Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ chưa "nhiệt tình" chống IS?

16:31 | 08/10/2014

7,960 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong khi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực ngăn chặn lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm được Kobani (Syria) - thành phố nằm sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, thì quốc gia này lại khá bình thản khi chưa có động thái gì đáng kể. Điều gì khiến Ankara chưa thực sự nhập cuộc?

IS đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến giành Kobani

"Tiến thoái lưỡng nan"

Phải nhắc lại rằng, khi Mỹ phát động thành lập liên minh chống IS, Thổ Nhĩ Kỳ đã miễn cưỡng gia nhập nhưng lại không cho liên minh sử dụng không phận của mình để oanh tạc IS. Việc này được Thổ Nhĩ Kỳ giải thích là để bảo vệ 46 con tin của họ đang nằm trong tay IS. Mặc dù các con tin này đã được giải cứu vào ngày 20/9 sau 3 tháng bị giam giữ nhưng Ankara đến giờ vẫn chưa thay đổi quyết định.

Trước đó, cùng với một số quốc gia vùng vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ lực lượng phiến quân Syria - dưới danh nghĩa người Hồi giáo Sunni đoàn kết chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad theo dòng Hồi giáo Shia. Nói như nhà phân tích Mine Kirrikkanat thì « Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đã trang bị vũ khí cho IS, chỉ để chống lại Bashar Al-Assad ».

Vì vậy, việc đem quân sang giúp Syria có thể nói là đi ngược lại chính sách của Ankara.

Bên cạnh đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn có nghĩ tới việc người Kurd đòi ly khai khi « bật đèn xanh » cho phép can thiệp quân sự tại Syria. Có vẻ như Ankara muốn giữ chân người Kurd tại Syria hơn là muốn chống lại IS.

« Ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề người Kurd với Đảng Công nhân Kurd (PKK) thì họ vẫn luôn mong muốn cầm chân những người này để tránh một cuộc ly khai. Có thể đảm bảo rằng  trục PKK-PYD (bao gồm những người Kurd xuất xứ Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) và người Kurd xuất xứ Syria (PYD), sau nhiều năm xung đột, sẽ chung sức chống lại IS) đã xuất hiện trong văn bản đề xuất can thiệp quân sự tại Iraq và Syria », nhà bình luận các vấn đề quốc tế kỳ cựu Cengiz Candar nhận định trên kênh TV5Monde của Pháp.

Ông cũng nói thêm rằng, IS chỉ là yếu tố phụ sau PKK và PYD, để chính phủ quyết định đưa quân sang Syria. Thổ Nhĩ Kỳ dường như không muốn bỏ rơi hoàn toàn IS để một mình đối mặt trực tiếp với người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Và động thái hiện nay cho thấy việc tiêu diệt  IS không phải ưu tiên hàng đầu của Ankara .

Tuy nhiên, để bảo vệ đất nước, Thổ Nhĩ Kỳ không còn cách nào khác ngoài việc quay trở lại gia nhập liên minh chống IS và cho phép liên quân quốc tế sử dụng lãnh thổ của mình.

Về phần Tổng thống Recep Tayyip Erdogan – người theo Đảng Bảo thủ có gốc Hồi giáo, đây không còn là vấn đề về hệ tư tưởng hay hy vọng chống lại Bashar Al-Assad nữa mà là để bảo vệ lãnh thổ khỏi sự đe dọa từ IS, nhất là khi Kobani đã thất thủ và đang có nguy cơ rơi hoàn toàn vào tay nhóm khủng bố.

Mải mặc cả

« Chúng tôi sẽ làm tất cả để ngăn không cho Kobani thất thủ », Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu phát biểu trên truyền hình hôm 3/10. Tuy nhiên, tất cả những gì Ankara đang làm dường như mới chỉ dừng lại về mặt hỗ trợ nhân đạo.

Trong vòng 2 tuần, đã có 180.000 người trong số 300.000 người Kurd tại Kobani chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, theo Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria (OSDH). Đây là lần tị nạn lớn nhất kể từ khi xảy ra nội chiến Syria. Điều này cũng tạo áp lực lớn cho một đất nước đang phát triển như Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt khi mà sự tín nhiệm của người dân đối với chính phủ ngày càng giảm.

Trong khi đó, những hỗ trợ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đối với thành phố cửa ngõ vào phương Tây này lại rất hạn chế. Ankara đã huy động lực lượng quân đội khá hùng hậu tới biên giới nhưng nhiệm vụ của họ là ngăn IS tràn sang, chứ không phải là giúp đỡ các chiến binh người Kurd ở Kobani chống lại lực lượng IS.

Từ ngày mùng 6/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã có các cuộc trao đổi với người Kurd và ra điều kiện về việc can thiệp quân sự. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp chống lại IS nếu người Kurd tại Syria giữ khoảng cách với người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cam kết  hợp tác với lực lượng nổi dậy tại Syria để chống lại Tổng thống Bashar Al-Assad.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thậm chí còn tuyên bố sẽ không can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến IS nếu Mỹ không ủng hộ hơn nữa việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Điều này lại làm gia tăng căng thẳng với Tổng thống Barack Obama – người luôn mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ tỏ rõ lập trường và mạnh tay hơn trong việc tiêu diệt IS, đồng thời tạm dẹp vấn đề ông Assad sang một bên.

Một nhà phân tích đã ví người dân Kurd tại Kobani hiện nay như những con tin của Tổng thống Erdogan trong khi ông ấy đang cố gằng giành được sự nhượng bộ từ phía Washington và từ thủ lĩnh người Kurd – kẻ thù lâu năm của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu Ankara vẫn kiên quyết từ chối thỏa hiệp sẽ gây nên sự rạn nứt không chỉ trong NATO mà còn trong liên minh chống IS, khi các nước đang nỗ lực hết sức để tiêu diệt nhóm khủng bố này thì quốc gia bị đe dọa lớn nhất lại gần như “quay mặt làm ngơ”.

Hà My (tổng hợp)