gồm: giám sát nội dung tuyên truyền cực đoan, truy cập vào các diễn đàn để nhận dạng những phần tử khủng bố chịu trách nhiệm chiêu mộ tân binh phục vụ thánh chiến và phát tán nội dung chống khủng bố của quân đội Pháp. Các nhóm khủng bố đang nỗ lực tăng cường sử dụng Internet và các mạng xã hội để quảng bá thánh chiến toàn cầu và IS còn cho xuất bản tạp chí trực tuyến kêu gọi thánh chiến có tên gọi Dar al-Islam hồi tháng 12/2014.

Tạp chí trực tuyến Dar al-Islam bản tiếng Pháp của IS

 

Các kỹ thuật chống khủng bố truyền thống đã chứng tỏ hiệu quả trong quá khứ cũng có thể tiếp tục phát huy sức mạnh của chúng trong tình hình hiện nay. Ngoài nỗ lực phản tuyên truyền, chiến dịch trực tuyến của chính quyền Pháp còn giúp ngăn chặn hoạt động tội phạm phát tán hình ảnh khiêu dâm cũng như nội dung tuyên truyền cho chủ  nghĩa Quốc xã trên Internet.

Patryk Pawlak, chuyên gia phân tích kỳ cựu của EUISS, cho biết: "Một số giải pháp có thể bao gồm - tháo gỡ nội dung hay các trang web dung túng cho hoạt động khủng bố, rà soát các tên miền, lọc cỗ máy tìm kiếm hay xóa bỏ những địa chỉ IP nằm trong danh sách đen".

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định các biện pháp ngăn chặn tuyên truyền của IS của chính quyền Pháp không dễ thuyết phục được những thanh niên có nguy cơ bị lôi kéo vào chủ nghĩa cực đoan. Francois-Bernard Huyghe, Giám đốc nghiên cứu Viện Đối ngoại và Chiến lược (IRIS) đặt trụ sở tại Pháp, lập luận: "Vấn đề là video phản tuyên truyền của Chính phủ Pháp nhắm đến những thanh niên có ý định bay đến Syria hay Iraq. Nhưng, họ không tin vào những gì mà chính quyền, giáo viên hay truyền thông nói với họ. Liệu họ có tin vào nguồn gốc của video hay không?".

 

Hơn nữa, còn có những giới hạn mà chính quyền cần phải tính đến như là tính bao la vô tận của Internet. Ví dụ, video phản tuyên truyền chỉ có thể được lan truyền qua các trang mạng xã hội của chính quyền trên những nền tảng như là Twitter hay Facebook, do đó chỉ có một số lượng độc giả nào đó truy cập. Một yếu tố khác là, giá trị phản tuyên truyền của trang web "stopdjihadisme" đã bị áp đảo bởi chính video mới nhất công bố hình ảnh thiêu sống phi công Jordan trong lồng sắt của IS!

Cũng theo Patryk Pawlak, để cho chiến dịch phản tuyên truyền trực tuyến của quân đội Pháp đạt hiệu quả cao, điều cần thiết là phải có sự hợp tác chặt chẽ với người dân và cơ quan hành pháp, bởi vì công dân có thể trở thành nguồn cung cấp thông tin có giá trị cho chính quyền nếu tình cờ phát hiện nội dung đáng nghi ngờ nào đó.

Như trường hợp nền tảng "Pharos" của Pháp kêu gọi người dân báo cáo về những nội dung vi phạm pháp luật. Sau vụ tấn công khủng bố tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở Paris, "Pharos" đã nhận được 30.000 báo cáo. Pharos cũng nhận được khoảng 120.000 báo cáo năm 2012 và con số nâng lên đến 80.000 trong 7 tháng đầu năm 2013.

Theo ANTG

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc