Hongkong: Sau đối thoại thất bại là gì?

17:15 | 23/10/2014

994 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đối thoại giữa chính quyền Hongkong và lực lượng biểu tình đã thất bại. Sau đây sẽ xảy ra kịch bản nào cho phong trào biểu tình ở Hongkong?

Sau khi đàm phán thất bại, người biểu tình Hongkong tiếp tục dựng rào cản tại khu vực Mong Kok, ngày 22/10/2014

Thất bại được báo trước

Cuộc đối thoại giữa chính quyền Đặc khu hành chính Hongkong (Trung Quốc) và người biểu tình đã kết thúc hôm 21/10 mà không đạt được kết quả cụ thể nào. Đại diện của hiệp hội sinh viên Hongkong, một trong những tổ chức chính của phong trào biểu tình "Chiếm Trung tâm", đã có cơ hội đưa yêu cầu của mình ra trước chính quyền. Cuộc đối thoại đã cho thấy chưa bên nào chịu thỏa hiệp nhằm hạ nhiệt tình hình căng thẳng hiện nay.

Hàng nghìn người biểu tình có mặt ở khu vực Admiralty để xem trực tiếp cuộc đối thoại giữa chính quyền Hongkong và đại diện của hiệp hội sinh viên Hongkong trên những màn hình lớn.

Còn bên trong phòng họp tại Đại học Y khoa Wong Chuk Hang, một cuộc trao đổi thẳng thắn đã diễn ra, với những yêu cầu cương quyết từ phía người biểu tình. Ông Chu Vĩnh Khang, Lãnh đạo Hiệp hội sinh viên Hongkong cho hay: "Hàng trăm nghìn người đã đổ xuống đường, họ sẽ không chịu về nhà và không chịu giải tán. Chính quyền Hongkong sẽ định tiếp tục điều hành thế nào? Nếu như chính quyền vẫn tiếp tục nói về chuyện cải cách một cuộc bầu cử chỉ hạn chế trong một nhóm nhỏ thì chính quyền sẽ tiếp tục phải chứng kiến cảnh những người đổ xuống đường”.

Trong khi đó, đại diện của chính quyền Hongkong, đứng đầu là bà Carrie Lam tiếp tục giữ vững lập trường rằng luật pháp của Hongkong không thể thay đổi theo yêu cầu của người biểu tình, đồng thời thừa nhận hai bên vẫn tồn tại bất đồng trên các nguyên tắc quan trọng.

Bà Carrie Lam, Chánh văn phòng Đặc khu hành chính Hongkong nói: “Đối với yêu cầu của người biểu tình phải tiến hành một cuộc bầu cử trực tiếp để bầu trưởng đặc khu hành chính, tôi nghĩ chúng ta phải nhìn vào khía cạnh pháp lý. Đây là điều không thể. Người đứng đầu về các vấn đề Hiến pháp và Đại lục, Raymond Tam đã nhắc đến điều 45 của Luật cơ bản, đó là một ủy ban bầu chọn sẽ có quyền để tiến hành bầu chọn. Còn ngoài ra, không có cách nào khác để bầu chọn người đứng đầu chính quyền cả”. Trước đó, trưởng đặc khu hành chính Hongkong Lương Chấn Anh cũng khẳng định sẽ không đáp ứng yêu cầu bầu cử trực tiếp người đứng đầu chính quyền của người biểu tình.

Thực ra cuộc đối thoại này chưa diễn ra, người ta đã biết trước kết cục. Chính quyền Hongkong chỉ là những người thi hành luật pháp của Bắc Kinh. Người biểu tình đòi sửa đổi luật bầu cử thì đáng lý ra họ phải đàm phán với chính quyền Bắc Kinh mới đúng. Chẳng vậy mà kết thúc cuộc đàm phán đêm 21/10, đại diện chính quyền Hongkong nói rằng họ sẽ báo cáo kết quả với Bắc Kinh!

Cuộc đối thoại đầu tiên giữa chính quyền Hongkong và Lãnh đạo sinh viên biểu tình diễn ra ngày 21/10

Sau thất bại là gì?

Cuộc đàm phán giữa chính quyền Hongkong và giới sinh viên thất bại không mở ra một vòng đàm phán mới. Những người biểu tình cho hay họ tiếp tục biểu tình. Theo giới chuyên gia, có hai kịch bản sẽ diễn ra sau đây. Thứ nhất, nhiều người lo ngại thái độ cứng rắn của Bắc Kinh có thể đưa đến một cuộc đàn áp như biến cố Thiên An Môn năm 1987. Tuy nhiên, tình hình trong mấy tuần qua cho thấy sự lo ngại trên khó xảy ra vì hoàn cảnh thực tế và tính chất các cuộc biểu tình hiện nay của tuổi trẻ Hongkong có khác với sự kiện Thiên An Môn trước đây, nên Bắc Kinh dường như đang theo đuổi một đối sách khác hơn. Đối sách ấy có thể tạm gọi là “một đối sách câu giờ, mềm nắn, rắn buông để hạ nhiệt”. Đó là kịch bản thứ hai.  

Thật vậy, những tín hiệu được đưa ra từ Bắc Kinh cho thấy thái độ cứng rắn, trong khi chính quyền Hongkong đứng đầu là Lương Chấn Anh chỉ có những biện pháp duy trì trật tự công cộng thông thường như hơi cay, vòi rồng, tránh đụng độ mạnh. Khi các cuộc biểu tình đến cao độ thu hút hàng chục ngàn người tham gia, chính quyền Hongkong liền đưa ra đề nghị đối thoại với các lãnh đạo đầu não các cuộc biểu tình để “hạ nhiệt”. Hơn một tuần trước đây tưởng rằng chính quyền thực tâm muốn giải quyết các yêu sách của những người biểu tình, nên cao trào có chiều hướng đi xuống, có lúc chỉ còn vài trăm người. Nhưng sau thấy chính quyền tìm cách thoái thác đối thoại, số lượng người tham gia biểu tình có chiều hướng gia tăng thành cao trào trở lại, chính quyền Hongkong liền đưa ra đề nghị đối thoại với các sinh viên. Một tuần sau khi hủy bỏ kế hoạch đàm phán với sinh viên, hôm 16/10/2014 ông Lương Chấn Anh, lại đề nghị đối thoại.

Phát biểu với báo giới, ông Lương Chấn Anh nói muốn tiến hành đối thoại càng sớm càng tốt, nhưng cũng khẳng định lại là Bắc Kinh không chấp nhận từ bỏ quyền kiểm soát và lựa chọn giới thiệu các ứng viên trong cuộc bầu cử lãnh đạo hành pháp Hongkong vào năm 2017. Điều này cho thấy Bắc Kinh chỉ mở cửa đối thoại để “hạ nhiệt” các cuộc biểu tình đang có chiều hướng lên cao trở lại. Hạ nhiệt bằng chiêu bài “đối thoại” làm dịu tình hình, “câu giờ” kéo dài thời gian để cao trào mất dần hậu thuẫn của đông đảo quần chúng, rồi phong trào này sẽ tự giải tán.

S.Phương

tổng hợp