Ngại giáp mặt với lãnh đạo Trung Quốc, ông Kim Jong-un hủy thăm Nga?

16:51 | 04/05/2015

933 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quyết định hủy chuyến thăm Nga của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 2/5 bỗng trở thành đề tài bàn tán xôn xao. Báo chí quốc tế đang đổ xô đi tìm lời giải cho hành động được coi là không đúng với tinh thần “năm hữu nghị” Nga-Triều Tiên của ông Kim Jong-un.

Ngại giáp mặt với lãnh đạo Trung Quốc, ông Kim Jong-un hủy thăm Nga?

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Trong thông báo mới nhất, ngày hôm nay (4/5), hãng tin KCNA cho hay Chính quyền Triều Tiên sẽ cử Chủ tịch quốc hội Triều Tiên Kim Yong-Nam tới tham dự lễ kỷ niệm Chiến tranh Thế giới thứ 2 tổ chức tại Nga ngày 9/5 tới sau lời tuyên bố hủy chuyến thăm này của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Nga và Triều Tiên đã tuyên bố 2015 là “năm hữu nghị” giữa 2 nước. Hai quốc gia sẽ thúc đẩy sâu rộng mối quan hệ, đặc biệt đề ra mục tiêu sẽ đạt 1 tỷ USD giao dịch thương mại trong năm nay.

Trước đó, Nga đã mời ông Kim Jong-un tham dự buổi lễ và nhận được xác nhận tham dự từ ông Kim. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo trẻ này kể từ khi lên nắm chính quyền vào tháng 12/2011.

Tuy nhiên, ngày 2/5, người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, cho hay, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không thể tới Nga như đã hứa. “Quyết định này có liên quan tới một số vấn đề nội bộ của Triều Tiên”- ông Peskov nói với báo chí.

Song nguyên nhân thực sự của quyết định này là gì? Nhiều giả thuyết đã được đưa ra như từ sự bất ổn nội bộ cho tới lời từ chối tổ chức một cuộc đàm phán vũ khí của Nga.

Kim Yong-hyun, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại trường Đại học Dongguk nghĩ rằng ông Kim Jong-un không muốn làm phật lòng những nhà bảo trợ kinh tế ở Trung Quốc khi thực hiện chuyến công du quốc tế đầu tiên đến Nga.

Ông nói dường như nhà lãnh đạo Triều Tiên quyết định không đi Nga bởi vì ông ta có thể cảm thấy không thoải mái nếu giáp mặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Moskva.

Thông qua viện trợ và thương mại, Trung Quốc là nước chủ yếu cung cấp thực phẩm và năng lượng cho Triều Tiên. Vì thế cũng là điều hợp lý khi lãnh đạo trẻ tuổi Triều Tiên muốn lấy Bắc Kinh làm nơi đến cho chuyến xuất ngoại đầu tiên.

Tuy nhiên có các dấu hiệu căng thẳng. Tuần trước, Trung Quốc cho hay đang điều tra những vụ sát hại 3 dân làng ở một thị trấn biên giới, nơi lính biên phòng Triều Tiên bị cáo buộc là băng qua biên giới để ăn cắp và tấn công. Cũng đã có các dấu hiệu về sự quan ngại gia tăng về phía các giới chức Trung Quốc có liên quan đến tầm cỡ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Tháng trước, các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc nói với các giới chức Mỹ rằng Bình Nhưỡng có thể đã có 20 đầu đạn hạt nhân, cao hơn con số từ 10 đến 16 quả bom mà các chuyên gia Mỹ đã ước tính. Bắc Kinh còn tin là Bình Nhưỡng có khả năng tăng gấp đôi kho vũ khí của họ vào năm tới.

Mới đây, cơ quan gián điệp Hàn Quốc nói ông Kim Jong-un đã ra lệnh hành quyết 15 giới chức cấp cao bị cho là không trung thành. Việc đó dẫn tới tin đồn về tình trạng bất ổn trong giới thượng lưu cầm quyền.

Chuyên gia phân tích thời cuộc Triều Tiên, Daniel Pinkston thuộc tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, bác bỏ các giả thuyết cho rằng các diễn biến mới đây cho thấy tình trạng bất ổn trong chế độ, hoặc bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy quyền lực của ông Kim Jong-un đang bị lung lay.

Pinkston cho rằng việc bãi bỏ chuyến đi Nga vào phút chót không phải là điều bất thường, xét về cách thức vận hành nghi thức an ninh của Triều Tiên. Ông nói: “Nói chuyện với những người đã gặp ông Kim Jong-un rằng dĩ nhiên nghi thức an ninh rất chặt chẽ và cách thức vận hành ở Triều Tiên, ban chỉ huy phòng vệ chịu trách nhiệm về an ninh cho ông ta, thì họ chỉ xác nhận mọi việc vào phút chót”.

Các chuyên gia phân tích khác phỏng đoán rằng các cuộc thương nghị với Nga đã tan vỡ hoặc về nghi thức hoặc vì những yêu cầu phía này tìm cách áp đặt đối với phía kia.

Triều Tiên vốn có tiền sử là tìm cách đòi những nhượng bộ trước khi đồng ý giao tiếp trong đối thoại quốc tế về việc hạn chế chương trình hạt nhân của họ. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak mới đây đã tiết lộ rằng vào năm 2009, ông Kim Jong-Il đã đòi 10 tỷ USD tiền mặt và nửa tấn thực phẩm như một điều kiện tiên quyết để mở cuộc họp thượng đỉnh với miền Nam.

Các chuyên gia phân tích này nói rất có thể Bình Nhưỡng đã bỏ cuộc sau khi Moskva từ chối không cung cấp đầu tư nước ngoài hay kỹ thuật quân sự đáng kể. Hoặc có thể là điều ngược lại. Có thể chính Nga đã đòi Triều Tiên quá nhiều, phải nhượng bộ để nối lại các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân hay kìm chế trước các cuộc thử nghiệm tên lửa trong tương lai.

Một tình huống khác có thể là ông Kim Jong-un đã bãi bỏ kế hoạch sau khi ông nhận ra rằng ông sẽ không đóng một vai trò nổi bật trong lễ kỷ niệm ở Moskva.

Chuyên gia Pinkston nói phần lớn việc phân tích về những vận hành nội bộ ở Bình Nhưỡng chỉ là phỏng đoán chứ không phải là tường thuật được kiểm chứng. Ông cho rằng điều quan trọng là chớ nên phỏng đoán quá nhiều về một sự kiện hay quyết định, nhất là trong khi động cơ quyền lực ở bán đảo Triều Tiên đã trở nên bình ổn với thời gian bất chấp thỉnh thoảng xảy ra những vụ bột phát.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc