Chuyên cơ không lực số 1 (Air force one):

“Pháo đài bay” - quyền lực của các Tổng thống Mỹ

07:00 | 16/10/2014

18,061 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho đến thời Franklin D.Roosevelt, chưa tổng thống Mỹ nào công du bằng đường hàng không trong khi nắm quyền. Thế chiến II đã thổi một luồng gió mới và làm thay đổi điều này. Kể từ đó, dùng máy bay để chu du thiên hạ là một phần không thể thiếu trong những năm tại vị của các đời tổng thống Mỹ. Điều đặt ra là phải bảo vệ tổng thống khỏi những kẻ âm mưu ám sát, hay để ông điều hành chính phủ cũng như quân lực ở mọi nơi mọi lúc với sự hỗ trợ của một đội ngũ an ninh hùng hậu. Và Air Force One (Không lực số 1) – một pháo đài bay không khác gì một Phòng Bầu dục trên không – đã ra đời, đáp ứng tất cả những yêu cầu đó.

Trải qua nhiều đời tổng thống, chiếc Air Force One đã có những thay đổi đáng kể. Chiếc chuyên cơ dành riêng cho tổng thống Mỹ ngày càng to, đẹp, nhanh hơn và đặc biệt là đã trở thành biểu tượng quyền lực về chính trị cũng như ngoại giao, nơi ra những quyết định về chính sách ở tận 11 km trên không trung. Được trang bị những thiết bị công nghệ quân sự tuyệt mật, gồm hệ thống chống tên lửa và trao đổi thông tin mã hóa, Air Force One vẫn còn mang trong mình những bí mật mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu được.

“Pháo đài bay” – quyền lực của các Tổng thống Mỹ

 Một trong hai chiếc Air Force One (Không Lực số 1) – “Pháo đài bay” quyền lực và bí ẩn của các Tổng thống Mỹ.

Bí ẩn “viên nang thoát hiểm”

Chuyên cơ Air Force One được Nhà Trắng đặt hãng Boeing phiên bản riêng (loại Boeing 747-200), là một pháo đài đúng nghĩa với hệ thống tên lửa đánh chặn, giảm chấn hạt nhân hiện đại nhất thế giới, có thể bay hàng tuần với hệ thống tiếp nhiên liệu trên không. Air Force One dài 70,4m, cao 19,4m, sải cánh 59,6m, tốc độ tối đa 1.015 km/h, bay liên tục không phải tiếp dầu 12.550km và trần bay là 13.700m. Diện tích sàn máy bay 1.200m2 gồm 6 phòng ngủ, một văn phòng làm việc lớn, một phòng vệ sinh và một phòng hội thảo. Phòng y tế như một phòng mổ với bác sỹ trực 24/24h. Trên mỗi chiếc máy bay đều có cờ Mỹ sơn ở phần đuôi và chữ United States of American (Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) ở phần thân.

Air Force One có một lịch sử bay hoàn hảo và được coi là chiếc máy bay an toàn nhất trên thế giới. Mỗi lần Air Force One cất cánh đều được coi là đang thực thi một nhiệm vụ quân sự. Để trở thành phi công trên Air Force One, các ứng cử viên phải từng điều khiển trong buồng lái hơn 2.000 giờ bay, có kinh nghiệm bay toàn thế giới và có hồ sơ hoàn toàn “sạch”. Trung tâm truyền thông có 87 đường điện thoại, 28 đường mã hóa tuyệt mật giúp điều hành công việc khi đang ở độ cao 13km; phòng chứa mã hạt nhân có thể khởi động trong trường hợp khẩn cấp. Air Force One “nghỉ dưỡng” ở Maryland, tại căn cứ không quân Andrews, cách Nhà Trắng 16km.

Người ta chuẩn bị bữa ăn cho các thượng khách sành điệu ngay trong hai phòng bếp trên chiếc chuyên cơ đặc biệt này. Nói chung một ngày của Tổng thống Mỹ trên Không lực số 1 diễn ra bình thường như khi ở trên mặt đất. Tổng thống ngủ trên một chiếc giường rộng rãi và thư giãn trên một chiếc ghế sofa. Một phòng trao đổi thông tin cho phép Tổng thống và các quan chức khác có thể tiến hành những cuộc điện đàm (được mã hóa) tới bất kỳ nơi nào trên trái đất. Không chỉ mang tính chất vận tải đơn thuần, Air Force One là một phương tiện chính trị và ngoại giao hữu hiệu mà các tổng thống muốn tạo ấn tượng mạnh đối với các đồng minh cũng như “kẻ thù” của nước Mỹ. Nó để lại nhiều luyến tiếc cho các đời Tổng thống mỗi khi họ hết nhiệm kỳ công tác.

Chuyên cơ Air Force One giống như biểu tượng quyền lực của nước Mỹ, với nhiều bí ẩn mà người ta vẫn chưa thể khám phá. Năm 1997, Hollywood tung ra một bộ phim ăn khách Air Force One, làm dấy lên đồn đoán gây tranh cãi cho tới tận ngày nay rằng, chuyên trang này cũng có một hệ thống gọi là viên nang thoát hiểm (hay kén thoát hiểm) khẩn cấp dành cho tổng thống khi chuyến bay gặp sự cố.

Viên nang thoát hiểm (hay kén thoát hiểm) thực chất là một thiết bị cho phép  phi công hoặc phi hành gia có thể thoát ra khỏi máy bay, tàu vũ trụ khi nó gặp các tình huống khẩn cấp ở độ cao lớn với tốc độ bay nhanh. Nó có thể bảo vệ con người trong suốt chuyến bay khi gặp phải tình huống nguy hiểm, hoặc giúp thoát ra khỏi máy bay và tiếp đất an toàn. Thiết bị này có thể chỉ là một viên nang cá nhân cho một phi công hoặc một thành viên phi hành đoàn, cũng có thể là cả một cabin cho cả phi hành đoàn.

Trên diễn đàn của trang Airliners.net, một thành viên có nickname là Citation.Jet từ Mỹ tự nhận là một kỹ sư tại Boeing đã đăng một chủ đề vào tháng 10/2014, trong đó khẳng định thông tin về viên nang thoát hiểm như bộ phim dàn dựng chỉ là điều viễn tưởng. CNN trích dẫn các nguồn tin từ không quân Mỹ cho rằng, trong nhiều năm qua, nhiều đặc điểm về chiếc Air Force One như bộ phim cùng tên của Hollywood chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng. Chuyên cơ này thực tế không có cái gọi là chuyên nang thoát hiểm vì thiết bị đó chỉ dành cho phương tiện bay vũ trụ. Không Lực số 1 chỉ có dù và có khả năng đứng im để tiếp nhiên liệu ngay trên không cùng khả năng lấy hành lý tự động ở tất cả các sân bay để đảm bảo an ninh.

Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như thế. Một thực tế cho thấy, chưa có bất kỳ một phóng viên nào được quyền “đột nhập” vào bên trong phòng của Tổng thống Mỹ ở trên hai chiếc chuyên cơ Boeing 747-2000 – vốn được biết tới với tên gọi Không Lực số 1. Theo trang Airliners.net, các nhà báo lên chuyên cơ này thường chỉ được đi ở cửa sau dẫn họ đến thẳng tầng giữa của máy bay. Trong khi đó, phòng của Tổng thống ở trên cùng và có lối thông lên với cabin của phi hành đoàn.

Hơn nữa, người Mỹ không phải không có kinh nghiệm trong việc phát triển một thiết bị dạng viên nang thoát hiểm. Ít nhất trong số những loại viên nang được biết đến là F-111 được sử dụng cho cabin và viên nang B-1A có thể sử dụng cho 4 thành viên phi hành đoàn. Thậm chí có người còn tin, chuyên cơ Không Lực số 1 có cả hệ thống dù ở ngoài máy bay cho phép nó tách cả nửa phần thân trên máy bay khi gặp sự cố.

Không chỉ vậy, thiết kế một thiết bị dạng viên nang thoát hiểm không phải là điều gì đó xa lạ. Đây cũng là thiết bị được sử dụng trong tàu vũ trụ, tàu ngầm và cả tàu nổi. Ngay cả các bài báo của CNN dù cho rằng chuyên cơ không có viên nang thoát hiểm nhưng lại khẳng định rằng trong thực tế loại thiết bị này có thể được không quân Mỹ phát triển. Sự thật đó cộng với những bí mật chưa từng được công khai khiến nhiều người đến nay vẫn tin rằng, một thiết bị dạng như viên nang thoát hiểm có thể là một trong rất nhiều đặc điểm đặc biệt của chiếc chuyên cơ Không Lực số 1 được giữ bí mật và không muốn tiết lộ ra bên ngoài.

“Pháo đài bay” – quyền lực của các Tổng thống Mỹ

Quang cảnh cuộc họp trên chuyên cơ của Tổng thống Barack Obama.

Chuyên cơ… chuyên đốt tiền

Từ nhiều năm nay, chi phí của việc di chuyển của Tổng thống Mỹ luôn là chủ đề gây tranh cãi. Trong bối cảnh chính phủ Mỹ phải thắt chặt chi tiêu, thậm chí từng phải đóng cửa hơn hai tuần vì không đạt được thỏa thuận tăng trần nợ công, dư luận lại được dịp bàn tán về đội chuyên cơ tốn kém này. Theo số liệu chính thức do Ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ công bố trong bản báo cáo: “Những chuyến đi của Tổng thống: Chính trị và chi phí”, giá của Air Force One rơi vào khoảng 325 triệu USD. Và chuyên cơ dành riêng phục vụ tổng thống ngốn tới 181.545 USD cho mỗi  giờ bay.

Cũng theo báo cáo trên, trong chuyến công du 8 ngày tới 3 nước châu Phi (từ 26/6 đến 3/7/2013) ngân sách nước Mỹ hao hụt gần 100 triệu USD. Đây được đánh giá là chuyến thăm nước ngoài tốn kém nhất trong thời gian tại chức của ông Barack Obama. Riêng chi phí cho Air Force One hết 18,7 triệu USD. Theo các nhà quan sát trong và ngoài nước thì chuyến công du này như một cuộc tập kết quân sự trên lục địa đen một cách không cần thiết với các chuyến bay vận tải chở hàng tấn thiết bị, các loại kính chống đạn lắp lên cửa sổ khách sạn, 56 chiếc xe đặc chủng (trong đó có 14 xe Limousine và tàu chiến thường trực ngoài khơi).

Theo CNN, một chuyến du lịch đến Honolulu của Tổng thống Obama tiêu tốn 3,2 triệu USD – chỉ riêng chi phí cho chuyên cơ Không Lực số 1 đã hết hơn một nửa. Trước đó, vào năm 2010, chuyến thăm Ấn Độ của ông Obama tốn 200 triệu USD/ngày và chi phí cho chuyên cơ Tổng thống cũng không thấp hơn chuyến công du Nam Phi nói trên bao nhiêu. Thường thì thông tin chi tiết và các chuyến công du nước ngoài hay du lịch của tổng thống được giữ bí mật vì các lý do an ninh, và có rất ít thông tin công khai về tổng chi phí. Con số chi phí cho những chuyến đi nói trên cũng không được thông báo chính thức, nhưng Nhà Trắng cũng không bác bỏ số tiền mà CNN đưa ra. Số tiền này theo các chuyên gia an ninh và kinh tế, nếu không đúng, thì cũng không sai lệch bao nhiêu so với con số chính xác được giữ bí mật.

Bỏ qua mọi ca thán về chi phí, CNN bất ngờ dẫn lời đại diện không quân Mỹ vào cuối tuần qua cho biết, họ đang tìm kiếm một chiếc chuyên cơ mới cho tổng thống, bởi hai chiếc máy bay Boeing 747-200 sẽ “về hưu” vào năm 2017 sau 30 năm hoạt động. Những chiếc máy bay được sử dụng là biến thể của Boeing 747-200 chuyên phục vụ giới quan chức VIP, khó bảo trì và ít phổ biên trong hàng không dân sự. Chi phí bảo trì và nâng cấp máy bay ngày một tăng cao, khiến cho việc mua mới và thay thế chiếc chuyên cơ này trở nên cần thiết hơn bao giờ hết…

Theo An ninh thế giới