Mỹ dìm giá dầu để “chơi” Nga?

08:37 | 17/10/2014

2,293 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vì biết rằng nguồn thu nhập chính của Nga là dựa vào dầu khí, Mỹ đã móc ngoặc với các nước Arập dìm giá dầu xuống dưới 100USD/thùng như một biện pháp gia tăng trừng phạt Nga do vấn đề Ukraina. Đây là một trong những lý giải cho việc giá dầu thế giới giảm liên tục trong hơn hai tháng qua.

Mỹ dìm giá dầu để “chơi” Nga?

Dầu thô trên thế giới đang được khai thác dư thừa?

Kể từ giữa tháng 7/2014 cho đến nay, giá dầu Brent đã hạ 22%. Có nhiều lý do để giải thích cho việc giảm giá này.

Giới nghiên cứu kinh tế cho rằng dầu thô trên thế giới đang bị dư thừa. Tình trạng này là kết quả của thực tế cung đang vượt cầu, xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, sản lượng khai thác dầu tăng. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên thế giới chậm lại.

Nhờ cuộc cách mạng khí đá phiến sét mà sản lượng dầu thô ở Mỹ đã tăng lên 47% trong ba năm qua. OPEC cũng bắt đầu sản xuất nhiều dầu hơn, vượt định mức hạn ngạch mà chính họ đề ra khoảng 1 triệu thùng/ngày. Tiếp đến là sự trở lại thị trường thế giới của các nước sản xuất dầu mỏ như Iran, Iraq, Libya.

Trong khi đó, nhu cầu vàng đen của thế giới đang thu hẹp. Trung Quốc, “người uống dầu khổng lồ”, sau khi giảm bớt tốc độ phát triển kinh tế, hiện nay đòi hỏi nguồn năng lượng ít hơn.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế toàn cầu được dự báo giảm liên tục. Trước thực trạng này, Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô trên thế giới xuống mức 100 nghìn thùng mỗi ngày, kéo theo sự hạ giá không tránh khỏi.

Trong hoàn cảnh như vậy, Arập Xêút đã khẩn trương điều chỉnh chính sách dầu mỏ, bắt đầu tranh giành thị phần tại các thị trường thu mua giá thấp. Riyadh công khai bán phá giá, trong tháng qua đã hai lần giảm giá dầu cho các khách hàng châu Á. Người Arập Xêút dự định bù lỗ bằng cách tăng khối lượng giao hàng.

Mới bắt đầu quay trở lại thị trường dầu mỏ thế giới sau những năm bị cấm vận đầy gian nan, Iran cũng vội vã tranh khách và hạ 85 cent xuống mức gần 96 USD mỗi thùng. Mặc dù mức giá dưới 100 USD/thùng không hề có lợi, nhưng để tránh mất khách Iran buộc phải bán theo giá mà họ sẵn sàng mua.

Đó là cách giải thích của các nhà kinh tế, còn theo một số nhà phân tích chính trị thì đằng sau thực tế giá dầu hạ có âm mưu xấu của các chính trị gia, lợi dụng dầu mỏ như một vũ khí của cuộc chiến chính trị và kinh tế. Có giả thiết cho rằng Washington đã thuyết phục Arập Xêút tăng sản lượng để làm sụp giá dầu, hi vọng trừng phạt Nga vì các sự kiện trên bán đảo Crưm và ở đông nam Ukraina. Đây là một giả thuyết có thể xảy ra, nhưng không hoàn toàn ăn khớp với thực tế vì giá dầu hạ cũng khiến cho chính người Mỹ bị tổn thất. Mỹ cũng là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn.

Theo giới chuyên gia, tình hình thị trường dầu mỏ thế giới trong thời gian tới rất khó đoán. Có thể giá dầu sẽ trở lại mức 100 USD/thùng hoặc cũng có thể sẽ rớt giá xuống mức 60 USD. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là cuộc chiến kinh tế và chính trị xung quanh các thùng dầu sẽ ngày càng khắc nghiệt.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc