Mỹ “lôi” Ấn Độ xuống Biển Đông?

14:02 | 06/03/2015

1,461 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỹ muốn Ấn Độ hoạt động như một "chốt trục'' trong chiến lược xoay trục của Mỹ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hoặc ít nhất là giúp tăng cường hợp tác hải quân đa phương để giữ gìn ổn định trong khu vực mà Mỹ xem là ngày càng quan trọng.

Mỹ “lôi” Ấn Độ xuống Biển Đông?

Đô đốc Mỹ Harry Harris (phải) và Tư lệnh Hải quân Ấn Độ Robin Dhowan ngày 3/3 tại New Delhi

Đó là nội dung chuyến thăm và làm việc tại New Delhi của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, ngày 3/3.

Sau khi gặp Đô đốc Hải quân Robin Dhowan, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ và những quan chức hải quân khác, ông Harris nói rằng Trung Quốc đang ra sức thực hiện chiến thuật "khiêu khích" ở Biển Đông, làm "gia tăng căng thẳng" khắp khu vực. Theo đô đốc Harris, hoạt động cải tạo đảo ồ ạt của Trung Quốc là vấn đề gây lo ngại cho tất cả các nước, vì Mỹ không xem Biển Đông là lãnh hải của bất cứ nước nào mà là vùng biển quốc tế.

Đô đốc Mỹ đã dẫn chứng nhận định của ông bằng sự kiện Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa (của Việt Nam): “Tôi rất quan ngại trước tiến trình bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc. Tôi cho rằng, đó là hành vi khiêu khích, khiến cho căng thẳng leo thang ở Biển Đông, và ở các nước ven Biển Đông. Do đó, tôi rất lo ngại về điều đó”.

Trong tình hình đó, ông Harris kêu gọi tất cả những ai quan tâm đến quyền tự do hàng hải là: “Phải chú ý đến những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông và những hoạt động cải tạo đất đai dồn dập của nước này. Những hành động đó đang làm thay đổi nguyên trạng và thực tế ở đó”.

Ông Harris nói rằng chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ, với 60% hạm đội hải quân sẽ được điều động về Thái Bình Dương trước năm 2020, không nhằm mục đích chống lại Trung Quốc.

Trong một lời nhắn gửi trực tiếp đến Ấn Độ, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ xác định rằng Biển Đông là vùng biển quốc tế chứ không phải là lãnh hải của riêng nước nào: “Ấn Độ được quyền hoạt động tự do ở bất cứ nơi nào mà mình muốn. Nếu nơi đó là Biển Đông thì cứ việc đến hoạt động ở đó”.

Lời khuyến khích Ấn Độ can dự vào Biển Đông quả thực là rất rõ ràng. Theo giới quan sát, chủ trương của Mỹ là thuyết phục được Ấn Độ tích cực hơn trong hồ sơ Biển Đông, qua đó chia lửa với Mỹ trong việc đối phó với tham vọng khống chế toàn khu vực của Trung Quốc.

Cho tới nay, Ấn Độ tỏ ra dè dặt trong việc can dự vào cuộc chơi giữa hai siêu cường của thế giới đang diễn ra ở châu Á-Thái Bình Dương, trong khi Trung Quốc đã thể hiện sự bất mãn về sự hiện diện ngày một nhiều của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, Ấn Độ đã nhấn mạnh rằng tất cả các nước phải tôn trọng "quyền tự do hàng hải không bị cản trở trong vùng biển quốc tế" như Biển Đông, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với các nước láng giềng.

Mỹ cũng rất quan tâm đến việc nâng cấp cuộc tập trận hải quân Malabar Ấn-Mỹ hàng năm thành cuộc tập trận đa phương, với sự tham gia thường xuyên từ các nước như Nhật Bản và Australia.

Ấn Độ phần nhiều đã hạn chế cuộc tập trận Malabar ở cấp độ song phương với Mỹ sau khi Trung Quốc phản đối cuộc tập trận năm 2007 tại Vịnh Bengal, vì được mở rộng để bao gồm các lực lượng hải quân của Australia, Nhật Bản và Singapore.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc