Liên minh bí ẩn Nga - Trung

06:50 | 17/05/2014

8,724 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Putin vào tuần tới diễn ra ở thời điểm cả Nga, Trung Quốc đều đang đối mặt với những chỉ trích từ quốc tế về tình hình Ukraine và hành động ngang ngược hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam. Chương trình nghị sự của đôi bên có thể sẽ vén một phần nào đó bức màn che đậy mối quan hệ đối tác giữa hai cường quốc.

Năng lượng Mới số 322

Cuối tháng 12/1992, việc cựu Tổng thống Boris Yeltsin bất ngờ rút ngắn chuyến thăm Bắc Kinh lần đầu kể từ khi Liên Xô tan rã đã bị giới phân tích suy đoán là một động thái nhằm xoa dịu mối quan tâm của Mỹ - những người vừa giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh lạnh. Moskva lúc đó không muốn Washington lo ngại châu Á đang hình thành một khối chống Mỹ mới. Bên cạnh đó, lại cũng có những suy đoán cho rằng, đó là kết quả tất yếu sau nhiều thập niên “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa hai cường quốc phía đông, đặc biệt sau khi Nga “đứt gánh” trên hành trình tiến tới lý tưởng cộng sản.

Dù là nguyên nhân gì, nhưng giới quan sát bên ngoài vẫn có chung một nhận định về những gì mà ông Yeltsin và lãnh đạo Bắc Kinh đã cam kết: “Anh nhà giàu mới nổi” Trung Quốc khi đó muốn công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các loại vũ khí quân sự và Nga thì đang rất cần tiền mặt. Moskva và Bắc Kinh đã ký các hiệp định và tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để mở ra những gì người Trung Quốc gọi là “quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác cùng có lợi”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Putin

Cũng ở thời điểm này, ông Boris Yeltsin từng tuyên bố: “Đối với Liên Xô cũ, Trung Quốc là một đối thủ tiềm năng. Nhưng ngày nay, với Nga, họ không phải là một đối thủ tiềm năng nữa”.

Sự tiến triển của mối quan hệ hai nước trong hai thập niên tiếp theo vẫn ổn định. Trung Quốc và Nga đã dựa vào nhau, đôi khi vì chiến lược, đôi khi vì người này cần một tiếng nói ủng hộ hay đơn giản chỉ là thông cảm, lặng im trước các quyết định hay bước đi của nhau. Còn hiện tại, quan hệ giữa hai nước không thể “hồng” hơn được nữa.

Nói về điều này, Tổng thống Nga Putin trong cuộc Đối thoại trực tiếp hồi tháng 4/2014 từng cho biết - “Chúng tôi chưa bao giờ có mối quan hệ đáng tin cậy như vậy”. Thật vậy, Trung Quốc đang là đối tác thương mại hàng đầu của Nga sau Liên minh châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương đã đạt gần 90 tỉ USD vào năm ngoái và hướng tới nâng lên 100 tỉ USD vào năm 2015. Theo dự kiến, ông Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 20/5. Hãng tin RIA Novosti của Nga cho biết, mục đích chuyến thăm này của người đứng đầu Điện Kremlin là nhằm “thắt chặt quan hệ kinh tế” với Bắc Kinh, trong đó có lĩnh vực năng lượng.

Cũng trong khoảng thời gian này, Hải quân Trung Quốc - Nga sẽ tổ chức cuộc tập trận chung trên biển mang tên “Liên hợp trên biển - 2014” tại vùng biển phía bắc biển Hoa Đông, phía đông cửa sông Trường Giang, Trung Quốc. Đáng chú ý, cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh Biển Đông đang nóng lên từng ngày vì động thái Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cho tới giờ phút này, Nga vẫn chưa đưa ra một tuyên bố hay bất kỳ đánh giá nào về tình hình Biển Đông trong những ngày vừa qua, trong khi Ấn Độ - nước cũng đang hợp tác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông như Nga đã lên tiếng quan ngại.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không ngần ngại khẳng định mối quan hệ Trung - Nga đang ở “giai đoạn tốt nhất trong lịch sử”, đặc trưng bởi sự tin tưởng, hỗ trợ và hợp tác mạnh mẽ.

Động lực thúc đẩy quan hệ đối tác này, chủ yếu là năng lượng. Đất nước đông dân nhất thế giới đang khát năng lượng cho nền công nghiệp đang phát triển bùng nổ. Năm ngoái, tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc đã chiếm 1/4 tốc độ tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu và theo dự đoán của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới trong năm nay. Trong khi đó, Nga lại có rất nhiều năng lượng để bán. Moskva là nước khai thác khí đốt tự nhiên đứng thứ hai thế giới và đứng thứ 3 toàn cầu về sản xuất nhiên liệu lỏng. Xuất khẩu năng lượng là nguồn thu chiếm tới 1/3 ngân sách của Nga, nhưng vấn đề là Moskva sẽ phải tìm người mua mới trong tương lai gần khi châu Âu - khách hàng năng lượng lớn nhất của Nga đang nỗ lực “cai sữa”, đặc biệt sau những bất đồng về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

“Trung Quốc rõ ràng sẽ mua năng lượng của Nga. Bắc Kinh đang và sẽ vẫn là một đối tác thương mại hàng đầu của Moskva” - ông Andrew Kuchins - Giám đốc chương trình Nga và Âu - Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định. Phía Nga đã có thông tin công khai cho biết, trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần tới của Tổng thống Putin, Moskva dự kiến sẽ ký hợp đồng cung cấp 38 tỉ m3 khí đốt/năm cho Trung Quốc trong vòng 30 năm, bắt đầu từ năm 2018.

Lượng khí đốt thực tế mà Nga bán cho Trung Quốc có thể không phải là con số công khai nhưng không ai nghi ngờ về việc thỏa thuận lịch sử này sẽ gắn kết số phận của hai cường quốc này trong những năm tới. Một nước Nga đang trên đường tìm lại sức mạnh và hào quang như thời Liên Xô, một Trung Quốc mộng trở thành một siêu cường của thế kỷ XXI. Và họ cần có nhau - như một “mối quan hệ bổ sung tự nhiên”.

Linh Linh