Lý do Nga sẽ “sống sót” trong cuộc chiến kinh tế với phương Tây

08:32 | 31/01/2015

3,751 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự sụt giá chóng vánh của đồng rúp bất chấp nỗ lực tăng mạnh lãi suất đến dường như tuyệt vọng của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) hồi tháng trước đã làm dấy lên nỗi ám ảnh về cuộc khủng hoảng kinh tế Nga năm 1998. Quả thật, phương Tây đã và đang tìm mọi cách làm sống lại bóng ma đó trong cuộc đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt Moskva cho tới tháng 9/2015. Tuy nhiên, kinh tế Nga mặc dù chắc chắn đang cực kỳ khó khăn nhưng khả năng sụp đổ hoàn toàn lại rất thấp.

Đồng rúp Nga đã giảm giá 45% so với đồng đô la Mỹ trong năm 2014

Đó là nhận định của Giáo sư Charles Wyplosz, một chuyên gia kinh tế quốc tế và là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế về tiền tệ và ngân hàng tại Viện sau Đại học về nghiên cứu quốc tế, Geneva, Thụy Sỹ, đăng trên trang Project Syndicate mới đây.

Dầu mỏ và khí đốt chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của Nga, phần còn lại là các hàng hóa cơ bản khác. Do đó, việc giá dầu thế giới lao dốc không phanh gần đây rõ ràng là một cú sốc đủ lớn - khi kết hợp với tác động của các biện pháp trừng phạt ngày càng khắt khe của phương Tây - châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng quy mô đáng kể.

Trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp trong một thời gian, tổn thất về mặt thu nhập sẽ không chỉ đơn giản là một thách thức tạm thời với Moskva.

Nhưng nền kinh tế Nga không phải là không có lối thoát – ít nhất là vào lúc này. Tình hình hiện thời rất khác so với năm 1998 - khi đó, Nga vừa bị thâm hụt tài khoản vãng lai, vừa bị thâm hụt ngân sách. Moskva đã phải vay nợ rất nhiều ngoại tế. Điều này có nghĩa rằng, khi đồng rúp mất giá, các khoản nợ của Nga gia tăng và cuối cùng, vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi.

Ngược lại, trong những năm trở lại đây, Moskva đạt được thặng dư ngân sách đáng kể, nợ công ở mức dưới 20% GDP. Đúng là thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt, vốn chiếm phần lớn thu ngân sách Nhà nước, đã giảm đi một nửa nên tính bằng đồng USD. Nhưng đồng rúp cũng rớt giá với mức phần trăm tương tự như hồi 1998, nghĩa là nguồn thu ngân sách nhà nước tính bằng đồng rúp hầu như không thay đổi.

Tương tự như vậy, cán cân tài khoản vãng lai của Nga thường xuyên đạt thặng dư trong những năm gần đây. Tổng nợ công và nợ tư ngoài nước ở mức dưới 40% GDP, đa phần tính bằng đồng rúp. Do đó, với xuất phát điểm khá thuận lợi như bây giờ, việc lo sợ về thảm kịch sụp đổ kinh tế với Nga lúc này vẫn là quá sớm, cho dù sự sụt giảm doanh thu xuất khẩu đang thay đổi tình hình nhanh chóng.

Việc giá đồng rúp rơi tự do chủ yếu là do luồng vốn chảy ra. Giới đầu sỏ chính trị nổi tiếng của Nga đã cất giữ hầu hết tài sản của họ ở nước ngoài, nhưng lại giữ lại khoản tiết kiệm đáng kể ở trong nước. Khi tình hình kinh tế và chính trị suy giảm, nhiều khả năng họ sẽ rút tiền gia. Các khoản tiết kiệm nhỏ cũng có thể chuyển sang ngoại tệ bất cứ lúc nào.

Điều này đặt Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) vào một vị trí đầy thách thức. Đồng rúp mất giá chắc chắn làm tăng lạm phát, vốn đang ở khoảng 11% - cao hơn nhiều so với mục tiêu 5% của CBR. Trong bối cảnh đó, quyết định tăng mạnh lãi suất của chính phủ Nga vừa qua là hết sức hợp lý, cho dù đây là “con dao hai lưỡi”. Bởi, động thái này sẽ giúp ngăn chặn luồng vốn chảy ra ngoài, nhưng cũng có thể sẽ có tác dụng ngược nếu bị hiểu nhầm là nhằm bảo vệ đồng rúp khỏi bị sụp đổ.

Vấn đề là lãi suất cao sẽ khiến suy thoái kinh tế Nga thêm trầm trọng. Và vấn đề là không gì đảm bảo được phương Tây cũng sẽ không “sứt đầu mẻ trán” trong cuộc chiến kinh tế với Moskva, trong khi bản thân cũng còn đang loay hoay, vật vã đối phó với những cuộc khủng hoảng của chính mình.

Linh Phương (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc