Nga tố Mỹ “ghen ăn tức ở” với FIFA

21:47 | 28/05/2015

1,542 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Nga Putin chỉ trích Mỹ đã truy tố các quan chức FIFA về tội tham nhũng chỉ vì Mỹ không được tổ chức này trao quyền đăng cai World Cup mà lại dành ưu ái cho Nga và Qatar.

>> Toàn cảnh vụ bê bối tham nhũng ở FIFA

Nga tố Mỹ “ghen ăn tức ở” với FIFA

Các quan chức FIFA bị cáo buộc tham nhũng

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28/5 lên tiếng chỉ trích Mỹ đã truy tố các quan chức thuộc tổ chức quản lý bóng đá thế giới FIFA về tội tham nhũng.

Ông Putin cho rằng vụ việc cho thấy Mỹ mưu toan áp đặt quyền tài phán của mình sang nước khác.

Phát biểu trên truyền hình, ông Putin cũng nói rằng Mỹ đang tìm cách ngăn cản Chủ tịch FIFA Sepp Blatter tái tranh cử. Cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra vào 29/5, và ông Blatter đối mặt với một đối thủ trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ năm.

Trước tiên, người ta tự hỏi vì những lý do sâu xa nào mà tư pháp Mỹ lao vào cuộc tuy bóng đá không phải là môn thể thao hàng đầu của nước Mỹ. Những phương tiện pháp lý, nhân sự được huy động hùng hậu càng khơi dậy câu hỏi này.

Theo giới quan sát, sự kiện Mỹ không được FIFA bầu chọn tổ chức World Cup 2022 mà lại trao cho Qatar là động lực khiến tư pháp Mỹ phải vào cuộc. Thất vọng cộng thêm mối nghi ngờ có bê bối trong tiến trình bầu chọn đã làm cho Mỹ phải nhanh chóng điều tra.

Hai World Cup tới đây, tại Nga năm 2018 và Qatar năm 2022 được quyết định cùng một lúc. Vấn đề là hai quyết định này đang bị điều tra tại Thụy sĩ và FIFA bị nghi ngờ có hành động mờ ám “rửa tiền và quản lý bất chính”.

Giờ đây, Mỹ quy buộc “47 trọng tội” nhắm vào 9 nghi can vừa bị bắt tại Thụy sĩ từ “làm tiền, lừa đảo cho đến rửa tiền bất chính” trong suốt 25 năm. Trong thời gian này, những nghi can kể trên sử dụng chức vụ để “đòi hỏi và nhận hơn 150 triệu USD hối lộ và hoa hồng bất chính” đổi lại quyền khai thác truyền hình các trận đấu quốc tế.

Chưởng lý Kelly Curry (Mỹ) đã mô tả các nghi can: “Họ là những kẻ mà lẽ ra phải phục vụ cho những mục tiêu lợi ích chung, điều hành và quảng bá bóng đá thế giới. Nhưng những kẻ bị truy tố này do bị lòng tham thúc đẩy nên sử dụng trách nhiệm của họ để kiếm tiền”.

Thực ra, tư pháp Mỹ đã để ý FIFA từ nhiều năm rồi. Nhưng nạn tham ô rất khó chứng minh và cần phải có chứng cứ cụ thể. Chứng cớ đã đến do ông Chuck Blazer, cựu Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Bắc Mỹ sơ hở cung cấp. Sai lầm của ông ta là “quên đóng thuế”. FBI gây sức ép: giảm án đổi lấy lời khai về tội lỗi vi phạm và các hành động bê bối của FIFA. Tất cả chi tiết đều được thu âm.

Còn một vấn đề nghiêm trọng nữa là lý do tại sao Nga và Qatar được quyền tổ chức World Cup 2018 và 2022? Chính những người đi gây áp lực hành lang cho Qatar đã khai ra những bê bối của FIFA.

Cựu thẩm phán Mỹ Michael Garcia được FIFA trao trách nhiệm điều tra. Kết quả hai năm điều tra không được công bố nhưng một số nhân vật lãnh đạo trong FIFA tuyên bố “các nguyên tắc bầu chọn (Nga và Qatar) không bị vi phạm” theo kết luận của bản báo cáo.

Thế nhưng, sau khi thẩm phán Michael Garcia hết nhiệm kỳ, ông lập tức cải chính: “Bản báo cáo của ông bị giới lãnh đạo FIFA diễn dịch sai trái và bóp méo”. Chắc chắn là kết quả điều tra này sẽ được nhắc đến trong những ngày tới và nếu đúng là có tham ô thì liệu chuyện gì sẽ xẩy ra cho World Cup 2018 và 2022?

Trong khi đó, các nhà tài trợ kêu gọi FIFA tiến hành thay đổi sau khi Mỹ và Thụy Sĩ mở các cuộc điều tra tham nhũng lớn nhắm vào 14 quan chức của tổ chức này.

Công ty thẻ tín dụng Visa ra tuyên bố mạnh mẽ nhất, bày tỏ thất vọng “sâu sắc”. Công ty này nói thêm rằng họ đang đánh giá lại việc tài trợ cho FIFA. Còn Coca Cola cũng cho biết đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về các cáo buộc, và kỳ vọng FIFA sẽ nghiêm túc xử lý các vấn đề, trong khi Adidas kêu gọi FIFA “tuân thủ các tiêu chuẩn minh bạch trong mọi hoạt động của tổ chức này”.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới