Mỹ bắt đầu hoang mang

14:53 | 23/05/2015

1,955 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc thành phố Ramadi ở Iraq lọt vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) là một vố đau đối với chính phủ Bagdad cũng như đồng minh Washington. Các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đã tỏ ra hoang mang.

Mỹ bắt đầu hoang mang

Nhà nước Hồi giáo kéo cờ đen ở Ramadi, Iraq

Mặc dù liên quân quốc tế do Mỹ chỉ huy đã mở chiến dịch không kích từ năm 2014 để yểm trợ chính quyền ở Iraq cũng như phiến quân của Syria cản đường tiến của IS ở hai nước này, nhưng chỉ trong vòng 8 ngày qua, lực lượng thánh chiến vẫn giành được hai chiến thắng quyết định ở Palmyra và Ramadi.

Hôm 21/5, lực lượng thánh chiến đã chiếm được cửa khẩu biên giới cuối cùng với Iraq còn nằm trong tay quân chính phủ Damas, cũng như chiếm được các vị trí của quân đội Iraq gần Ramadi, triệt tiêu khả năng của quân đội Iraq mở cuộc phản công để chiếm lại thành phố này.

Theo hãng tin Reuters, mục tiêu kế tiếp của lực lượng IS sẽ là căn cứ Habbaniya, một trong những cứ địa cuối cùng của quân chính phủ Bagdad tại tỉnh Anbar, mà Ramadi là thủ phủ.

Trước tình trạng này, Tổng thống Obama trấn an rằng ông không tin Mỹ đang thua trong cuộc chiến với IS, ngay cả khi những kẻ khủng bố này tiếp tục tiến quân khắp Iraq và Syria. "Tôi không cho rằng chúng ta đang thua cuộc". Ông Obama nói trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên tạp chí The Atlantic hôm 20/5, vài ngày sau khi Ramadi - thủ phủ tỉnh Anbar của Iraq - bị các chiến binh IS chiếm quyền kiểm soát.

Tuy nhiên, tướng Mỹ Michael Barbero, một trong những chỉ huy trấn áp phong trào thánh chiến nổi dậy tại Iraq năm 2007-2008 khẳng định rằng chiến lược của Mỹ đã thất bại. Ông nói: “Chiến lược đó sử dụng bộ binh Iraq để tái chiếm lãnh thổ còn Mỹ chỉ yểm trợ trên không. Theo tướng Barbero, Mỹ cần phải cho phép cố vấn quân sự đi kèm với các đơn vị Iraq để khuyến khích tinh thần đồng minh và cần phải gia tăng hoạt động tình báo để nắm vững địch tình”.

Nhận định tương quan lực lượng trên chiến trường, các chuyên gia quân sự nhấn mạnh thế mạnh của Nhà nước Hồi giáo là biết thích nghi với địa hình, lẫn lộn với dân chúng, di chuyển kín đáo và khai thác nhược điểm của đối phương. Trong khi đó thì cả Syria, Pháp và Mỹ không cùng một “tần số” đối đầu với IS.

Pháp muốn Tổng thống Al-Assad phải ra đi vì lãnh đạo Syria sử dụng lá bài chống thánh chiến để củng cố chế độ. Khi trận Palmyra diễn ra, trong suốt 8 ngày cho đến khi thất thủ, không quân Syria không yểm trợ cho quân phòng thủ mà tập trung oanh kích có phe đối lập vũ trang ở các thành phố khác. Mỹ ngược lại, oanh kích ở Syria nhưng thật sự chỉ lo bảo vệ chế độ Iraq và qua bộ chỉ huy hành quân Iraq, điều hợp với quân đội Syria.

Tây phương phải làm gì? Theo chuyên gia Pierre Filiu, giải pháp tạm ổn nhất là ủng hộ đối lập dân chủ, thành lập vùng cấm bay để tạo điều kiện cho lực lượng đối lập lấy lại thế thượng phong trên chiến trường đối với quân đội chính phủ lẫn Tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Vấn đề là trong liên quân đối lập này có những thành phần liên hệ với Al Qaida. Còn chương trình huấn luyện lực lượng đối lập do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức thì chỉ ở bước đầu.

Thất bại này, theo giới phân tích, có thể làm cho phương Tây xét lại chiến lược vào ngày 2/6/2015 tới đây tại Paris, trong cuộc họp thẩm định tình hình của liên quân chống IS dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Iraq và hai Ngoại trưởng Mỹ - Pháp.

Tuy nhiên, chỉ có Mỹ mới đủ khả năng hoạch định chiến lược toàn diện lâu dài. Vấn đề là Tổng thống Obama không muốn đưa quân tham chiến. Chủ nhân Nhà Trắng cũng không còn đủ trọng lượng lôi kéo đồng minh Arập và châu Âu vào một liên minh quốc tế hiệu quả. Đối với trường hợp Syria, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đánh cược chiến tranh sẽ kết thúc vì “hết người cầm súng” hoặc vì các bên sức cùng lực tận. Lợi dụng đối phương không có chiến lược mà nhóm IS đánh thắng như chẻ tre.

Trước đà tiến của quân thánh chiến, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi khi gặp đồng nhiệm Nga Dmitri Medvedev ở Moskva hôm 21/5 đã kêu gọi Nga tham gia nhiều hơn vào việc chống tổ chức IS. Trước đó, Ngoại trưởng Serguei Lavrov đã tuyên bố là Nga sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu về vũ khí của Iraq mà không có điều kiện tiên quyết nào. Moskva đã cung cấp cho Bagdad nhiều trực thăng tác chiến Mi-28 vào tháng tám năm ngoái, sau khi đã giao các trực thăng Mi-35 và máy bay tiêm kích Su-25, được sử dụng để chống lực lượng thánh chiến. Nhưng tháng 10/2014, Nga đã bác bỏ thông tin cho rằng Moskva sẵn sàng tham gia huấn luyện binh lính Iraq hoặc chia sẻ với Mỹ những thông tin về IS. Về phần Mỹ thì thông báo là tuần tới sẽ giao cho Iraq 2.000 súng phóng rocket diệt tăng AT-4.

Nhưng các vũ khí của Nga và Mỹ liệu có thể đủ để giúp quân đội Iraq cản đà tiến của IS hay không? Chiến sự trong những ngày tới sẽ cho câu trả lời. Trước mắt, rõ ràng là quốc tế đang bất lực trước việc lực lượng thánh chiến mở rộng vùng ảnh hưởng ở Iraq và Syria.

Th.Long

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc