Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Kinh tế Ukraina đã kiệt quệ

13:20 | 01/05/2015

3,206 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế Ukraina, vốn đang bị kiệt quệ, sẽ tiếp tục sụt giảm đến 7,5% trong năm nay. Trong khi đó, “chiếc phao cứu sinh phương Tây” ngày càng vượt khỏi tầm với của chính quyền Ukraina.

Kinh tế Ukraina đã kiệt quệ

Nội chiến ở miền đông đã khiến kinh tế Ukraina bị khánh kiệt

Ngày 29/4, WB nói rằng mức sụt giảm kinh tế của Ukraina trong năm nay cao hơn mức của năm ngoái và cao hơn dự báo 5,5% của Chính phủ Kiev cũng như của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Năm ngoái, GDP của Ukraina đã sụt giảm 6,8%.

Theo WB, xung đột tại miền đông giữa quân đội Ukraina và phe ly khai- khiến hơn 6.100 người thiệt mạng trong vòng một năm - là lý do chính của việc GDP của nước này sụt giảm mạnh như vậy.

Báo cáo của WB nhấn mạnh rằng Ukraina có tiềm năng rất lớn, nhưng để khai thác tiềm năng đó, tình hình ở miền đông cần phải được ổn định. WB cũng đưa ra những nguyên nhân khác, đó là nhu cầu tiêu thụ bên ngoài vẫn còn rất yếu, giá nguyên liệu thấp, trong khi Ukraina là nước xuất khẩu các nguyên liệu này.

Sau hơn hai năm bị suy thoái, cộng thêm xung đột vũ trang ở miền đông, kinh tế Ukraina nay đã kiệt quệ, lạm phát tiếp tục tăng nhanh, trong khi giá trị đồng tiền quốc gia Ukraina so với đồng USD trong vòng hơn 1 năm đã sụt giảm chỉ còn một phần ba. Nợ công của Ukraina (70 tỉ USD năm 2014 ) năm nay lại tăng thêm và dự báo sẽ bằng 94% GDP.

Các vùng miền đông của Ukraina cũng chịu chung số phận. Theo WB, miền đông Ukraina từ một vùng đất giàu tiềm năng khoáng sản có công nghiệp phát triển nay trở nên hoang tàn khánh kiệt sau một năm nội chiến khốc liệt. Các vùng lãnh thổ ly khai như Donetsk và Lugansk giờ đây đang phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã: ngân hàng, xí nghiệp đóng cửa, thất nghiệp tràn lan, ngân quỹ trống rỗng. Cứu cánh duy nhất hiện nay với người dân nơi đây là sự cứu trợ đến từ nước Nga.

Kinh tế không phát triển được vì chiến tranh đã buộc chính quyền Kiev hiện nay phải đi cầu cứu các đồng minh phương Tây. Nhưng cái mà họ nhận được lại chỉ toàn là những lời hứa suông.

Ngày 27/4, tại Kiev đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu và Ukraina nhằm tăng cường quan hệ đối tác hai bên, củng cố nỗ lực cho tiến trình hòa bình ở miền đông Ukraina.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean- Claude Juncker, các đề nghị của Tổng thống Petro Porochenko liên quan đến lịch trình gia nhập Liên minh châu Âu hay triển khai một lực lượng duy trì hòa bình của châu Âu tại Ukraina chỉ nhận được những tuyên bố nguyên tắc.

Lãnh đạo hai bên đồng ý với nhau mọi vấn đề nhưng lại không đưa ra quyết định nào. Sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Petro Porochenko đã nhận được nhiều khích lệ, nhưng ông không thu được gì về tương lai gia nhập Liên minh châu Âu cũng như lịch trình cụ thể cho việc Ukraina được hưởng quy chế tự do đi lại trong khu vực Schengen.

Các nước châu Âu tỏ ra đặc biệt thận trọng, yêu cầu chính phủ Ukraina phải có kết quả thực sự của các cải cách như đã hứa hẹn. Thông báo cụ thể duy nhất của thượng đỉnh là nhắc lại thỏa thuận thành viên liên kết giữa Liên minh châu Âu và Ukraina sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Tuy vậy việc áp dụng vẫn còn phụ thuộc vào các tham khảo với Nga.

Hội nghị thượng đỉnh này đã tính nhiều đến những mối quan ngại của Moskva từ việc xem xét vấn đề cung cấp khí đốt hay thực thi tiến trình hòa bình ở Donbass. Châu Âu không cho thấy một tín hiệu nào về khả năng triển khai một lực lượng duy trì hòa bình tại Ukraina theo như đề nghị của ông Petro Porochenko.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới