Xung quanh đại dịch Ebola:

Mỹ đưa quân sang Liberia chống Ebola?

11:00 | 18/10/2014

734 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính quyền Mỹ hôm qua nói rằng nước này sẽ gửi 3.000 quân tới Liberia để chống lại ổ dịch Ebola đang bùng phát mạnh mẽ ở quốc gia Tây Phi này. Tuy nhiên, có đúng thực sự là dập dịch hay việc chuyển quân của Mỹ còn mục đích gì khác?

Mỹ đưa quân sang Liberia chống Ebola?

Quân đội Mỹ được điều động tới Liberia

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 15/10 nói rằng thế giới “chưa hành động đủ” để chống Ebola. Ông nhận định rằng dịch bệnh này có khả năng gây bất ổn chính trị và kinh tế cho các nước trên thế giới, nhất là tại các nước đang bị Ebola hoành hành như Liberia, Sierra Leone, Guinea.

Trong mấy ngày qua, người đứng đầu nước Mỹ đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ra sức chống dịch bệnh, trong đó có Tổng thứ ký LHQ Ban Ki-Moon, Tổng thống Pháp Francois Hollande, và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ngày 16/10, Tổng thống Obama đã hội thảo qua truyền hình với lãnh đạo của các nước Anh, Pháp, Đức, và Italia để bàn về một số vấn đề, trong đó có Ebola.

Bên cạnh khoản cam kết viện trợ hơn 400 triệu USD cho Tây Phi để giúp chống dịch bệnh Ebola, ông Obama cũng tiết lộ rằng nước Mỹ sẽ gửi 3.000 quân tới Liberia để góp sức cho nỗ lực khống chế virus Ebola. Hiện có 565 quân nhân Mỹ tại Tây Phi và con số này có thể tăng lên trong những tuần lễ sắp tới để giúp xây dựng 17 cơ sở chữa trị và lập ra các phòng thí nghiệm lưu động để xét nghiệm bệnh...

Tuy nhiên sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Tây Phi đang gây nhiều tranh cãi. Theo yêu cầu của chính quyền Liberia, Mỹ sẽ tạo lập ở đất nước này một trung tâm chỉ huy quân sự để điều phối nỗ lực nhằm hỗ trợ nhà chức trách các nước Tây Phi trong cuộc đấu tranh chống đà lây lan của Ebola. Đứng đầu Trung tâm này là vị chỉ huy bộ binh Mỹ ở châu Phi, tướng Darryl Williams. "Thế giới đang trông vào Mỹ và chúng tôi sẵn sàng lãnh đạo cuộc chiến chống lại dịch bệnh!" - ông Obama nhấn mạnh.

Giới phân tích lại có cách nhìn khác về hành động này. Theo họ, một trong những nguyên nhân chính vì sao dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát, là bởi bối cảnh kinh tế-xã hội phức tạp ở Tây Phi. Với sự giúp đỡ của quân đội Mỹ, vấn đề này không giải quyết được, mà trái lại hẳn chỉ làm tình hình thêm trầm trọng hơn. Một trong những nhiệm vụ của quân đội Mỹ là lập các rào cản hiệu quả, các trạm kiểm soát trên đường đi… Nhưng tại những nước đang xảy ra dịch bệnh, nạn tham nhũng cao ở mức bất thường. Ở Guinea, chỉ cần khoản hối lộ nửa USD là có thể vượt qua mọi hàng rào ngăn cấm.

Ngoài ra, nếu chỉ riêng lập hàng rào vẫn chưa đủ để đối phó với dịch bệnh. Điều quan trọng là cho đến nay vẫn thiếu vắng mọi thông tin khoa học về tính năng tự nhiên của ổ virus này. Tiếp đến là cần làm việc với các cộng đồng địa phương để loại trừ những tập tục góp phần vào đà lây nhiễm. Các quân nhân, hơn nữa là lính Mỹ - sẽ không giải quyết nổi nhiệm vụ này, bởi ai chẳng biết binh sĩ của Mỹ luôn gặp vấn đề với cư dân các địa phương.

Nh.Thạch

tổng hợp