Nền kinh tế Đức: Động cơ hụt hơi

14:50 | 27/11/2014

1,871 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liệu nền kinh tế Đức còn đủ khả năng kéo châu Âu ra khỏi khủng hoảng?

Nền kinh tế Đức: Động cơ hụt hơi

"Thế giới không còn đủ khả năng chịu đựng thêm một thập kỷ lạc lối của châu Âu nào nữa," Jacob Lew, Bộ trưởng Tài chính của Mỹ cho biết. Các số liệu mới nhất của châu Âu đều không đáng ngạc nhiên. Trong quý thứ ba, khu vực đồng euro chỉ đạt tăng trưởng 0,6% theo tỷ lệ hàng năm. Sự chậm chạp này không phải do các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng kinh tế- Hy Lạp tăng trưởng nhanh hơn so với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực đồng euro, Tây Ban Nha và Ireland đang hồi phục. Thay vào đó, chính các nước cốt lõi trong khu vực đang dần hụt hơi. Trong số đó có nền kinh tế lớn nhất của khối đồng tiền chung: Đức. Tăng trưởng của nước này chỉ đạt 0,1% trong quý thứ ba, sau khi giảm một tỷ lệ tương đương trong ba tháng trước đó.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải hứng chịu nhiều sự chỉ trích từ bên ngoài. Một loạt các thông điệp từ khắp nơi đều cho rằng Đức cần phải nỗ lực hơn để kích thích tiêu dùng trong nước và đầu tư. Điều này sẽ giúp các nước như Pháp và Italia khi họ trải qua các cải cách cơ cấu đầy khó khăn. Nhập khẩu tăng lên cũng sẽ làm giảm thặng dư tài khoản vãng lai của nước Đức và là nguyên nhân gây nên sự mất cân bằng ở châu Âu và xa hơn thế. Kích cầu sẽ đẩy giá lên cao, điều có thể cứu khu vực đồng euro rơi vào tình trạng giảm phát. Giá cả tại khu vực đồng tiền chung tăng 0,4% theo tỷ lệ hàng năm trong tháng mười, thấp hơn nhiều so với mức trần 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Những yêu cầu trên cũng đang được lặp lại ngay bên trong lòng nước Đức. Marcel Fratzscher, cố vấn của Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel, cho rằng Đức cần tăng cường đầu tư vì lợi ích của chính mình. Phần lớn thành công gần đây của Đức, ông lập luận, là một "ảo tưởng" đến từ sự thiếu đầu tư trong tất cả các lĩnh vực từ đường sá, giáo dục đến sản xuất. Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble đã phản ứng lại bằng cách cam kết thêm 10 tỷ euro (12,5 tỷ USD) vào đầu tư của chính phủ liên bang trong vòng ba năm kể từ năm 2016, bên cạnh một khoản 5 tỷ euro đã được cung cấp cho các công trình đường và cầu. Tuy nhiên, ở mức 0,1% của GDP, số tiền trên mang tính biểu tượng hơn là để duy trì nền kinh tế. Bên cạnh đó, nước này cũng sẽ không tăng thâm hụt ngân sách vì ưu tiên hàng đầu của ông Schäuble vẫn là chính sách "Số 0 đen" (Black zero): Cân đối ngân sách từ năm 2015.

Christoph Schmidt, Chủ tịch Hội đồng các chuyên gia kinh tế cố vấn cho chính phủ, cho rằng "Chính sách Black zero không nên được tôn sùng thái quá". Chính quyền địa phương của Đức nên là những người có trách nhiệm tăng đầu tư công. Tuy nhiên, ông cho rằng, vấn đề lớn hơn là việc đầu tư tư nhân đang ở mức quá thấp. Trong một nền kinh tế thị trường tự do như Đức, chính phủ không thể ra lệnh cho một doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn ở trong nước thay vì ở nước ngoài. Ông cho rằng, nếu doanh nghiệp đã lựa chọn một con đường khác, điều đó là do họ thấy rằng đầu tư tại Đức không đem lại thành quả xứng đáng.

Lập luận trên có thể đã đúng khi Hội đồng cố vấn của ông Schmidt đã chỉ trích chính phủ của bà Merkel trong tháng 11 này. Các doanh nghiệp lo lắng về lợi nhuận của mình khi đầu tư vào quỹ lương hưu. Điều này sẽ tạo ra các thách thức cho cả dân số đang già hóa lẫn lực lượng lao động đang giảm dần của Đức. Để giài quyết vấn đề trên, bà Merkel đã liên minh với đảng Dân chủ Xã hội trung tả nhằm nâng lương hưu cho các bà mẹ và cho phép một người nghỉ hưu ở độ tuổi 63 nếu người đó đã làm việc đủ lâu.

Các doanh nhân cũng băn khoăn về tiền lương tối thiểu mới, có hiệu lực vào tháng 1- 2015, ở mức tương đối cao 8,50 euro/h. Theo ông Schmidt, trái với hy vọng rằng điều này có thể thúc đẩy nhu cầu nội địa, một số công nhân chỉ đơn giản là sẽ bị mất việc làm. Hơn nữa, những người có lương tăng lên sau đó sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, do đó họ sẽ không còn nhiều tiền để chi tiêu. Một sai lầm khác, theo ông Schmidt, nằm ở chính sách năng lượng không nhất quán- trợ cấp cho năng lượng sạch và dần loại bỏ năng lượng hạt nhân. Điều này chỉ càng làm tăng chi phí năng lượng của các công ty. Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là hết. Điều luật mới nhằm hạn chế tăng tiền thuê nhà sẽ chỉ càng ngăn cản việc xây dựng bất động sản mới.

Sự khác biệt giữa các nhà kinh tế nước ngoài muốn kích thích kinh tế và những nhà kinh tế người Đức, những người nghĩ rằng vấn đề nằm ở chỗ khác phần nào phản ánh sự khác nhau trong cách nhìn nhận. Các nhà kinh tế Anglo-Saxon cho rằng các vấn đề của châu Âu và Đức là do tổng cầu không đủ. Hầu hết các nhà kinh tế Đức lại không nghĩ vậy. "Chúng tôi không có một cuộc khủng hoảng theo kiểu Học thuyết Keynes ở châu Âu, do đó các biện pháp của Học thuyết kinh tế Keynes sẽ không hiệu quả", ông Hans-Werner Sinn, ông chủ của Viện CES-Ifo tại Munich cho biết. Các nhà kinh tế Đức lo lắng hơn về các điều kiện, hay "mệnh lệnh", của nền kinh tế nhằm hạn chế sự can thiệp của nhà nước.

Theo ông Schmidt, sự khác biệt trên đã bị phóng đại trên thực tế. "Chúng tôi không phủ nhận chủ nghĩa Keynes" ông nói vào năm 2009, khi Đức đáp trả cú sốc trong cầu lao động bằng một gói kích thích mạnh mẽ. Những người hoài nghi hiệu quả của các biện pháp kích cầu cho rằng "chủ nghĩa Keynes không phải là câu trả lời" khi cải cách cơ cấu ở các nước chịu khủng hoảng mới là những gì cần làm.

Tuy nhiên, lạm phát thấp ở Đức vừa là dấu hiệu của sự yếu kém vừa là nguyên nhân gây tổn thương các nước đang phát triển trong khu vực. Ông Sinn cho biết mục đích cuối cùng của cải cách là để giảm giá cả tại các nước nghèo của khu vực đồng euro so với giá cả ở các nước phát triển, với mục đích giảm sản xuất nhằm tránh việc khu vực đồng tiền chung rơi vào tình trạng giảm phát. Ông cũng cho rằng điều này yêu cầu lạm phát của Đức phải ở mức 5% trong 10 năm, hoặc một tỷ lệ giảm phát tương tự ở các nước kém phát triển, hoặc một sự kết hợp của cả hai biện pháp trên.

 

Các tiến bộ hướng tới mục tiêu trên diễn ra tương đối chậm chạp. Các cố vấn kinh tế tại Tổ chức Hans-Böckler, tổ chức kinh tế có quan hệ chặt chẽ với công đoàn, cho biết mức lương của Đức chỉ đang phát triển nhanh hơn một chút so với mức trung bình của khu vực đồng euro. Chi phí lao động ở Đức tăng 2,3% trong năm 2013 và 1,7% trong nửa đầu năm 2014, so với 1,2% và 0,7%, tương ứng của khu vực đồng euro. Với đà này, việc Châu Âu chỉ lạc lối trong một thập kỷ vẫn còn là một điều may mắn.

Học thuyết kinh tế Keynes cho rằng, lượng cung hàng hóa là do lượng cầu quyết định. Do đó, vào những thời kỳ suy thoái kinh tế, nếu tăng lượng cầu đầu tư hàng hóa công cộng (tăng chi tiêu công cộng), sản xuất và việc làm sẽ tăng theo, nhờ đó giúp cho nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng.

Phúc Lê

(Theo The Economist)