Từ an ninh mạng tới chiến tranh mạng:

Trung Quốc vô can trước cáo buộc tin tặc?

20:46 | 21/08/2014

847 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho tới nay Washington và Bắc Kinh vẫn đang lên án nhau xung quanh hoạt động gián điệp không gian mạng, tin tặc.

Ngày 31/7, hãng Reuters dẫn lời ông Dmitri Alperovitch, chuyên gia về an ninh mạng của Công ty công nghệ an ninh CrowdStrike có trụ sở tại California (Mỹ), theo đó vụ tấn công mạng mới đây nhằm vào hệ thống máy tính của chính phủ Canada giống với các vụ tấn công do Đơn vị 61486 của quân đội Trung Quốc đóng tại Thượng Hải thực hiện trước đó. Công ty CrowdStrike đã đặt tên cho chiến dịch này là Putter Panda. Ngày 29/7, Canada tiết lộ "một đối tượng có trình độ cao do Trung Quốc tài trợ" đã xâm nhập hệ thống máy tính của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (NRC), cơ quan nghiên cứu hàng đầu chuyên hợp tác với các công ty lớn như tập đoàn sản xuất máy bay và tàu hỏa Bombardier Inc.

Cũng tại thời điểm đó, ông Joseph Drissel, Giám đốc công ty điều hành Công ty dịch vụ kỹ thuật mạng CyberESI tại Mỹ cho biết, tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu tên lửa “Vòm Sắt” của Israel. Trước đó (tháng 5), Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố 5 tin tặc thuộc quân đội Trung Quốc, được cho là thuộc nhóm Comment Crew (còn gọi là Đơn vị 61398 đóng tại Thượng Hải) tấn công vào các trang mạng của 6 công ty Mỹ để đánh cắp các bí mật thương mại. Ngày 25/6, hãng Kyodo và AFP dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh khi ông Max Baucus cảnh báo, Washington sẽ tiếp tục gây áp lực với Bắc Kinh về vấn đề tin tặc.

Trung Quốc vô can trước cáo buộc tin tặc?

Đơn vị 61486 được cho là làm việc tại tòa nhà 12 tầng này.

Cho tới nay Washington và Bắc Kinh vẫn đang lên án nhau xung quanh hoạt động gián điệp không gian mạng, tin tặc. Do đó, an ninh mạng là một trong các chủ đề chính tại các cuộc gặp cấp cao thời gian qua giữa lãnh đạo cấp cao Trung-Mỹ. Ngày 8/4, tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã thúc giục Trung Quốc đàm phán cởi mở hơn về chiến tranh mạng khi gặp Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn - đề nghị Bắc Kinh cởi mở hơn về khả năng điện tử nhằm giảm căng thẳng và tránh xung đột song phương xung quanh chủ đề này.

Bộ trưởng Thường Vạn Toàn từng hội đàm với Bộ trưởng Chuck Hagel (19/8/2013), trong đó có nội dung an ninh mạng sau những tiết lộ động trời của cựu nhân viên CIA Edward Snowden. Washington từng tuyên bố, an ninh mạng là chìa khóa cho mối quan hệ tương lai giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về tin tặc và tình báo mạng bùng nổ mạnh mẽ sau khi công ty an ninh mạng Mandiant (Mỹ) công bố báo cáo điều tra (tháng 2/2013), theo đó Đơn vị 61398 của quân đội Trung Quốc đã thực hiện các vụ tin tặc vào hơn 140 công ty của Mỹ. Được biết, có 2 trung tâm thông tin mạng đang hoạt động rất mạnh tại Trung Quốc, đó là “nhóm chỉ huy vắn gọn” và “nhóm Thượng Hải”. Và Mỹ đã thiệt hại hàng trăm tỷ USD do 2 nhóm này gây ra. Năm 2011, Washington bắt đầu công khai nêu tên Trung Quốc như một nguồn phát xuất của những vụ tấn công mạng nhắm vào các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ.

Năm 2013, Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên chính thức tuyên bố, những vụ tấn công kể trên có liên hệ trực tiếp với chính phủ hoặc những cơ quan trực thuộc quân đội Trung Quốc. Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật, trong đó quy định Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ cấm mua các sản phẩm công nghệ do Trung Quốc chế tạo trừ khi việc này được các cơ quan thi hành luật pháp chấp thuận. Sau đó (26/3/2013), Tổng thống Barack Obama ký ban hành một đạo luật ngân sách, trong đó hạn chế các cơ quan chính phủ liên bang mua các hệ thống công nghệ thông tin của Trung Quốc. Theo báo cáo được Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội công bố hồi tháng 5/2012, Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng 129 tỉ USD các sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc.

Tổng thống Barack Obama từng khẳng định, có nhiều lựa chọn để đáp lại bất kỳ cuộc tấn công mạng nào nhằm vào Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với kênh ABC News (13/3/2013), ông Barack Obama cho rằng, không phải tất cả, song một số vụ tấn công mạng nhắm vào lợi ích của Mỹ là xuất phát từ Trung Quốc và do nhà nước bảo trợ. Ngày 8/6/2013, tại bang California, ông Barack Obama đã nói với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại bởi các cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc, an ninh của Mỹ cũng bị tổn hại. Sau đó (23/6/2013), người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố, Bắc Kinh đặc biệt lo ngại vì các cuộc tấn công mạng do các cơ quan chính phủ Mỹ thực hiện.

Giám đốc tình báo Quốc gia James Clapper từng nhấn mạnh (tại cuộc điều trần ở Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ hôm 12/3/2013), các cuộc tấn công mạng và tình báo mạng đã vượt qua chủ nghĩa khủng bố, trở thành mối đe dọa an ninh hàng đầu đối với nước Mỹ. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon từng kêu gọi Trung Quốc phải có biện pháp điều tra và ngăn chặn tội phạm mạng. Ngày 22/5/2013, Ủy ban chống đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ, một tổ chức phi chính phủ công bố một báo cáo điều tra khẳng định, tin tặc nước ngoài đã và đang đánh cắp trên quy mô lớn các phần mềm tin học và nhiều sản phẩm khác do Mỹ phát triển, gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này hơn 300 tỷ USD/năm, tương đương với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang châu Á năm 2012. Và tin tặc Trung Quốc là thủ phạm lớn nhất (chiếm 50%-80% các vụ đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ).

Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc từng công bố báo cáo cho biết (29/3/2013): 26% công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc là nạn nhân của các cuộc ăn cắp dữ liệu thương mại và Lầu Năm Góc đã cảnh báo, Mỹ phải cẩn thận phòng vệ trước một trận "Trân Châu cảng kỹ thuật số". Nhiều chuyên gia Mỹ đặt câu hỏi, phải chăng Trung Quốc dùng tin tặc làm tình báo mạng? Có thể nói, 2013 là một năm căng thẳng đặc biệt về vấn đề tin tặc giữa Mỹ và Trung Quốc. Tờ Washington Post từng đưa tin, tin tặc từ Trung Quốc đã truy cập vào dữ liệu của khoảng 40 chương trình vũ khí công nghệ cao của Mỹ, bao gồm chiến đấu cơ F-35 và máy bay FA-18, máy bay không người lái Global Hawk, chiến hạm duyên hải LCS, các hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot và Aegis…

Trung Quốc vô can trước cáo buộc tin tặc?

Các hacker quân sự Trung Quốc bị Mỹ truy nã.

Theo tài liệu của tập đoàn truyền thông Australia ABC (27/5/2013), tin tặc Trung Quốc đã đánh trộm thiết kế trụ sở mới của Cơ quan Tình báo An ninh Australia (ASIO). Giáo sư Des Ball thuộc Trung tâm Chiến lược và Quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia cho rằng, vụ trộm có thể khiến tòa nhà không còn phù hợp với ASIO. Tờ Washington Post từng dẫn báo cáo của Ủy ban Khoa học quốc phòng Mỹ (DSB) khẳng định (28/5/2013), tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp được thiết kế của phần lớn hệ thống vũ khí hiện đại của quân đội Mỹ, từ lá chắn tên lửa Patriot và Aegis, máy bay chiến đấu F-35, trực thăng Black Hawk... mà Bộ Quốc phòng Mỹ đang triển khai ở châu Âu, châu Á và vùng Vịnh. Tuy nhiên, các hãng an ninh mạng cho biết, tin tặc Trung Quốc không trực tiếp tấn công vào hệ thống mạng của Bộ Quốc phòng Mỹ, mà đánh cắp từng phần. Các nhà thầu quân sự lớn có mẫu thiết kế bị đánh cắp gồm Boeing, Lockheed Martin, Raytheon và Northrop Grumman.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về phát triển kinh tế Robert Hormats từng cảnh báo Trung Quốc (9/4/2013) về các hành động tin tặc có xuất xứ từ nước này ngày càng gia tăng đang gây tổn thương tới mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cảnh báo của Thứ trưởng Robert Hormats được đưa ra ngay tại Diễn đàn Công nghệ Internet Mỹ-Trung lần thứ 6 (UCIIF-6) diễn ra tại Bắc Kinh. Trước đó, cả người phát ngôn Nhà trắng Victoria Nuland và người phát ngôn Lầu Năm góc George Little đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cuộc tấn công tin tặc có xuất xứ từ Trung Quốc liên tục nhắm vào các cơ quan và các tổ chức ở Mỹ.

Gần 5 tháng trước (27/3), Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp an ninh trên Internet nhằm đối phó với những vụ xâm nhập được cho là của Mỹ nhằm vào các máy chủ của tập đoàn viễn thông Hoa Vi. Trước đó (22/3), tờ New York Times và tạp chí Đức Der Spiegel đưa tin, NSA có thể đã xâm nhập vào các máy chủ của tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Hoa Vi, trong một chiến dịch được đặt tên Shotgiant. Một trong những mục tiêu của chiến dịch Shotgiant là tìm hiểu mối liên hệ giữa Hoa Vi với quân đội Trung Quốc.

Hơn 1 năm trước (29/5/2013), Bắc Kinh cho biết, chuẩn bị diễn tập chiến tranh mạng (lần đầu tiên tại căn cứ huấn luyện ở khu tự trị Nội Mông cuối tháng 6/2013), trong bối cảnh các cuộc tấn công của tin tặc Trung Quốc đang gây lo ngại đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoại trưởng John Kerry từng tuyên bố (nhân chuyến thăm Bắc Kinh, 13/4/2013), Mỹ-Trung đã nhất trí về sự cần thiết phải tăng tốc độ hành động đối với an ninh không gian mạng - thành lập nhóm công tác chuyên trách về an ninh mạng và đây được coi là động thái nhằm giảm bớt căng thẳng sau những cáo buộc lẫn nhau về các vụ tấn công mạng. Trước đó, Tân Hoa xã trích lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Washington và Bắc Kinh cần có những nỗ lực chung để bảo vệ không gian mạng.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cũng từng bác bỏ thông tin cho rằng, tin tặc Trung Quốc đã “chọc thủng” một số kho thông tin vũ khí của Mỹ; đồng thời nhấn mạnh, Trung Quốc có đủ năng lực để xây dựng các loại vũ phí phục vụ cho an ninh quốc gia. Trước đó (10/3/2013), Tân Hoa xã dẫn nguồn tin của Trung tâm Điều phối phản ứng khẩn cấp mạng lưới máy tính quốc gia Trung Quốc (CNCERT) cho biết, các vụ tấn công mạng từ các nước khác đang “ngày càng nghiêm trọng”.

Theo cơ quan này, trong 2 tháng đầu năm 2013, gần 2.200 máy chủ ở Mỹ đã chi phối khoảng 1,29 triệu máy chủ của Trung Quốc. Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố báo cáo cho biết, năm 2012, hai trang web quân sự của nước này, trong đó có trang của Bộ Quốc phòng, đã trở thành đối tượng của khoảng 144.000 vụ tấn công/tháng, và 2/3 trong số đó bắt nguồn từ Mỹ.

Ngày 23/7, khi phát biểu trước Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ, ông Tom Kean (từng đứng đầu ủy ban này) cho rằng, Washington vẫn “chưa làm được những điều cần làm để có thể tự bảo vệ trước nguy cơ tấn công mạng”. Trước đó (10/7), hãng Telegraph cho biết, hacker Trung Quốc đã đột nhập vào mạng máy tính của các cơ quan chính phủ Mỹ, đánh cắp thông tin cá nhân của tất cả nhân viên làm việc cho chính quyền liên bang. Ngày 26/6, trang tin Business Insider cho biết, Mỹ là mục tiêu bị tấn công nhiều nhất trong số các quốc gia từng bị hacker tấn công: 5.840 vụ trong 45 phút.

 

(Xem tiếp kỳ sau)

Tiên Du - Bắc Ninh