Hồ sơ chiến tranh Việt Nam: Ngoại giao Mỹ lấn sân CIA

07:00 | 05/03/2015

2,675 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chỉ Cục Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan Quân báo quốc phòng (DIA) thuộc Lầu Năm Góc, Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) và Văn phòng Do thám quốc gia (NRO), Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tham gia tình báo thời chiến tranh Việt Nam. Đây là một trong những bí mật dai dẳng và chỉ được công bố mới đây, dựa vào tài liệu giải mật được đăng trên website Cục Tàng thư Quốc gia Hoa Kỳ. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ làm gì trong cuộc chiến tại Việt Nam?

Năng lượng Mới số 401

Bộ Ngoại giao Mỹ nghiên cứu những gì?

Nghiên cứu tình báo Bộ Ngoại giao Mỹ thời chiến tranh Việt Nam được tiến hành từ Phòng Nghiên cứu tình báo (INR) thuộc cơ quan này. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bắt đầu khảo sát chi tiết tình hình Việt Nam vào năm 1968, dưới chỉ đạo của Thomas L. Hughes, lúc đó là Giám đốc INR. Bản nghiên cứu đề tựa A Review of Judgments in INR Reports (Khảo sát đánh giá các báo cáo INR) hoàn thành năm 1969 và vẫn là tài liệu tuyệt mật trong nhiều thập niên cho đến đầu năm 2005.

Phần quan trọng nhất trong tài liệu là báo cáo tổng kết quan điểm Bộ Ngoại giao Mỹ về các chủ đề tình báo khác nhau suốt thập niên 60 của thế kỷ trước, được trình bày bởi W. Dean Howells và Dorothy R. Avery (hai viên chức INR đặc trách Đông Nam Á). Cần nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao là một trong những cơ quan quan trọng hàng đầu nội các Hoa Kỳ, nơi đóng vai trò hoạch định chính sách cũng như chiến lược đối ngoại. Trong các động thái đối với tình hình Việt Nam thời thập niên 60, nhiệm vụ đầu tàu trong chiến lược đối sách của Bộ Ngoại giao Mỹ càng được tô đậm. Sau khi nhậm chức Tổng thống, John F. Kennedy chỉ định Roger A. Hilsman làm Giám đốc INR.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, tướng Maxwell Taylor và Tổng thống J.F. Kennedy

Chủ trương biến INR thành bộ máy hoạch định chính sách, Hilsman thực hiện hàng loạt thay đổi trong Bộ Ngoại giao. Kennedy tin cậy Hilsman đến mức thường tham khảo ý kiến nhân vật này hơn cả Ngoại trưởng Dean Rusk. Khi vụ khủng hoảng tên lửa Cuba xảy ra năm 1962, Hilsman đóng vai trò quan trọng trong điều phối tình báo cũng như tổ chức các cuộc họp giữa Kennedy và EXCOM (Ủy ban Điều hành thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ). Từng là cựu binh Thế chiến thứ II tại Myanmar (khi làm việc cho OSS - tiền thân CIA), Hilsman rành rẽ các thủ thuật của chiến tranh bất quy ước, phù hợp với quan điểm Kennedy về chiến tranh chống du kích tại Việt Nam. Hilsman thậm chí còn soạn cẩm nang đầu tiên về phương pháp chống chiến tranh du kích được phân phát cho quân đội Mỹ, trong đó ghi rõ cách thức đối phó cuộc chiến tranh nhân dân chống Tổng thống Ngô Đình Diệm tại Nam Việt Nam. Nói cách khác, Hilsman đã đặt nền tảng cho cuộc chiến tình báo của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam.

INR chỉ khoảng 350 nhân viên, được phân thành hai nhóm chính - nhóm liên lạc và nhóm phân tích thông tin tình báo. Nhóm liên lạc có nhiệm vụ điều phối và hợp tác với các cơ quan liên quan tình báo khác, giúp ngoại trưởng quyết định chính sách như thế nào đối với các đề nghị từ CIA cho những chiến dịch đặc biệt. Trong khi đó, nhóm phân tích làm việc chặt chẽ với các tuyến tình báo mặt trận (chẳng hạn Phòng Nghiên cứu Liên Xô, nơi thu thập thông tin tình báo liên quan Xôviết và hệ thống vệ tinh do thám Đông Âu).

Với cuộc chiến Việt Nam, nhóm phân tích INR làm việc cùng Phòng Viễn Đông (RFE), nơi có các chuyên gia phân tích tình báo lão luyện. Từ năm 1962-1966, RFE nằm dưới sự chỉ đạo của Allen S. Whiting, nhân vật nổi tiếng trong làng phân tích tình báo, với công trình nghiên cứu China Crosses the Yalu (viết về những thất bại nghiêm trọng trong chính sách và tình báo thời chiến tranh Triều Tiên). Khi được Hilsman cất nhắc ở vị trí sếp RFE, Whiting tuyển dụng (cô) Evelyn Colbert làm trưởng chi nhánh văn phòng Viễn Đông. Là một bản sao của Hilsman, Colbert 43 tuổi đã trở thành thế hệ phân tích gia (về tình báo) đầu tiên tại cuộc chiến Việt Nam. Trong khi Colbert đặc trách thông tin tình báo Nam Việt Nam, một nữ nhân viên RFE khác - Dorothy Avery - được giao nhiệm vụ nghiên cứu thông tin tình báo Bắc Việt. Dorothy Avery có bằng thạc sĩ Đông Á học tại Đại học Harvard, từng được CIA thuê thực hiện các công trình phân tích về cộng sản Trung Quốc. Ngoài ra, RFE còn có Louis G. Sarris, được giao nhiệm vụ khảo sát Việt Nam không lâu sau chuyến công lý sang Mỹ của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

INR và vấn đề việt nam

Trong năm đầu tiên Kennedy ở ghế Tổng thống, INR đóng vai trò quan trọng trong phác họa chính sách và tiếp tục khẳng định, Nam Việt Nam còn có một số gương mặt khác có thể thay ông Diệm; rằng vấn đề khó khăn của Mỹ ở Nam Việt Nam xuất phát chủ yếu từ chương trình viện trợ vô bổ của Washington; rằng sức mạnh của Mặt trận Giải phóng miền Nam khởi nguồn từ các làng quê Nam Việt Nam chứ không phải do sự trà trộn của bộ đội Bắc Việt. Sau chuyến thị sát thực tế của tướng Maxwell D. Taylor và Phó cố vấn An ninh quốc gia Walt W. Rostow, INR tung ra báo cáo, ghi: “Điểm yếu cơ bản trong kế sách chống chiến tranh du kích (của Mỹ) là quan điểm phổ biến (từ Washington) rằng cuộc khủng hoảng Việt Nam có thể giải quyết thuần túy bằng viện trợ ào ạt”.

 Roger A. Hilsman

Tháng 1/1962, Kennedy yêu cầu Hilsman sang Nam Việt Nam. Viên giám đốc INR nhận thấy nỗ lực chống chiến tranh du kích bằng biện pháp quân sự là không đủ; đồng thời ủng hộ ý tưởng ấp chiến lược (sau chuyến đi, Hilsman đệ trình Kennedy báo cáo A Strategic Concept for South Vietnam). Mùa xuân 1963, Kennedy bổ nhiệm Hilsman làm Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Viễn Đông. Ghế Giám đốc INR được giao cho Thomas L. Hughes.  

Ngày 22/10/1963, INR tung ra báo cáo Statistics on the War Effort in South Vietnam Show Unfavorable Trends (Thống kê về nỗ lực chiến tranh tại Nam Việt Nam cho thấy những khuynh hướng bất lợi). Báo cáo đã gây làn sóng chống đối dữ dội tại nhiều cơ quan Chính phủ Mỹ. Ban Tham mưu Lầu Năm Góc chỉ trích mạnh báo cáo, cho rằng chuyên gia INR không đủ kinh nghiệm để bàn về cuộc chiến “đang thắng lợi” tại Nam Việt Nam của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara rủa báo cáo INR không tiếc lời. Ngoại trưởng Dean Rusk buộc phải gọi sếp INR Thomas L. Hughes vào văn phòng và đề nghị không tiếp tục làm nản lòng Lầu Năm Góc về viễn cảnh chiến thắng tại Nam Việt Nam (bản thân Rusk ủng hộ chính sách mạnh tay trong cuộc chiến chống cộng tại Đông Nam Á). Đến thời Tổng thống Lyndon B. Johnson, tình hình Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp. INR đã có nhiều nhận định sai. Cho đến sự kiện Vịnh Bắc Bộ vào tháng 8/1964, không có bất kỳ nhận định tình báo nào của Mỹ cho thấy Hà Nội sẽ đưa quân vào miền Nam. Tình báo Mỹ tin rằng, Bắc Việt không dám đụng độ trực tiếp với quân đội Mỹ (mà thay vào đó chỉ ủng hộ Mặt trận Giải phóng miền Nam) và Washington cũng không dám mạnh tay với Hà Nội do e ngại Bắc Kinh và Moskva vào cuộc (trong khi sếp CIA John McCone liên tục yêu cầu Lyndon B. Johnson dội bom Hà Nội, INR cũng liên tiếp cảnh báo khả năng Trung Quốc chính thức đưa quân sang ủng hộ Bắc Việt Nam).

Trong một hội thảo năm 1991, nguyên Giám đốc INR Thomas L. Hughes đã nhắc lại mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng tình báo Mỹ về các phân tích tình hình chiến trường Việt Nam. Năm 1966, tình báo Mỹ vẫn không nắm chính xác tỷ lệ quân đội Bắc Việt tại Nam Việt Nam cũng như lực lượng vũ trang Mặt trận giải phóng miền Nam. Cựu viên chức INR Louis Sarris cho biết cơ quan mình thường xuyên bị “đe dọa” từ Lầu Năm Góc, đặc biệt xung đột với các ý kiến xung quanh đánh giá thực lực nội các Sài Gòn. Cụ thể một trường hợp: Trong khi Ban Cố vấn Quân sự Hoa Kỳ (MACV) tin tưởng (Thủ tướng chính quyền Sài Gòn) Nguyễn Cao Kỳ, báo cáo INR cho biết Kỳ đã dùng lực lượng cảnh sát quốc gia - nằm dưới chỉ huy của đồng minh Nguyễn Ngọc Loan, theo cách như ông Ngô Đình Diệm dùng đảng Cần Lao - cốt để củng cố chiến thắng trong cuộc bầu cử 1966.

Và có lần trong khi Tư lệnh trưởng MACV William C. Westmoreland có mặt tại Washington giục Nhà Trắng đổ thêm bom vào Việt Nam, Louis Sarris trong chuyến kinh lý Sài Gòn đã được tướng Fred Weyand tâm sự: “Tôi chẳng thể hiểu cái mà ông Westmoreland nói về ánh sáng cuối đường hầm là cái quái quỷ gì. Chúng tôi có thể bị tấn công bất cứ lúc nào và chúng tôi không bao giờ biết kẻ thù xuất hiện từ đâu”. Điều này cuối cùng đã xảy ra vào tết Mậu Thân 1968. Như hầu hết cơ quan tình báo Mỹ, INR gần như hoàn toàn bất ngờ trước sự kiện “Việt Cộng” tấn công Sài Gòn. INR đã rơi vào bẫy khi tin rằng Bắc Việt chỉ đột kích căn cứ quân sự Mỹ tại Khe Sanh. 10 ngày trước sự kiện Mậu Thân, INR thật ra đã phân tích một thông tin tình báo cho thấy loạt tấn công nhỏ của Bắc Việt nhằm lôi kéo sự chú ý và giãn độ tập trung của quân đội Mỹ tại các thành phố lớn…

Cuối cùng, với sự leo thang nghiêm trọng trong cuộc chiến Việt Nam thời Nixon, INR dần bị bỏ rơi…

Cao Minh