Tiêu diệt IS: Cuộc chiến không hồi kết?

10:35 | 17/10/2014

5,583 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không có nhóm khủng bố nào đáng bị trừng phạt hơn những phần tử cực đoan chuyên diệt chủng, cướp bóc thuộc lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhưng thay vì lún sâu vào một cuộc chiến khó đoán định được tương lai và có thể kéo dài tới 30 năm, Mỹ nên “nhường” trách nhiệm tiêu diệt IS cho những quốc gia đang trực tiếp bị đe dọa.

Năng lượng Mới số 365

“Ác mộng” Trung Đông

Đã có một lịch sử lâu dài về can thiệp quân sự sai lầm và quá mức của Mỹ ở Trung Đông, nhưng cơn “ác mộng” ở vùng đất này vẫn không ngừng ám ảnh, đeo đuổi Washington.

Người tiền nhiệm của ông Obama, cựu Tổng thống George W.Bush đã tiến hành cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ nhằm tiêu diệt những tổ chức mà ông khẳng định muốn “thiết lập một đế chế Hồi giáo cực đoan trải dài từ Tây Ban Nha đến Indonesia”. Nhưng cuộc xâm lược và chiếm đóng Iraq của chính quyền Bush đã gây rất nhiều tranh cãi đến mức làm rạn nứt sự đồng thuận toàn cầu trong cuộc chiến chống khủng bố, với trung tâm giam giữ Vịnh Guantánamo và các trò tra tấn nghi phạm thái quá.

Đến thời Obama, vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ tìm cách đem đến một giọng điệu hòa nhã và tế nhị hơn. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2009, ông Obama khẳng định: “ngôn ngữ chúng ta sử dụng đóng vai trò quan trọng” và đổi cách gọi cuộc chiến tranh chống khủng bố thành một cuộc “đấu tranh” và là một “thử thách chiến lược”. Tuy nhiên, sự thay đổi trong giọng điệu, ngôn ngữ thể hiện không đi liền với sự điều chỉnh trong chiến lược, khi chính quyền của Obama tiếp tục vượt quá giới hạn những quan ngại an ninh, vin vào hoạt động chống khủng bố nhằm giành lấy những lợi ích địa chính trị rộng lớn hơn cho Mỹ.

Cuộc chiến không hồi kết

Các đoàn quân IS đang áp sát thủ đô Baghdad (Iraq)

Vì vậy, thay vì nhìn nhận việc trừ khử trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011 như là đỉnh cao của cuộc “đấu tranh” chống khủng bố mà Bush tiến hành, chính quyền Obama đã tăng cường viện trợ cho những người nổi dậy “tốt đẹp”, “ôn hòa” (như ở Libya), đồng thời truy quét những kẻ khủng bố “xấu xa” kịch liệt hơn, hăng say hơn, bao gồm thông qua một “chương trình diệt mục tiêu” quy mô, đầu tư lớn.

Chính quyền Obama ban đầu còn liệt IS vào danh sách những lực lượng nổi dậy “ôn hòa” bởi tổ chức này được đánh giá là góp phần làm suy yếu sự thống trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cũng như làm tổn hại những lợi ích của Iran ở Syria và Iraq. Lập trường của ông ta chỉ thay đổi sau khi IS đe dọa đánh chiếm Ebril - thủ phủ của người Kurd - nơi đặt các căn cứ và cơ sở quân sự, ngoại giao, tình báo và kinh doanh của Mỹ. Sau sự kiện trên, vụ chặt đầu hai nhà báo Mỹ của IS mới thực sự làm kinh động Mỹ. Chính quyền Obama đột nhiên tái sử dụng chiến thuật hùng biện của ông Bush, tuyên bố nước Mỹ trong tình trạng chiến tranh với IS, “giống như chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh với al-Qaeda và các chi nhánh của tổ chức này trên toàn cầu”.

Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ có nguy cơ trở thành một cuộc chiến lâu dài với một danh sách kẻ thù ngày càng mở rộng mà oái ăm thay, lại được sinh ra bởi các chính sách riêng của Washington. Chính bà Hillary Clinton khi còn là Ngoại trưởng Mỹ đã từng thừa nhận rằng, sự viện trợ bí mật của Mỹ cho quân nổi dậy chống Liên Xô (cũ) ở Afghanistan trong những năm 1980 đã góp phần vào sự xuất hiện của Al-Qaeda. Và nay, sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh cho phiến quân Syria với mục tiêu lật đổ chế độ Assad từ năm 2011 cũng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển, hoành hành của IS. Để rồi, sau khi những đứa “con đẻ, con nuôi” này khôn lớn, chúng quay lại “cắn” Mỹ, khiến Washington phải đau đầu, nhức óc tìm cách tiêu diệt.

Đã đến lúc Mỹ cần nhận ra rằng kể từ khi quốc gia này tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, tai họa chỉ lan tràn hơn. Vành đai Afghanistan-Pakistan vẫn là tâm điểm của chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia, trong khi những quốc gia đã từng trong tình trạng ổn định trước khi bị sự can thiệp của Mỹ và đồng minh như Libya, Iraq và Syria lại đang nổi lên như những trung tâm khủng bố mới.

Thất bại được báo trước

Sau hơn 1 tháng cùng đồng minh tiến hành chiến dịch không kích tiêu diệt phiến quân IS ở Iraq và Syria, từ quan chức về hưu (cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta) cho đến những người đương nhiệm của Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice đều đã lên tiếng thừa nhận đó là một cuộc chiến gian nan và thậm chí có thể kéo dài tới 30 năm.

Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ - nơi được coi tuyến đầu của mặt trận chống IS, trả lời kênh truyền hình Pháp France 24, Ngoại trưởng nước này, ông Mevlut Cavusoglu đã thừa nhận chiến dịch không kích của liên minh đã thất bại. Báo Nouvel Observateur (Pháp) ghi nhận tại Syria, các đợt không kích của liên minh chỉ phá hủy kho tàng, nhà cửa và các đoàn xe quá lộ liễu trong khi các chiến binh IS rất biết cách trà trộn trong dân. Tình hình tại Iraq còn bi đát hơn: Gần 30% số vụ oanh tạc vào các khu ở Erbil, Kirkuk, Amerli và Baghdad đều là các địa bàn phiến quân chưa chiếm được. Hàng ngàn tay súng IS hiện chỉ còn cách thủ đô Baghdad khoảng 13km, sau khi đã đánh chiếm và kiểm soát phần lớn diện tích tỉnh Anbar.

Điều ngạc nhiên là, chiến dịch tuyên truyền của Mỹ và phương Tây cho đến nay vẫn tập trung vào chiến sự ở thành phố Kobani (Syria). Các nước phương Tây liên tục réo rắt vai trò quan trọng của “thành phố cửa ngõ vào châu Âu”, rồi “tình hình khó cứu vãn nếu không có bộ binh”, đồng thời ra sức thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào một mặt trận thống nhất và có các hành động thiết thực hơn chống IS. Tuy nhiên, từ đây, có thể thấy rõ rằng, dù tình hình Iraq thực sự nghiêm trọng hơn nhưng mục tiêu loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad của Mỹ vẫn lớn hơn và có thể thôi thúc nước này điều động bộ binh vào Syria, thay vì tới cứu đồng minh Baghdad.

Trong khi đó, sức mạnh thật sự của IS vẫn là điều chưa ai được tường tận. Chúng mạnh và khó lường trên mọi mặt trận, từ quân sự đến truyền thông, tuyển mộ. Về quân sự, tờ Nouvel Obaservateur (Pháp) cho rằng, trên thực tế, IS như vòi bạch tuộc hoạt động phân quyền. Mỗi tiểu đoàn hoạt động độc lập, tự mở rộng chiến dịch mà không cần phối hợp tác chiến. Điều này ngược lại với chiến thuật không kích cổ điển dễ đoán của Mỹ và phương Tây.

Bên cạnh đó, sức mạnh của IS còn có thể được nhân lên nhiều lần một khi chúng bị kích động, liên minh với các tổ chức khủng bố khác. Chuyên gia Marina Ottaway ở Trung tâm Wilson tại Washington nhận định,  IS đã trở thành lá cờ đầu trong phong trào chống phương Tây và chống Mỹ. Các tổ chức khủng bố khác sẽ bắt tay với Nhà nước Hồi giáo vì chung quan điểm thù hận Mỹ và một làn sóng chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo có nguy cơ bị đánh thức.

Thay vì đeo đuổi một cuộc chiến không có hồi kết này, theo chuyên gia Doug Bandow thuộc Viện Cato, cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, Mỹ nên “nhường” trách nhiệm tiêu diệt IS cho các nước bị đe dọa trực tiếp là Iraq, Syria, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon, cũng như khu tự trị người Kurd. Nói cách khác là để “người họ trị họ”. Chỉ có chính quyền địa phương mới có thể tạo ra sự ổn định. Họ phải chấp nhận cải cách kinh tế và chính trị để xoa dịu sự bất mãn trong dân chúng, ngăn chặn phong trào tư tưởng cực đoan và sử dụng quân đội để ngăn chặn các mối đe dọa an ninh của chính họ.

Linh Phương (tổng hợp)