Đối đầu Trung-Nhật:

Khi lãnh đạo "tham chiến"

08:56 | 11/07/2014

1,862 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thật không khó để nhận ra rằng trong những ngày qua lãnh đạo Trung Quốc tiến hành các hoạt động tố cáo Nhật với cường độ khác thường, còn phía Nhật cũng đang trấn an dư luận quốc tế với nhịp độ tương ứng.

Khi lãnh đạo

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Lễ kỷ niệm 77 năm cuộc chiến với Nhật Bản ở Bắc Kinh ngày 7/7/2014

Điểm khác biệt lần này là đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên án các hành động hiện nay cũng như trong quá khứ của Nhật Bản.

Mới đây nhất, ngày 7/7, Trung Quốc kỷ niệm bất thường 77 năm cuộc chiến với Nhật Bản. Tại buổi lễ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng chỉ trích những ai đã quên đi cái mà ông gọi là những thực tế thép của lịch sử, ý muốn nhắm vào Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Trong diễn văn, ông Tập Cận Bình lên án chính quyền Nhật mà ông gọi là “những kẻ phủ nhận sự thật lịch sử xâm lược, tiếp tục gây căm phẫn cho nhân dân Trung Quốc và các dân tộc yêu chuộng hòa bình”…

Trận chiến trên cầu Marco Polo (chiếc cầu đá dài 266m mang tên nhà thám hiểm Marco Polo, cách Bắc Kinh 15km) giữa quân Trung Quốc và quân Nhật ngày 7/7/1937, được coi là trận đánh mở đầu giai đoạn Nhật Bản bao vây Bắc Kinh và bắt đầu cuộc chiến giữa hai nước.

Cuộc chiến này được người Trung Quốc gọi là cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhật Bản và đã khiến 20 triệu người Trung Quốc thiệt mạng, theo thống kê được phía Trung Quốc đưa ra. Cuộc chiến kết thúc với sự thất bại của Nhật bản sau Thế chiến thứ hai năm 1945.

Chính quyền Tokyo đã phản ứng lại, cho rằng lễ kỷ niệm nói trên “không giúp gì cho hòa bình và hợp tác trong khu vực”.

Chưa dừng lại ở đó, cũng trong ngày 7/7, khi tiếp đón Thủ tướng Đức Angela Merkel và phái đoàn doanh nhân Đức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhắc đến trận đánh trên cầu Marco Polo để lên án Nhật Bản không biết sám hối tội ác chiến tranh. Thủ tướng Đức không tán đồng lời tuyên bố của người đồng nhiệm Trung Quốc. Nguồn tin ngoại giao của Đức cho biết Berlin không muốn để giới lãnh đạo Trung Quốc lôi kéo vào cuộc xung khắc giữa Bắc Kinh và Tokyo. Chính quyền Đức cũng không tán đồng sự kiện Trung Quốc thường xuyên nhắc lại quá khứ đau thương của nước Đức thời Thế chiến thứ hai để qua đó lên án Nhật Bản ngày nay. Đức cũng như Nhật là hai quốc gia bại trận trong Thế chiến thứ 2.

Trước đó, ngày 3/7, trong chuyến viếng thăm Seoul, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã nêu ra ý định trong năm 2015 cùng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm đế quốc Nhật đầu hàng, ngày 15/8/1945. Trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Hàn Quốc tại Seoul, ông Tập Cận Bình còn nói về “các cuộc chiến man rợ” do “quân phiệt Nhật” tiến hành tại bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc.

Cùng ngày, Trung Quốc bắt đầu công bố các “bản thú tội” của 45 người Nhật bị tòa án quân sự Trung Quốc kết án sau khi chiến tranh kết thúc. Trong bản nhận tội đầu tiên, Keiku Suzuki được giới thiệu là Trung tướng chỉ huy trưởng sư đoàn 117 của Nhật, thú nhận đã ra lệnh đốt khoảng 800 căn nhà và giết hại 1.000 nông dân Trung Quốc tại Đường Sơn, Hà Bắc. Số bản cung còn lại sẽ được tiếp tục đăng trên internet trong 45 ngày liên tiếp, nhưng hãng tin Pháp AFP cho biết không thể kiểm tra được tính xác thực của các tài liệu trên.

Còn trên trang tuần báo “Tin tức Thanh niên Trùng Khánh” (Trung Quốc) số ra ngày 3/7 đã đăng ảnh một bản đồ Nhật Bản với những đám mây hạt nhân hình nấm trên bầu trời Hiroshima và Nagasaki, những thành phố bị Mỹ đánh bom nguyên tử vào tháng 8/1945. Bản đồ được chú thích với dòng chữ: “Nhật Bản lại một lần nữa muốn chiến tranh”.

Thông tin trên đã gây phẫn nộ Chính phủ Tokyo. Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida hôm 8/7 tuyên bố: “Với tư cách Ngoại trưởng của quốc gia duy nhất bị tấn công bằng bom nguyên tử, và cũng là một chính khách xuất thân từ Hiroshima, tôi không thể chấp nhận điều này”. Hiện trên trang chính thức của tờ Tin tức Thanh niên Trùng Khánh đã không còn thấy bản đồ này.

Những hành động dồn dập của lãnh đạo Trung Quốc diễn ra vào đúng lúc quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đang trở nên căng thẳng vì tranh chấp lãnh hải ở biển Hoa Đông. Bắc Kinh mới đây cũng tỏ ra khó chịu với việc nội các Nhật Bản ra nghị quyết rỡ bỏ lệnh cấm quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài.

Khi lãnh đạo

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu trước Quốc hội Úc ngày 8/7

Trong khi đó, nhìn sang phía Nhật Bản, trong bài phát biểu lịch sử trước Quốc hội Australia ngày 8/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định quyết tâm theo đuổi hòa bình tại châu Á, trong bối cảnh ông phát tín hiệu về các mối quan hệ quốc phòng gần gũi hơn với Canberra.

Ông Abe tuyên bố Nhật Bản "quyết tâm nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy hòa bình khu vực và trên toàn thế giới. Quyết tâm đó được thể hiện bằng hành động cụ thể, theo đó Tokyo chọn tăng cường các mối quan hệ với Australia. Hai nước chúng ta đều ưa chuộng hòa bình...".

Thủ tướng Abe cho biết Nhật thay đổi nền tảng pháp lý (tức lệnh cấm kể trên) là vì lý do an ninh để cùng các quốc gia khác xây dựng “một trật tự quốc tế thượng tôn pháp luật”. “Mong ước của chúng tôi là Nhật Bản trở thành một quốc gia luôn sẵn sàng đóng góp cho hòa bình trong khu vực. Khi có tranh chấp, chúng tôi luôn sử dụng các biện pháp hòa bình để tìm ra giải pháp”-ông Abe nói.

 

Duy Hưng