Muốn vào Nhà Trắng, Hillary Clinton phải làm gì?

19:00 | 13/04/2015

1,246 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau nhiều đồn đoán, cựu Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, chính thức thông báo ứng cử tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, con đường vào Nhà Trắng của bà đang bị nhiều rào cản hơn là thuận lợi.

Muốn vào Nhà Trắng, Hillary Clinton phải làm gì?

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Bà Clinton đưa ra lời thông báo được chờ đợi từ lâu, hôm 12/4, trong một video tải lên mạng truyền thông xã hội, với lời hứa sẽ làm việc cho thành phần trung lưu.

Quyết định tranh cử tổng thống của bà Clinton không gây ngạc nhiên cho mọi người. Buổi sáng sau ngày Tổng thống Barack Obama đắc cử nhiệm kỳ 2, tên tuổi của bà Clinton đã được mọi người nhắc đến, bỗng dưng trở thành chính trị gia sáng giá nhất của chính trường Mỹ suốt từ đó đến nay.

Tất cả những cuộc thăm dò được thực hiện trong những tuần lễ sau đó đều có kết quả giống nhau: Bà Clinton luôn dẫn đầu danh sách những ứng cử viên Dân chủ lẫn Cộng hòa. Những cuộc thăm dò đó còn cho thấy giả sử cuộc bầu cử diễn ra ngay trong lúc này, ghế tổng thống chắc chắn sẽ lọt vào tay bà, lần đầu tiên nước Mỹ sẽ được điều khiển bởi một người phụ nữ.

Những điều đó được lập đi lập lại tới mức một số không nhỏ cử tri Mỹ tin chuyện bà đắc cử là chuyện “đương nhiên sẽ xảy ra”, đi kèm với tin tức cho rằng bà đã có sẵn một hệ thống vận động ở khắp địa phương, và một dàn các nhà tài trợ sẵn sàng giúp bà số tiền chừng 1 tỷ USD để tranh cử.

Cử tri có quyền nghĩ như vậy, nhưng nếu muốn thành công, bà Clinton không được quyền nghĩ như thế. Bài học lớn nhất mà bà Clinton cần phải nhớ “là những gì đang diễn ra ngày hôm nay chẳng khác gì những điều đã xảy ra hồi 2008 khi bà ra tranh cử tổng thống lần đầu tiên” là nhắc nhở của chiến lược gia Dân chủ Anita Dunn, từng giữ vai trò cố vấn cho Ủy ban Vận động Barack Obama.

Bà Dunn nhắc lại sáu năm trước đây rằng, “chẳng phải riêng Mỹ mà cả thế giới đều nghĩ bà Clinton sẽ đắc cử tổng thống, không ai ngờ bà lại thất bại ngay ở các cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên, trước khi các chính trị gia uy thế trong đảng lần lượt bỏ rơi bà để ủng hộ ông Obama”.

Ðiều đó có nghĩa là dù đang ở vị thế ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ, bà vẫn phải ganh đua để lấy từng phiếu một với các ứng cử viên khác, như cựu Thống đốc Martin O'Malley của tiểu bang Maryland, thượng nghị sĩ nổi tiếng cấp tiến Bernie Sanders của Vermont, hay cựu thượng nghị sĩ James Webb của tiểu bang Virginia, người được cảm tình nồng nhiệt của tập thể cựu quân nhân và gia đình quân đội.

Tất cả những nhân vật có tên vừa nêu đều đang rục rịch ra tranh cử, tin tưởng sẽ thành công cho dù họ phải đối chọi với ứng cứ viên nặng ký tên Hillary Clinton.

“Không chỉ phải đương đầu với đảng Dân chủ, ngay từ khi chưa tuyên bố tranh cử bà Clinton đã phải đối phó với các ứng cử viên Cộng hòa” là nhận xét của quan sát viên Michael Miller, từng làm việc cho Ủy ban Vận động Ron Paul khi vị dân biểu của tiểu bang Texas tranh cử tổng thống hồi 2008.

“Ðiều không thể phủ nhận được là bà Clinton có rất nhiều kinh nghiệm. Nhưng đi kèm với kinh nghiệm là những chuyện chẳng ra gì, chẳng hạn như chuyện sử dụng email cá nhân lúc làm ngoại trưởng, khiến cử tri thắc mắc không biết có thể tin vào bà ta hay không?”- ông Miller nói tiếp.

Ông Miller cho rằng khi nói đến nhà Clinton, mọi người đều hiểu đó là một gia đình danh giá, giỏi giang, nhưng đồng thời đó có là một gia đình bị nhiều ngờ vực. Chỉ điều đó không thôi “đã đủ để cho bà ta (Clinton) vất vả, tôi không ngạc nhiên khi thấy từ đầu bên Cộng hòa đã đánh rất mạnh vào điểm này, nêu câu hỏi với cử tri là quý vị có thể bỏ phiếu cho người mà quý vị nghi ngờ hay không?”

Trở ngại thứ ba của bà Clinton, theo chiến lược gia độc lập Martha Faifield, “là bị gắn liền với chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama”, chính sách bị các chính trị gia Cộng hòa -trong đó có cả cựu thống đốc Jeb Bush của Florida- “chê trách là quá sai lầm”.

Trong những ngày tới, trách nhiệm của bà Clinton là phải trình bày cho mọi người hiểu rằng dù từng làm việc trong Chính phủ Obama nhưng bà là con người độc lập, không lệ thuộc vào ông Obama. Muốn làm điều này, “bà Clinton phải nhanh chóng đưa ra cho mọi người thấy sự khác biệt về chính sách ngoại giao của bà và của ông Obama, đừng ngần ngại nói cho mọi người nghe bà đã từng tranh cãi với ông Obama về chính sách và nếu được, phải cho cử tri thấy trong những lần tranh cãi đó phần lớn phần thắng nghiêng về phía bà”.

Nhà quan sát Josh Einstein của đảng Dân chủ góp lời, “bà Clinton phải cho cử tri thấy bà và ông Obama không phải là một”.

Nói tóm lại, dù từng đảm nhận vai trò đệ nhất phu nhân, từng làm thượng nghị sĩ, từng điều khiển ngành ngoại giao của quốc gia và đã từng tranh cử tổng thống, ứng cử viên Hillary Clinton biết con đường trước mặt dẫn về Nhà Trắng không trải đầy hoa hồng.

Dù đang là ứng cử viên sáng giá nhất nhưng bà hiểu rằng nếu muốn thành công, phải làm việc vất vả hơn những ứng cử viên Dân chủ hay Cộng hòa khác, để chống đỡ với các mũi dùi tấn công đến từ mọi phía. 

Nh.Thạch

tổng hợp