Mỹ "dịu giọng" với Trung Quốc về AIIB

07:02 | 26/03/2015

1,352 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi hàng loạt đồng minh của Mỹ tuyên bố tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc, Washington đã dịu giọng trước những lời tố cáo trước đây rằng AIIB là một công cụ để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ngoại giao.

Mỹ dịu giọng với Trung Quốc về AIIB

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc gặp hồi năm ngoái

Báo tài chính Mỹ Wall Street Journal ngày 23/3 tiết lộ chính quyền Washington lo ngại việc các đồng minh châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Italia đề nghị được tham gia AIIB, nhưng đồng thời tỏ vẻ chấp thuận sự tồn tại của AIIB với điều kiện định chế này phải hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB).

Tờ báo trích lời một quan chức cao cấp trong bộ Tài chính Mỹ nói, Washington ủng hộ “các định chế mới góp phần xây dựng và củng cố hệ thống tài chính quốc tế”.

Tới nay Mỹ vẫn lo ngại ngân hàng AIIB sẽ trở thành một công cụ giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ngoại giao. Do vậy, Washington đã kêu gọi các quốc gia có ý định tham gia vào định chế tài chính do Bắc Kinh đề xướng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lấy quyết định sau cùng.

Trên thực tế, Washington xem AIIB như là một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của WB gần như bị xem là dưới sự điều phối của Mỹ. Tương tự, Tokyo cũng có cùng chung mối bận tâm như Mỹ cho Ngân hàng Phát triển châu Á mà Nhật Bản điều hành liên tục từ nửa thế kỷ nay.

Trên bình diện quốc tế, một cuộc tranh giành ảnh hưởng hấp dẫn đang diễn ra, mà vũ khí tối tân là sức mạnh tài chính. Bị xem như là xưởng gia công lớn nhất hành tinh trong nhiều thập niên qua, nay Trung Quốc đang chuẩn bị một cách rất có phương pháp cho vai trò tiếp theo của mình: trở thành ông chủ nợ của thế giới. Với 4000 tỷ USD ngoại tệ dự trữ trong tay, có thể nói Trung Quốc có thừa sức để thực hiện tham vọng đó.

Dù vậy, Anh, Pháp, Đức, Italia là bốn nước châu Âu đã tuyên bố ý định tham gia vào dự án của Trung Quốc. Sự tham gia của các nước châu Âu hiện tại rất có lợi cho Trung Quốc và bất lợi cho Mỹ. Các nước này nhằm vào lợi ích riêng về lâu dài ở Trung Quốc và châu Á. Nhưng họ cũng còn theo đuổi cả mục tiêu tham gia ngay từ đầu để có tiếng nói và vai trò cùng quyết định tương lai của AIIB, không để Trung Quốc có phần nổi trội tới mức có thể chi phối ngân hàng này và hạn chế khả năng cạnh tranh của AIIB để biến nó thành sự bổ sung cho WB, Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á.

Vì thế, sự tham gia của các nước này và cả những đối tác tương tự khác vừa có lợi nhưng vừa là thách thức đối với AIIB bởi chính ngân hàng này phải tự xác định tương lai của nó là đối trọng hay chỉ là sự bổ sung cho các thể chế kia.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ ngày 22/3 cho hay hiện có 27 quốc gia trên thế giới đồng ý tham gia AIIBH. Riêng các đồng minh thân thiết của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc không có ý định tham gia vào dự án này. Nhưng trước sự “bỏ hàng ngũ” hàng loạt của các nước châu Âu, mới đây Hàn Quốc tuyên bố xem xét việc gia nhập AIIB và sẽ có quyết định sau cùng vào trước cuối tháng 3 này.

Trên nguyên tắc AIIB bắt đầu chính thức hoạt động vào cuối năm nay với vốn ban đầu 50 tỷ USD. Chức năng chính của ngân hàng vừa được thành lập này nhằm tài trợ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho các quốc gia đang phát triển.

 

Nh.Thạch

tổng hợp