Nga - Trung tung đòn bất ngờ với Mỹ

21:20 | 19/05/2015

7,756 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cùng lúc cả Nga và Trung Quốc đều bất ngờ tung đòn vũ khí hạt nhân như một áp lực mới lên chính quyền Mỹ. Trong khi Bắc Kinh nói sẽ thiết kế lại các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân thì Moskva khẳng định sẽ tăng kho vũ khí hạt nhân vì các hành động của Mỹ.

Nga-Trung tung đòn bất ngờ với Mỹ

Vũ khí hạt nhân của Nga

Ngày 16/5, nhật báo Mỹ The New York Times tiết lộ Trung Quốc đang thiết kế lại các tên lửa đạn đạo tầm xa để có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân, sau nhiều năm duy trì một lực lượng hạt nhân tối thiểu.

Tờ báo Mỹ cho rằng từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã nắm trong tay công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, để có thể đặt đến ba đầu đạn hoặc hơn nữa trên một tên lửa. Nhưng nhiều lãnh đạo kế tiếp nhau của Trung Quốc đã không sử dụng đến công nghệ đó, vì không quan tâm đến một cuộc chạy đua vũ trang giống như dưới thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ với Liên Xô. Cho nên, việc Bắc Kinh nay thiết kế lại tên lửa đạn đạo là một quyết định đáng chú ý.

Lý giải về chuyện này, New York Times cho rằng Trung Quốc có vẻ muốn đẩy mạnh cuộc chạy đua này, vào lúc mà chính quyền Bắc Kinh đang xây dựng các đường băng trên các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, lần đầu tiên đưa tàu ngầm Trung Quốc đi qua vùng Vịnh, đồng thời phát triển một kho vũ khí tin học hùng hậu.

Hành động của Trung Quốc đã gây bất ngờ cho Mỹ và là một bằng chứng của thách thức mà chính quyền Obama đang đối mặt. Tổng thống Mỹ hiện đang chịu áp lực mạnh chưa từng có, đòi hỏi ông phải triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á-Thái Bình Dương, mặc dù Mỹ luôn nói là các tên lửa này nhắm đối phó với Triều Tiên, chứ không phải với Trung Quốc.

Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn từ chối thảo luận về quyết định bắt đầu gắn nhiều đầu đạn hạt nhân vào các tên lửa đạn đạo. Theo The New York Times, một số chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là nhắm trực tiếp vào lợi thế công nghệ của Mỹ. Bắc Kinh đã tìm các công nghệ để chặn các vệ tinh giám sát và viễn thông của Mỹ. Những đầu tư vào công nghệ tin học, cũng như các vụ tấn công tin học vào hệ thống máy tính của Mỹ bị các quan chức Mỹ xem như là một cách nhằm ăn cắp bản quyền, cũng như nhằm chuẩn bị cho xung đột trong tương lai.

Ashley J Tellis, một chuyên gia tại viện Carnegie Endowment for International Peace, Trung Quốc vẫn e ngại lợi thế về hạt nhân của Mỹ. Hiện giờ lực lượng hạt nhân của Mỹ mạnh gấp 8 lần Trung Quốc.

Về phía Nga, ngày 18/5, Mikhail Ulyanov, Giám đốc Cơ quan chống phổ biến hạt nhân và kiểm soát vũ khí tại Bộ Ngoại giao Nga đưa ra cảnh báo rằng các biện pháp của Mỹ, nhằm làm giảm sự cân bằng chiến lược toàn cầu, sẽ có thể buộc Nga phải tăng kho vũ khí hạt nhân, thay vì tiến hành các biện pháp giải giáp khác.

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá của các bên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ở New York tuần trước, ông Ulyanov nói rằng đề xuất của Mỹ nhằm giảm bớt 1/3 số đầu đạn hạt nhân mà các bên sở hữu được đưa ra dựa trên cơ sở số vũ khí còn lại vẫn đủ để 2 nước tự vệ và bảo vệ đồng minh. 

Ông nói rằng thật không may, các hành động của Mỹ đã làm xuất hiện các yếu tố bất lợi cho Nga và có thể đẩy Nga tới chỗ tăng kho vũ khí hạt nhân.

Ở thời điểm hiện nay, Nga chưa có ý định tăng kho vũ khí. Tuy nhiên, ông Ulyanov nói rằng “những gì người Mỹ đang làm khiến cho khả năng triển khai các bước tiến xa hơn trong việc giải giáp vũ khí hạt nhân trở nên rất khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi”.

Phát biểu về các yếu tố đang cản đường hoạt động giải giáp vũ khí hạt nhân, ông Ulyanov đã chỉ vào chương trình lá chắn tên lửa của Mỹ, việc Mỹ từ chối lệnh cấm đặt vũ khí trong không gian, hệ thống Tấn công toàn cầu mau lẹ (PGS), việc Washington từ chối phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện và sự mất cân bằng nghiêm trọng trong việc bố trí vũ khí quy ước ở châu Âu.

H.Phan

Năng lượng Mới