Phản đòn AIIB theo cách của người Nhật

07:00 | 23/05/2015

1,621 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc tranh giành ảnh hưởng khu vực châu Á giữa hai cường quốc Trung Quốc và Nhật Bản vừa có diễn biến mới. Thay vì tham gia vào Dự án Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, Nhật Bản có cách “chơi” của riêng mình.

Năng lượng Mới số 424

“Cuộc chiến” kim tiền

AIIB là một nhân tố quan trọng trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Mỹ cùng đồng minh Nhật Bản với Trung Quốc tại Châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến nay, tổng cộng 57 quốc gia đã gia nhập AIIB với tư cách thành viên sáng lập, chủ yếu ở khu vực châu Á và Trung Đông. Tại châu Á, hiện chỉ còn Nhật là nền kinh tế lớn nhất còn đứng ngoài AIIB. Rất nhiều đồng minh thân thiết của Mỹ như Anh, Pháp Đức, Australia... đã tuyên bố tham gia ngân hàng này bất chấp sự cảnh báo của Washington.

Phản đòn AIIB theo cách của người Nhật

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo khoản đầu tư 100 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng ở châu Á

Ý tưởng thành lập ngân hàng này đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013 nhân chuyến công du Indonesia. Theo đó, trong thời gian đầu, ngân hàng này sẽ được cấp một nguồn vốn 50 tỉ USD cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như xây cầu đường, hệ thống đường sắt, mạng lưới điện và điện thoại tại châu Á.

Đối với Trung Quốc, AIIB sẽ là một công cụ phục vụ cho “sự hội nhập kinh tế khu vực”. Mà sự hội nhập đó cần phải được thực hiện dưới tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. AIIB của Trung Quốc sẽ được kết nối với Dự án Ngân hàng Khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), với “con đường tơ lụa mới” được triển khai sang Trung Á và “con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ XXI” trong tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Mỹ ngay từ đầu đã phản đối và xem AIIB như là một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của Ngân hàng Thế giới (WB) mà ngân hàng này gần như bị xem là dưới sự điều phối của Mỹ. Tương tự, Nhật Bản cũng có cùng chung mối bận tâm như Mỹ. Tokyo coi AIIB là “kẻ kiếm chuyện” với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). ADB với vai trò chi phối của Nhật đến nay vẫn là nhà tài trợ chính cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cho các nước nghèo trong khu vực châu Á. Đây vẫn là cơ chế chi phối thị trường vốn hỗ trợ phát triển từ lâu của Nhật Bản. Với Trung Quốc, AIIB được coi là thiết chế mới mà Bắc Kinh lập ra để thay đổi trật tự này. Trên bình diện quốc tế, một cuộc tranh giành ảnh hưởng hấp dẫn đang diễn ra, mà vũ khí tối tân là sức mạnh tài chính. Bị xem như là xưởng gia công lớn nhất hành tinh trong nhiều thập niên qua, nay Trung Quốc đang chuẩn bị một cách rất có phương pháp cho vai trò tiếp theo của mình: Trở thành ông chủ nợ của thế giới. Với 4.000 tỉ USD ngoại tệ dự trữ trong tay, có thể nói Trung Quốc có thừa sức để thực hiện tham vọng đó.

Có ý kiến cho rằng, AIIB sẽ không cạnh tranh mà chỉ giúp đỡ bổ sung cho ADB bởi lẽ thị phần vẫn còn đủ cho cả 2 ngân hàng này do nhu cầu phát triển trên khắp châu Á. Nếu như vậy, đây là điều tốt cho khu vực châu Á khi có thêm các nguồn lực hỗ trợ tài chính. Biết đâu chừng trong tương lai, ADB với AIIB lại là đồng tài trợ trong các dự án. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Bambang Brodjonegoro mới đây cho rằng châu Á cần cả ADB và AIIB bởi nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây là rất lớn, một ngân hàng là không đủ để đáp ứng. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa ADB và AIIB đối với những nước đang phát triển tại châu Á. Châu Á đang rất cần cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực viễn thông, năng lượng và giao thông, ước tính khoảng 8.000 tỉ USD từ 2010 đến 2020.

“Chơi” theo kiểu Nhật - Mỹ

Sau khi quyết định không đứng vào hàng ngũ của Trung Quốc, Nhật Bản đã làm theo cách của mình. Thứ nhất là canh tân ADB để tăng sức cạnh tranh với AIIB. Trong cuộc họp thường niên đầu tháng 5 vừa qua, ADB cho biết sẽ thúc đẩy mức tín dụng và giải ngân hằng năm lên 50%, đạt 20 tỉ USD. Ngân hàng này cũng sẽ dành tài chính đầu tư cho các dự án hợp tác giữa tư nhân và nhà nước. Trong một động thái được coi là mang tính đột phá, ADB cho biết sẽ kết hợp các khoản vay cho các nước thu nhập trung bình cùng với những khoản tài chính viện trợ thông thường cho các nước nghèo. Được thành lập vào năm 1973, ADB thường cung cấp các khoản vay ưu đãi và viện trợ cho các quốc gia kém phát triển. Tuy nhiên, ADB cũng có các khoản tín dụng cho những nước thu nhập trung bình với mức lãi suất thị trường. Động thái này của ADB sẽ giúp gia tăng viện trợ cho các nước nghèo lên 70%. Cùng với những dự án đồng tài trợ khác, những khoản đầu tư viện trợ của ADB dự kiến sẽ tăng từ mức 23 tỉ USD năm 2014 lên 40 tỉ USD trong những năm tiếp theo.

Thứ hai là việc Nhật Bản vừa công bố một dự án đầy bất ngờ. Hãng thông tấn Jiji của Nhật ngày 19-5 cho hay, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ công bố kế hoạch đầu tư 100 tỉ USD vào châu Á để cạnh tranh với Trung Quốc. Đây là khoản tiền gấp đôi so với số vốn được dự báo của AIIB. Theo giới chuyên gia được Jiji dẫn lời, thay vì đầu tư vào cơ sở hạ tầng chung chung, Chính phủ Nhật Bản muốn tách biệt bằng cách xúc tiến “các cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á thông qua việc phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao kỹ thuật”, đồng thời củng cố vị thế của mình trước tham vọng Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso gần đây nói rằng, mục đích của kế hoạch này là tăng cường đầu tư vào các nước trong khu vực đang phát triển nhanh, nơi các công ty Nhật đã cắm rễ. Theo Jiji, số tiền 100 tỉ USD trên được lấy từ cả ngân sách công và tư nhân, sẽ được chuyển giao thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và ADB.

Thông báo của Nhật diễn ra đúng vào thời điểm đại diện 57 nhà sáng lập AIIB nhóm họp tại Singapore từ ngày 20-5 để thảo luận dự thảo các thỏa thuận và chính sách hoạt động. Một số quan chức giấu tên của AIIB tiết lộ tổ chức này đang cân nhắc trao cho các lãnh đạo cấp cao nhiều quyền lực hơn trong việc phê chuẩn các khoản vay so với những người đồng cấp của các tổ chức tài chính đa phương khác nhằm đẩy nhanh tiến trình ra quyết định. Theo cựu Phó chủ tịch WB, Justin Lin Yifu, Trung Quốc muốn AIIB có những điểm khác biệt so với các tổ chức tài chính quốc tế đi trước. Chẳng hạn, WB thường bị chỉ trích là có quá nhiều điều kiện và thủ tục đối với hoạt động vay tiền.

Đến lúc này, các nhà quan sát cho rằng, việc Trung Quốc ăn mừng chiến thắng với AIIB có lẽ là quá sớm. Mới tháng trước, những tưởng Mỹ và Nhật đã nhìn thấy thất bại trước Trung Quốc trong vụ AIIB nhưng nay sự phản pháo của Tokyo đã cho thấy kết quả vẫn chưa rõ ràng. Điều đáng nói là vũ khí tối thượng của Mỹ trong cuộc đấu kinh tế với Trung Quốc chưa được hoàn tất. Một khi Mỹ đàm phán xong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì thế cờ lúc đó còn khác nữa. TPP là sáng kiến trọng yếu nhất về quan hệ mậu dịch được lên kế hoạch sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không đạt tới kết quả ở vòng đàm phán Doha năm 2001. TPP đem vào trong một khối chiếm 40% sản lượng của thế giới, hai nền kinh tế đứng hàng nhất và ba - Mỹ và Nhật Bản. TPP cũng là thể hiện cụ thể về cam kết của Mỹ đối với khu vực Thái Bình Dương.

Brad Glosserman, Giám đốc Diễn đàn Thái Bình Dương, cho hay các nhà lãnh đạo châu Á xem sự thành công của TPP là yếu tố then chốt của sự tham gia của Mỹ trong khu vực này. Nếu trước giờ Mỹ chìa chiếc ô quân sự cho các đồng minh tại châu Á thì TPP sẽ là nối kết về kinh tế. TPP nhắm tới mục tiêu làm cho các nước đồng minh tin chắc là Mỹ bị ràng buộc với họ và những địch thủ của Mỹ biết chắc là một vụ tấn công nhắm vào các nước đó sẽ được coi là một vụ tấn công nhắm vào nước Mỹ. Vì thế, TPP là một bộ phận chiến lược then chốt trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc