Hải quân Ấn Độ mạnh cỡ nào?

19:00 | 16/08/2013

3,765 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bất chấp sự cố nổ tàu ngầm hôm 14/8, sự kiện Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay tự đóng INS Vikrant ngày 12/8 tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Trang web checkpoint, chuyên về quân sự của Thụy Sỹ, hôm nay đã có bài phân tích đầy đủ về sức mạnh hải quân Ấn Độ.

 

Hiện nay hải quân 10 nước có hàng không mẫu hạm, đứng đầu là Mỹ với 10 hàng không mẫu hạm nguyên tử và 9 tàu khác có sân bay sử dụng được cho máy bay chiến đấu cất cánh ngắn AV-8B Harrier. Các nước khác gồm: Pháp (1), Nga (1), Anh (1), Ý (2), Ấn Độ (1), Trung Quốc (1), Tây Ban Nha (1), Brazil (1), Thái Lan (1). Trong 10 nước chỉ có 6 nước đã tự đóng được mẫu hạm: Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Ý, Ấn Độ.

Hàng không mẫu hạm lớn nhất của Ấn Ðộ, INS Vikrant, được ra mắt hôm 12/8

Tính theo con số, với đà phát triển nhanh hiện nay, hải quân Trung Quốc có nhân số cao hơn và sẽ có nhiều chiến hạm hơn Ấn Độ. Tuy nhiên, hải quân Ấn Độ được coi là có khả năng cao hơn, căn cứ theo quá trình lịch sử và kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Trong hơn nửa thế kỷ gần đây hải quân Trung Quốc chưa bao giờ chiến đấu, trong khi Ấn Độ đã trải qua 4 cuộc chiến tranh và ngoài cuộc chiến biên giới với Trung Quốc chỉ liên quan đến bộ binh, 3 cuộc chiến kia hải quân đều có vai trò tham gia trọng yếu.

Ngành hàng hải đã có ở Ấn Độ từ hơn 7.000 năm trước và do vị trí địa dư nằm giữa Trung Đông và Viễn Đông, hàng hóa trao đổi giữa hai miền bằng đường biển đều đi ngang qua. Từ thời cổ các tàu từ Ấn Độ đã đưa hàng đến bán ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản. Trải qua các triều đại vương quốc có lúc hải quân của Ấn Độ là bá chủ vùng biển này. Trong ba thế kỷ từ 16 đến 18, hải lực của triều đại Maratha và Kerala nhiều lần đánh thắng tàu của các nước Tây Âu.

Trong Thế chiến I và II, hải quân Ấn Độ là một bộ phận trong Hải quân Hoàng gia Anh, được sử dụng trên mặt trận châu Á và cũng có khi được điều phái đến châu Âu như cuộc đổ bộ của Đồng Minh lên đảo Sicile và trong chiến dịch giải phóng Ý.

Sau khi được Anh trao trả độc lập năm 1947, hải quân Ấn Độ lần đầu tiên tham dự vào cuộc chiến tranh giành lại chủ quyền lãnh thổ Goa, thuộc địa Bồ Đào Nha năm 1961. Hải quân Ấn Độ cũng được sử dụng với sứ mạng thiết yếu trong hai cuộc chiến tranh với Pakistan năm 1965 và 1971.

Ngoài ra, hải quân Ấn Độ có mặt trong nhiều hoạt động khác, từ yểm trợ bộ binh trong chiến dịch Xương Rồng (Operation Cactus) ở quần đảo Maldives năm 1988 đến Operation Talwar năm 1999 bảo vệ đường hàng hải trên Vịnh Ảrập. Hải quân Ấn Độ giữ vai trò quan trọng trong nhiều công tác nhân đạo cứu trợ thiên tai lũ lụt ở Bangladesh, Sri Lanka, Indonesia và đặc biệt với thiên tai động đất/sóng thần chấu Á năm 2004. Hải quân Ấn Độ tham gia tích cự và tạo nhiều thành tích trong chiến dịch chống hải tặc ở vùng biển Đông châu Phi.

Quân số hải quân Ấn Độ là 60.000 năm 2013, với khoảng 25 chiến hạm chủ lực, 50 chiến đĩnh phụ trợ, cùng nhiều tàu dịch vụ khác, 15 tầu ngầm trong số có một tàu ngầm nguyên tử tác chiến, 200 máy bay hải quân và hơn 100 trực thăng.

Không quân của hải quân là một lực lượng trọng yếu và do đó được đặc biệt chú trọng phát triển. Năm 1971 hàng không mẫu hạm UNS Vikrant (R11) được triển khai đến Vịnh Bengal với nhiệm vụ phong tỏa Đông Hồi (East Pakistan, chưa ly khai thành Bangladesh). Mỹ lúc ấy là đồng minh của Hồi quốc, để biểu dương thế lực, đã phái Lực lượng Đặc nhiệm 74 với hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Enterprise đến Vịnh Bengal. Nhưng Liên Xô đứng về phía Ấn Độ, đem tàu ngầm đến theo sát hoạt động của các chiến hạm Mỹ. Để tránh một cuộc đụng độ ngoài dự tính, hải quân Mỹ rút về Đông Nam Á và hải quân Ấn Độ thành công trong sứ mạng phong tỏa Đông Hồi.

Năm 1957, Ấn Độ mua hàng không mẫu hạm HMS Hercules (R49) 20.000 tấn của Anh và đổi tên thành INS Vikrant (R11). Mẫu hạm này đóng xong khi Thế chiến II đã chấm dứt và chiếc tàu chưa bao giờ được hải quân Anh chính thức sử dụng cho đến khi bán lại cho Ấn Độ. Máy bay đặt căn cứ trên mẫu hạm gồm chiến đấu cơ phản lực Hawker Sea Hawk và Sea Harrier do Anh chế tạo, cùng với máy bay chiến đấu một động cơ cánh quạt Breguet Alize Br.1950 của Pháp dùng vào việc chống tàu ngầm.

 

Hàng không mẫu hạm duy nhất trong hải quân Ấn Độ hiện nay là chiếc INS Viraat (R22) sẽ giải giới vào năm 2016

Sau hơn ba thập niên là mẫu hạm duy nhất trong hải quân Ấn Độ và nhiều lần được tân trang, INS Vikrant đã lỗi thời, được chính thức giải giới năm 1997 rồi đưa về làm một viện bảo tàng nổi ở cảng Mumbai. Đầu tháng 8 năm nay, Phó Đô Đốc Shekhar Sinhar, tư lệnh hải lực miền Tây nói rằng vì không có tổ chức nào tài trợ cho viện bảo tàng và việc bảo trì quá khó khăn tốn kém, INS Vikrant sẽ được cắt ra làm sắt vụn.

Trong 20 năm, Ấn Độ đã có nhiều dự án phát triển hàng không mẫu hạm nhưng chậm trễ thực hiện vì thiếu ngân sách hoặc do sự thay đổi kế hoạch và kỹ thuật. Lúc đầu hải quân Ấn Độ chủ trương loại mẫu hạm tương đối nhỏ, sân bay kiểu STOBAR (cất cánh ngắn nhưng hạ cánh hãm lại bằng giây chằng) dùng cho loại máy bay Sea Harrier, giống như AV-8 Harrier, máy bay chiến đấu phản lực của thủy quân lục chiến Mỹ có khả năng lên thẳng. Nhưng sau đó hải quân Ấn Độ chủ trương sử dụng kiểu mẫu hạm có đầy đủ khả năng tiếp nhận máy bay chiến đấu MiG-29K.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ là nước trung lập nhưng thiên về phía Liên Xô và được Liên Xô cung cấp nhiều loại vũ khí trang bị quân sự. Đến nay, Ấn Độ mua vũ đủ loại vũ khí khác nhau từ Mỹ, Anh, Pháp nhưng Nga vẫn là nước bán trang bị quân sự nhiều nhất.

Hiện nay hàng không mẫu hạm duy nhất trong hải quân Ấn Độ là chiếc INS Viraat (R22) 28.000 tấn, nguyên là HMS Hermes mua từ Anh năm 1987. Đây là chiếc tàu lớn thứ nhì của hải quân Ấn Độ sau chiếc tàu tiếp liệu INS Jyoti (A58) 35,000 tấn. INS Viraat thuộc loại hàng không mẫu hạm của Anh và Nga dùng sân bay uốn cong lên ở phía mũi tàu để máy bay tự cất cánh không cần tới hệ thống máy phóng như các hàng không mẫu hạm Mỹ, nhưng bằng cách này máy bay bị hạn chế tải trọng không thể mang theo nhiều vũ khí. Theo dự trù, INS Viraat sẽ được giải giới khoảng năm 2016 khi chiếc INS Vikrant mới có thể đi vào hoạt động.

Năm 2004, Ấn Độ mua hàng không mẫu hạm Admiral Gorshkov của Nga với giá 1.5 tỷ USD, cộng thêm chi phí cải tiến và gắn loại vũ khí cùng những thiết bị điện tử mới gần 1.5 tỷ USD nữa. Sau nhiều trì hoãn do kỹ thuật của Nga và vấn đề thương lượng về ngân sách, mẫu hạm Admiral Gorshkov sẽ được trao cho Ấn Độ cuối năm nay, đổi tên thành INS Vikramaditya.

Ấn Độ có thể chế tạo được một số máy bay chiến đấu và tên lửa, hoặc sản xuất với phép chuyển nhượng kỹ thuật của Mỹ và Nga. Tuy nhiên cho đến nay hầu hết những loại máy bay chủ yếu đều mua của Nga hay Mỹ. Cũng như vậy với các hệ thống vũ khí bao gồm tên lửa không-không,hải-không hay hải-hải và tên lửa bình phi.

Máy bay chiến đấu MiG-29K và Sea Harrier sẽ được dùng trên mẫu hạm INS Vikramaditya và trực thăng Nga Kamov Ka-31 có nhiệm vụ theo dõi máy bay và tên lửa địch để đưa ra báo động sớm cho hạm đội. Với ngân sách quốc phòng đang được gia tăng rất nhiều, Ấn Độ có kế hoạch trang bị thêm nhiều loại trực thăng tuần thám cũng như võ trang chiến đấu trên các chiến hạm, mua từ Nga và Mỹ.

Hải quân Ấn Độ là lực lượng đầu tiên trên thế giới đăt mua 8 máy bay P-8I Neptune của Mỹ. Đây là loại Boeing 737-800 dân sự, cải tiến thành máy bay điện tử tuần thám trên biển và chống tàu ngầm thay thế cho loại P-3C Orion đã cũ. Chiếc P-8I thứ nhất đã giao cho hải quân Ấn Độ cuối năm ngoái. Ngoài ra hải quân Ấn Độ có những phi đội máy bay chiến đấu và oanh tạc, hầu hết là loại máy bay của Nga, đặt căn cứ trên đất liền. Bên cạnh đó là các máy bay do thám không người lái mua của Mỹ và Israel.

Chủ lực về chiến hạm nổi của hải quân Ấn Độ là các khu trục hạm và hộ tống hạm gắn tên lửa, với hệ thống điện tử và radar hiện đại. Một số tàu ngầm có khả năng “tàng hình” được dùng cho việc phòng thủ duyên hải. Với kỹ thuật của Nga và Anh, Pháp, Ấn Độ dự trù sẽ sản xuất tầu ngầm nguyên tử thêm vào một chiếc đã có trong hạm đội tàu ngầm 15 chiếc.

Ngân sách hải quân Ấn Độ tài khóa 2012-2013 là 4.77 tỷ USD, tăng 2 tỷ so với năm trước và Ấn Độ đặt kế hoạch 15 năm sẽ có trên 150 chiến hạm chủ lực cùng 500 máy bay và trực thăng vào năm 2027.

Với 3 nhiệm vụ chính: phòng thủ lãnh thổ, bảo vệ quyền lợi hàng hải và cung cấp cứu trợ thiên tai quốc tế, hải quân Ấn Độ chủ trương an ninh hòa bình trong khu vực, giao lưu hữu nghị với tất cả các quốc gia đặc biệt là châu Á và Đông Nam Á. Các chiến hạm hải quân Ấn Độ trong những năm gần đây đã ghé thăm nhiều nước trên thế giới và tập trận chung với các quốc gia bao gồm Đông Nam Á và Việt Nam.

Th.Long

Tổng hợp