Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Nga muốn “dứt tình” với Ukraina

08:25 | 28/04/2015

4,115 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc khủng hoảng Ukraina hiện nay được cho là do chính quyền nước này muốn thoát khỏi sự ảnh hưởng của Nga để ngả về phía phương Tây. Nhưng thực tế cho thấy Nga cũng đang muốn thoát khỏi sự ràng buộc với quốc gia láng giềng này.

 

Nga muốn “dứt tình” với Ukraina

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu đi qua ngả Ukraina

Nga đang tiến hành hai động thái nhằm “dứt tình” với Ukraina. Thứ nhất, ngày 25/4 hãng tin Sputnik dẫn phát biểu của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Dmitry Bulgakov, thông báo Nga bắt đầu thi công tuyến đường sắt đoạn từ Zhuravka thuộc tỉnh Voronezh, Tây Nam nước Nga, đến Millerovo thuộc tỉnh Rostov. Tuyến đường sắt này dài 18 km.

Theo ông Bulgakov, hơn 360 thiết bị quân sự đặc biệt và gần 900 quân nhân đã được huy động góp phần thực hiện nhiệm vụ trên.

Nga đang có nhu cầu cấp bách triển khai tuyến vận tải đường sắt từ các vùng phía bắc đất nước tới Krasnodar và Rostov-na-Donu (miền nam nước Nga) không đi qua lãnh thổ Ukraina.

Hiện nay, các đoàn tàu của Nga vẫn phải chạy xuyên biên giới Ukraina tại khu vực tỉnh Voronezh và tỉnh Rostov.

Trước đó, ngày 13/4, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexandr Novak tuyên bố rằng sau năm 2019 Nga sẽ từ chối vận chuyển quá cảnh khí đốt qua lãnh thổ Ukraina.

Hãng RIA Novosti dẫn lời ông Novak nói rằng, hợp đồng với Ukraina về vận chuyển quá cảnh khí đốt của Nga mà thời hạn hiệu lực kết thúc vào năm 2019, sẽ không được gia hạn.

Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu về Liên minh năng lượng Maros Sefcovic cho rằng không nên lo sợ về sự ổn định của việc vận chuyển quá cảnh khí đốt Nga cho người tiêu dùng châu Âu qua lãnh thổ Ukraina.

Theo tờ Kommersant, phương án xây dựng đường ống qua Biển Đen đến phía tây Thổ Nhĩ Kỳ cận biên giới Hy Lạp đang được xem xét như một phương án thay thế cho tuyến đường ống qua Ukraina.

Đường ống sẽ chạy song song với tuyến “Dòng chảy Xanh”. Tập đoàn Nga Gazprom đang có kế hoạch đàm phán với các khách hàng châu Âu nhận nhiên liệu qua Ukraina để họ đồng ý thay thế những trạm giao hàng đã ấn định sang điểm trung chuyển ở Thổ Nhĩ Kỳ. Gazprom dự định đề xuất các khách hàng của mình tự đầu tư xây dựng đường ống dẫn khí từ điểm Thổ Nhĩ Kỳ đến nước họ.

Nếu dự án thành công, toàn bộ hệ thống đường ống khí đốt của Ukraina sẽ thành sắt vụn bởi không còn ai chuyển khí đốt qua Ukraina nữa. Và lúc đó đồng nghĩa với việc vị thế của Ukraina sẽ giảm đáng kể.

Các chuyên gia cho rằng trên đây là hai trong nhiều động thái của Nga nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào Ukraina trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng căng thẳng. Ngay cả thời kỳ nồng ấm nhất, Nga vẫn ý thức được rằng không thể phụ thuộc vào Ukraina vì Ukraina đỏng đảnh và đang bị phương Tây lợi dụng.

Ngay cả trong lĩnh vực quân sự, trước đây, Nga phụ thuộc nhiều vào Ukraina. Cụ thể, thời Liên Xô, các ngành công nghiệp nặng tập trung ở Ukraina, trong 15 nước cộng hòa, Ukraina là quốc gia đứng thứ hai về tiềm lực công nghiệp, có thể sản xuất máy bay, tàu chiến, xe tăng, tên lửa đạn đạo...

Trước khi xảy ra khủng hoảng tại Ukraina, Nga nhập khẩu động cơ máy bay lên thẳng, các thiết bị trong công nghệ vũ trụ từ Ukraina. Sau khủng hoảng, quan hệ hai nước xấu đi, Nga gặp một số khó khăn trong việc cung cấp các thiết bị nói trên nhưng Moskva tuyên bố, trong 2 năm họ sẽ tự chủ được tất cả và Nga sẽ làm được vì họ có nền tảng.

Giới chuyên gia cho rằng một khi Nga không nhập nữa thì toàn bộ ngành công nghiệp quân sự của Ukraina sẽ phá sản vì phương Tây không dùng, họ có tiêu chuẩn riêng, các nhà sản xuất tư nhân phương Tây không sản xuất vũ khí của người khác.

Nh.Thạch (Năng lượng Mới)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc