Những thăng trầm của tình báo Ấn Độ

08:54 | 30/08/2014

1,456 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước sức ép của dư luận - Ủy ban Thanh niên Quốc hội Punjap cáo buộc tổ chức khủng bố nước ngoài đã tài trợ và đảng Quốc đại ở bang Punjab đe dọa biểu tình, kiến nghị Thủ tướng Narendra Modi cấm phát hành nên bộ phim Kaum De Heere đã không được trình chiếu theo đúng kế hoạch.

Và một lần nữa vụ ám sát nữ Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, bà Indira Gandhi cách đây gần 30 năm (31-10-1984) lại được nhắc tới. Bởi trong phim, Kaum De Heere, lãnh đạo cộng đồng người theo đạo Sikh kể lại số phận của Satwant Singh và Beant Singh, 2 vệ sĩ người Sikh đã bắn chết bà Indira Gandhi.

Theo giới truyền thông, trước sự bành trướng sức mạnh quân sự của Jarnail Singh Bhindrawale (thủ lĩnh tôn giáo địa phương thuộc bang Punjab, từng bị bắt nhưng được trả tự do 25 ngày sau đó vì thiếu chứng cứ và rút về căn cứ ở Mehta Chowk với Guru Nanak Niwas bên trong khu vực biệt lập của Đền Vàng), ngày 3-6-1984, Thủ tướng Indira Gandhi đã cho phép quân đội tấn công Đền Vàng để trục xuất Jarnail Singh Bhindranwale và đồng bọn. Sự kiện này đã khiến nhiều người Sikh bất bình vì xúc phạm tới nơi thờ phụng thiêng liêng nhất của họ. Và đây có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Satwant Singh và Beant Singh, 2 người Sikh thuộc lực lượng cận vệ của Thủ tướng Indira Gandhi động thủ, mặc dù họ đã theo bảo vệ Thủ tướng Indira Gandhi hơn 10 năm nay.

Những thăng trầm của tình báo Ấn Độ

Phim Kaum De Heere được lên kế hoạch công chiếu hôm 22-8

Từ cha đẻ ngành tình báo Ấn Độ

Nói tới vụ ám sát Thủ tướng Indira Gandhi không thể không nhắc tới ông Nass Caw, người được coi là cha đẻ của ngành tình báo Ấn Độ, cũng như những thăng trầm của tổ chức này. Hơn 12 năm trước (thượng tuần tháng 7-2002), cựu Cục trưởng tình báo Nass Caw đã chết tại tư dinh ở thủ đô New Delhi, thọ 84 tuổi và cái chết của ông đồng nghĩa với sự kết thúc thời huy hoàng trong ngành tình báo Ấn Độ. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Nass Caw (sinh năm 1918) gia nhập lực lượng cảnh sát và trước khi Ấn Độ tuyên bố độc lập (1947), ông được cử về công tác tại Cục tình báo do người Anh thành lập.

Sau khi Ấn Độ tuyên bố độc lập, ông Nass Caw được Thủ tướng Nehru, Thủ tướng Indira Gandhi và Thủ tướng Rajiv Gandhi giao trọng trách đứng đầu cơ quan tình báo. Thậm chí bà Indira Gandhi còn coi Cục trưởng tình báo Nass Caw là người thân tín nhất - trước khi ra những quyết sách lớn đều tham khảo ý kiến của ông. Sau cuộc chiến Pakistan-Ấn Độ lần thứ hai (1965), Thủ tướng Indira Gandhi đã yêu cầu ông Nass Caw thành lập Cục tình báo đối ngoại với mô hình giống như KGB của Liên Xô, MI-5 của Anh và CIA của Mỹ. Vì công tác chuẩn bị quá gấp nên sau khi bí mật chiêu mộ được 250 chuyên gia phân tích, xử lý tin cùng các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực tình báo, ông Nass Caw đã đảm trách cương vị Cục trưởng tình báo đối ngoại.

Những thăng trầm của tình báo Ấn Độ

Bà Indira Gandhi

Tuy Cục tình báo đối ngoại mới thành lập chưa đầy 3 năm, nhưng đã phát huy tác dụng trong cuộc chiến tranh Pakistan-Ấn Độ lần thứ ba (1971). Khi đó nhân viên của Cục tình báo đối ngoại ngoài việc báo cáo chính xác những tin tức tình báo có liên quan tới tình hình chính trị, kinh tế, xã hội; còn kích động nhiều sỹ quan cao cấp trong quân đội Pakistan tạo phản, tổ chức huấn luyện, vũ trang cho lực lượng chống chính phủ tại Bangladesh để gây ra những cuộc bạo loạn quy mô lớn. Cục tình báo đối ngoại không những góp phần quan trọng vào chiến thắng về quân sự của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh năm 1971, mà còn giúp Bangladesh tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Pakistan.

Tháng 6-1975, ngay sau khi nhận được tin sắp xảy ra đảo chính quân sự tại Bangladesh, ông Nass Caw đã bí mật bay tới Dhaka để thông báo cho Tổng thống Raheman. Nhưng ông Raheman không tin vào điều này và hậu quả đã xảy ra - hai tháng sau Tổng thống bị giết trong cuộc đảo chính quân sự. Năm 1981, khi thăm Ấn Độ, tướng Qiya của Bangladesh đã nói với Thủ tướng Indira Gandhi rằng: Ông Nass Caw còn hiểu Bangladesh hơn tôi. Kể từ đó tên tuổi của Cục tình báo đối ngoại và ông Nass Caw nổi như cồn. Bài học kinh nghiệm này đã được Trường quân sự West Point, Mỹ lấy làm giáo trình giảng dậy cho tới ngày nay. Tên tuổi của ông Nass Caw còn được ghi vào cuốn “Những nhân vật đứng đầu cơ quan tình báo thế giới” do phương Tây biên soạn.

Năm 1977, ông Nass Caw nghỉ hưu sau thất bại của bà Indira Gandhi trong cuộc tranh cử. Đến khi bà Indira Gandhi trở lại chính trường, nữ Thủ tướng đã mời ông Nass Caw làm Cố vấn An ninh quốc gia. Đến thời Thủ tướng Rajiv Gandhi, ông Nass Caw được bổ nhiệm làm Cố vấn cao cấp chuyên xử lý các vấn đề có liên quan tới tình báo cũng như liên hệ với các tổ chức tình báo trên thế giới. Theo giới thạo tin, ông Nass Caw là người được Thủ tướng Rajiv Gandhi cử làm đặc sứ, khai thông những trở ngại để Ấn Độ và Trung quốc tái bình thường hoá quan hệ (1988).

Những thăng trầm của tình báo Ấn Độ

Bà Indira Gandhi cùng với bà Jacqueline Kenedy tại New Delhi năm 1962

Tới vụ bê bối lớn nhất

Theo giới truyền thông, sau khi nhậm chức Thủ tướng được hơn 10 ngày (từ 22-5 đến 5-6-2004), ông Manmohan Singh đã ký quyết định “trục xuất” Rawandla Singh, sỹ quan tình báo cao cấp của Cục phân tích xử lý tin thuộc Tổng cục tình báo đối ngoại và đây là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử tình báo Ấn Độ. Trước khi được nhận vào làm việc tại Cục phân tích xử lý tin năm 1978, Rawandla Singh là sỹ quan quân đội. Sau khi lập công lớn trong vụ điều tra xung đột tôn giáo và trấn áp lực lượng chống đối người Sikh, tên tuổi của Rawandla Singh bắt đầu được giới chuyên môn chú ý, nhất là khi được cất nhắc làm Thư ký con thoi (một trong 15 thư ký con thoi của Cục phân tích xử lý tin), phụ trách mọi công việc tại khu vực Đông Nam Á.

Theo giới thạo tin, Rawandla Singh đã bị chính em gái mua chuộc để trở thành người của CIA. Sau khi Rawandla Singh đào tẩu, xem lại những cuốn video theo dõi người ta mới giật mình trước sự mất cảnh giác và quản lý lỏng lẻo tài liệu, cán bộ của Cục phân tích xử lý tin. Mặc dù không phụ trách bộ phận “tác chiến, hành động” của Cục phân tích xử lý tin, nhưng Rawandla Singh lại quan tâm tới những việc “không phận sự miễn bàn”. Và người ta còn thấy Rawandla Singh rất tích cực sao chép tài liệu mật của cơ quan mang về nhà riêng. Khi khám nhà Rawandla Singh, người ta phát hiện nhiều tài liệu mật được cất giấu.

Những thăng trầm của tình báo Ấn Độ

Indira Gandhi hồi nhỏ

Điều đáng nói là bộ phận phản gián của Cục phân tích xử lý tin đã để ý tới Rawandla Singh, nhưng họ lại không được phép áp dụng những biện pháp cần thiết để ngăn ngừa. Sở dĩ để xảy ra chuyện như vậy bởi có một quy định bất thành văn, theo đó không được kiểm tra, giám sát nhà riêng, phòng làm việc đối với Thư ký con thoi trở lên. Do đó, bộ phận phản gián không thể bắt giữ Rawandla Singh khi chưa có lệnh. Cũng qua điều tra cho thấy, kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001, việc phối hợp, trao đổi tin tức tình báo giữa nhân viên tình báo Mỹ với quan chức Ấn Độ gia tăng đáng kể.

Sau khi nhận được tin Rawandla Singh đào tẩu, chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh đã phải triệu tập phiên họp khẩn cấp, phát lệnh truy nã toàn quốc; đồng thời yêu cầu đại sứ quán Ấn Độ tại Mỹ, Pakistan và nhiều nước khác trên thế giới dốc sức truy lùng tung tích của kẻ phản bội. Về phần mình, Cục phân tích xử lý tin cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn với Bộ Nội vụ, Văn phòng chính phủ và những bộ phận liên quan để bàn biện pháp ứng phó.

Những thăng trầm của tình báo Ấn Độ

Bà Indira Gandhi

Văn phòng chính phủ đã kiến nghị để một cơ quan độc lập điều tra vụ phản bội của Rawandla Singh cho khách quan. Được biết, Cục phân tích xử lý tin đã báo cáo tỷ mỉ về vụ đào tẩu của Rawandla Singh lên Thủ tướng Manmohan Singh hôm 3-6-2004. Trong đó nhấn mạnh, chưa có bằng chứng cho thấy kẻ phản bội đã lấy được những tài liệu tối mật, tuyệt mật. Nhưng theo bộ phận phản gián của Cục phân tích xử lý tin, trong nhiều năm qua Rawandla Singh đã sao chép được một khối lượng lớn tài liệu nhạy cảm và nhiều khả năng toàn bộ mạng lưới tình báo của Ấn Độ tại Nam Á đã bị bại lộ.

Danh tiếng của Cục phân tích xử lý tin thuộc Tổng cục tình báo đối ngoại được giới chuyên môn biết tới kể từ khi thành lập (1969) đến nay. Thành tích lớn nhất của Cục phân tích xử lý tin là đã tạo dựng tin giả khiến nhiều cơ quan tình báo lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Pakistan... không hề hay biết về vụ thử tên lửa mang đầu đạn hạt nhân diễn ra năm 1998.

Là con gái thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru, là mẹ của thủ tướng Rajiv Gandhi, bà Indira Gandhi (19/11/1917 - 31/10/1984) là một trong những chính khách nổi tiếng tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Bởi bà Indira Gandhi là nữ Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ tại vị với 2 nhiệm kỳ (19/1/1966 - 24/3/1977) và (14/1/1980 - 31/10/1984). Hơn 4 tháng trước (25-4), Tòa án Tối cao Ấn Độ đã từ chối phóng thích 7 đối tượng (Santhan, Murugan, Perarivalan, Murugan, Santhan, Perarivalan và Nalini) tham gia ám sát ông Rajiv Gandhi (làm thủ tướng từ 1984 đến 1989). Cả 7 đối tượng này đều đang thụ án tại một nhà tù ở bang Tamil Nadu.

Trước đó (20-2), cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã phản đối kế hoạch phóng thích 7 đối tượng kể trên. Động thái này diễn ra sau khi Tòa án Tối cao Ấn Độ quyết định (18-2) giảm án cho 3 kẻ (Santhan, Murugan và Perarivalan) ám sát Thủ tướng Rajiv Gandhi từ tử hình xuống chung thân. Hơn 3 năm trước (11-8-2011), người phát ngôn của Phủ Tổng thống Ấn Độ cho biết, Tổng thống Pratibha Patil đã bác đơn xin ân xá của 3 phạm nhân Murugan, Santhan và Perarivalan, đều là thành viên của lực lượng tình báo thuộc Phong trào những con hổ giải phóng Tamil (LTTE), tổ chức vũ trang ly khai ở Sri Lanka đã bị tiêu diệt từ tháng 5-2009. Năm 1998, toàn bộ 26 người liên quan tới vụ sát hại Thủ tướng Rajiv Gandhi đã bị một tòa án đặc biệt của Ấn Độ kết án tử hình, nhưng sau đó chúng lần lượt được giảm án

Từ Sơn - Bắc Nình

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc