Nền kinh tế Ấn Độ: Cơ hội cất cánh

11:26 | 26/02/2015

1,891 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các thị trường mới nổi từng là niềm hy vọng của nền kinh tế thế giới, nhưng bây giờ chúng thường được đề cập đến như một gánh nặng đe doạ sự phát triển.

Nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, kinh tế Brazil đang sa lầy trong tình trạng lạm phát. Nga đang ở trong suy thoái kinh tế khi phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự sụt giảm của giá dầu; trong khi sự phát triển của Nam Phi đang bị cản bởi sự kém hiệu quả và tham nhũng. Mặc dù vậy, vẫn còn đó một thị trường nổi bật hơn hẳn những nỗi thất vọng kể trên: Ấn Độ.

Ấn Độ đang đứng trước một cơ hội hiếm có để trở thành nền kinh tế lớn năng động nhất thế giới.

Ấn Độ hoàn toàn có khả năng nắm lấy cơ hội này và trở thành một ông lớn của nền kinh tế toàn cầu- nhưng để làm như vậy nó phải từ bỏ di sản của các chính sách phản tác dụng. Nhiệm vụ trên rơi vào tay Arun Jaitley, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, người vào 28 tháng Hai tới đây sẽ trình bày bản dự thảo ngân sách đầy đủ đầu tiên của một chính phủ nước này- một chính phủ được bầu lên với nhiệm vụ cắt giảm quan liêu và thúc đẩy tăng trưởng.

Bản dự thảo ngân sách mang tính bước ngoặt được đưa ra vào tháng 7 năm 1991 đã đem lại sự tăng trưởng trong thương mại, vốn nước ngoài và cạnh tranh cho nền kinh tế. Ấn Độ vào lúc này cũng đang cần một bản dự thảo tương tự.

Sẵn sàng cất cánh

Ấn Độ sở hữu rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Người dân Ấn Độ mang trong mình máu khởi nghiệp và một nửa trong số 1,25 tỷ dân số của nước này dưới 25 tuổi. Bên cạnh đó, Ấn Độ vẫn đang là một nước nghéo, do đó vẫn còn rất nhiều cơ hội phát triển: GDP theo đầu người đạt 5500 USD vào năm 2013, so với 11900 USD của Trung Quốc và 15000 USD của Brazil.

Mặc dù nền kinh tế đang bị chia rẽ bởi thuế địa phương tại biên giới các bang, nhưng sự ủng hộ của các đảng chính trị đối với thuế hàng hóa và dịch vụ quốc gia có thể dẫn đến một thị trường chung đúng nghĩa. Mặc dù tiềm năng là có thật, những câu hỏi từ trước đến nay vẫn luôn xoay quanh việc làm thế nào để giải phóng chúng.

NỀN KINH TẾ ẤN ĐỘ: CƠ HỘI CẤT CÁNH

Tranh biếm hoạ trên tờ The Economist 21-2-2015

Những người lạc quan chỉ ra rằng GDP trong quý IV năm 2014 của Ấn Độ tăng 7,5% so với năm trước, nhanh hơn cả Trung Quốc. Tuy nhiên, số liệu trên - số liệu mà nhiều người cho rằng không chính xác- không phải là lý do chính để vui mừng. Quan trọng hơn, nền kinh tế đang trở nên ngày càng chắc chắn.

Lạm phát đã giảm đi một nửa sau khi lên tới 10% trong nhiều năm qua. Thâm hụt tài khoản vãng lai đã giảm; đồng rupee trở nên ổn định; thị trường chứng khoán tăng vọt; và sự sụt giảm trong giá cả hàng hóa là một phước lành cho một quốc gia nhập khẩu tới 80% dầu khí. Khi IMF đưa ra dự báo u ám của nền kinh tế thế giới, nó vẫn đánh giá rất cao Ấn Độ.

Lý do thực sự để hy vọng nằm ở tiềm năng của những cải cách sắp diễn ra. Cuối tháng Năm năm ngoái, Narendra Modi của đảng Bharatiya Janata đã chiến thắng vang dội với lời hứa về một nền kinh tế hiệu quả hơn. Chính phủ của ông dành những tháng đầu cho các cải cách nhằm vào dịch vụ hành chính chậm chạp và các  dịch vụ công nền tảng khác. Tuy nhiên, thử thách thực sự của những người theo đường lối cải cách sẽ là ngân sách của ông Jaitley.

Phần dễ dàng là kỷ luật tài khóa và tiền tệ nhằm giữ vững tăng trưởng. Bên cạnh đó, các ngân hàng trong khu vực công của Ấn Độ cần vốn, và vì nhà nước không thể đưa thêm tiền, Bộ trưởng tài chính phải thuyết phục các cổ đông tiềm năng rằng họ sẽ nằm dưới tầm kiểm soát của các chính trị gia.

Để có thể phát triển mạnh mẽ, Ấn Độ cần các cải cách mạnh dạn và can đảm hơn nữa. Chiến lược phát triển hiện nay của nước này bao gồm di chuyển người dân từ những nông trại khô cằn sang các khu công nghiệp với mức lương tốt hơn. Trong khi đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc được xây dựng dựa trên sản xuất phục vụ xuất khẩu. Khả năng Ấn Độ thực hiện theo mô hình trên là không cao. Tăng trưởng thương mại của chuỗi cung ứng đã chậm lại, và sản xuất đang trở nên ít phụ thuộc vào lao động do sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn có thể làm tốt hơn so với hiện tại. Nước này sở hữu ngành công nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, mặc dù ngành công nghiệp này vẫn còn quá chuyên sâu và quá nhỏ để hấp thụ 90-115 triệu thanh niên thiếu kỹ năng cần thiết vào thị trường việc làm trong thập kỷ tới. Hy vọng tốt nhất của nước này là một chiến lược phát triển hỗn hợp, mở rộng sự tham gia của mình trong thị trường toàn cầu trong cả hai ngành công nghiệp và dịch vụ. Để đạt được điều này, ông Jaitley phải tập trung vào ba yếu tố đầu vào: Đất đai, năng lượng và lao động.

Boeing trên đường băng

Tất cả ba yếu tố trên đều là các vấn đề chính trị nhạy cảm, trong số đó yếu tố đất đai nhạy cảm hơn cả. Ở Trung Quốc, nhà nước được quyền trưng dụng đất. Tuy nhiên, Ấn Độ lại chọn con đường khác hẳn. Kế hoạch xây dựng sân bay quốc tế thứ hai ở Mumbai đang phải nằm chờ trên bàn giấy. Một đạo luật được chính phủ tiền nhiệm thông qua vào những tháng cuối cùng càng khiến cho mọi việc tồi tệ hơn bằng cách cho phép bồi thường hậu hĩnh cho các chủ đất. Bên cạnh đó đạo luật trên còn yêu cầu sự chấp thuận của ít nhất 70% các chủ đất trước các dự án lớn có thể được xây dựng.

Ông Modi đã sử dụng quyền hành của mình kết thúc điều khoản thỏa thuận nhằm mở đường cho các khoản đầu tư quan trọng. Đây chỉ là giải pháp tạm thời; ông Modi cần phải biến nó thành lâu dài. Bên cạnh đó, để giành chiến thắng trong trận chiến chính trị, ông cần phải chứng minh rằng các dự án được xây dựng ở các vị trí đắc địa sẽ tạo công ăn việc làm.

Năng lượng, hay đúng hơn là sự thiếu hụt của nó, cũng đang cản trở Ấn Độ. Theo một cuộc khảo sát, một nửa số nhà máy sản xuất bị cắt điện năm giờ mỗi tuần. Sự thiếu hiệu quả đang tràn lan khắp các mạng lưới điện, kéo dài từ công ty độc quyền nhà nước Coal India đến các nhà phân phối điện.

Các cuộc đấu giá giấy phép khai thác than lần đầu tiên cho các công ty điện, thép và xi măng, bắt đầu từ tuần này, là một bước cải tiến. Mặc dù vậy, chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn để biến sự phân phối điện thành một thị trường cạnh tranh. Các nhà làm luật, dưới áp lực của các chính trị gia, đã đưa giá điện xuống thấp hơn giá cung, mặc dù mọi người sẽ sẵn sàng trả tiền và bỏ rơi những chính trị gia lại một mình nếu họ biết rằng nguồn cung đáng tin cậy.

Yếu tố đầu vào thứ ba cần phải cải tổ là bộ luật lao động khó hiểu của Ấn Độ. Rất nhiều đạo luật vẫn được giữ với năm 1940, có thể kể đến đạo luật điều chỉnh chủng loại và số lượng ống nhổ trong một nhà máy. Một đạo luật khác quy định doanh nghiệp với hơn 100 công nhân cần sự cho phép của chính phủ để thu nhỏ quy mô hoặc đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ duy trì quy mô nhỏ để không bị pháp luật điều chỉnh.

Các công ty lớn thì sử dụng lao động tạm thời. Không đến 15% lao động Ấn Độ có công ăn việc làm ổn định. Ông Jaitley có thể thiết lập một đạo luật mới, đơn giản hơn nhằm bảo vệ người lao động, đồng thời khiến việc sa thải nhân viên không trở nên quá đắt đỏ cho các doanh nghiệp.

Trong quá khứ, tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc đã kích thích các thay đổi tận gốc ở Ấn Độ. Ngân sách năm 1991 là phản ứng của chính phủ với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán. Điều nguy hiểm là, với mức lạm phát giảm và Ấn Độ đang tận hưởng sự phát triển từ giá năng lượng rẻ, các nhà lãnh đạo của đất nước sẽ né tránh những cải cách khó khăn cần thiết cho sự thành công lâu dài. Đó sẽ là một sai lầm rất lớn. Ông Modi và ông Jaitley đang đứng trước một cơ hội hiếm có để đưa Ấn Độ cất cánh. Họ không được lãng phí nó.

Phúc Lê (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc