Đòn hiểm của Mỹ tại Syria

16:24 | 20/09/2014

2,375 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quốc hội lưỡng viện Mỹ vừa chấp thuận cho chính quyền Obama trang bị và huấn luyện phe nổi dậy “ôn hoà” ở Syria để chống lại các phần tử của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đây là một quyết định đầy toan tính của Washington nhắm vào chính quyền của Tổng thống Syria Al-Assad.

Đòn hiểm của Mỹ tại Syria

Các chiến binh thuộc phe đối lập ở Syria

Với tỷ lệ 78 phiếu thuận, 22 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 19/9 đã thông qua dự luật cho phép Washington huấn luyện và trang bị vũ khí cho phe nổi dậy ôn hòa ở Syria để đối phó với lực lượng IS. Trước đó một ngày, Hạ viện Mỹ cũng đã biểu quyết thông qua dự luật trên.

Về mặt chính thức, nghị quyết trên thể hiện sự ủng hộ đối với chiến dịch của Tổng thống Obama trong việc làm suy yếu và tiêu diệt các tay súng IS cực đoan. Theo kịch bản của Nhà Trắng, một khi được trang bị vũ khí, lượng nổi dậy ôn hòa tại Syria sẽ tham chiến trên mặt đất trong khi các máy bay của Mỹ thực hiện các cuộc không kích nhắm vào các căn cứ đóng quân, hệ thống tiếp vận và các bộ chỉ huy của IS tại Syria. Đây là điều tương tự như Mỹ đang làm tại Iraq.

Còn nhớ trong suốt 3 năm, Mỹ và phương Tây gây sức ép nhằm lật đổ Tổng thống Syria Basar al-Assad, Tổng thống Obama đã khước từ việc không kích nhằm vào lãnh thổ Syria. Nhưng giờ đây, ông Obama quyết định mở rộng chiến dịch không kích các phần tử IS cả trong lãnh thổ Iraq và Syria, mặt khác lại gia tăng viện trợ và cung cấp vũ khí cho các nhóm nổi dậy ở Syria mà theo cách gọi của Washington thì là "ôn hòa". Nhìn bề ngoài, động thái này của ông Obama thể hiện sự quyết tâm đối phó với mối đe dọa khủng bố mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, nếu suy cho cùng thì đây là một mũi tên nhắm tới hai mục tiêu của chính quyền Mỹ. Thứ nhất là tiêu diệt IS, kế đến là lật đổ chính quyền Al-Assad để rửa “mối nhục” hồi năm ngoái khi Mỹ buộc phải nhượng bộ Nga về hồ sơ Syria.

Chiến lược đối phó với IS của chính quyền Obama gồm 4 trụ cột: Thứ nhất là tiếp tục tiến hành các chiến dịch không kích có hệ thống vào các mục tiêu của IS; Thứ hai là tăng cường viện trợ cho các lực lượng bản địa đang chiến đấu chống IS; Thứ ba là nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương trong việc chống IS, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, đấu tranh bẻ gẫy các luận điểm tuyên truyền tư tưởng hồi giáo cực đoan, ngăn chặn dòng chiến binh nước ngoài gia nhập IS và cắt đứt các nguồn tài chính của IS; Thứ tư là tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho những người dân ở các vùng bị ảnh hưởng bởi chiến sự.

Tuy nhiên, một số nghị sĩ ở cả hai đảng và lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã bày tỏ quan ngại về kế hoạch trên. Thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders nêu ra rằng nước Mỹ có những nhu cầu riêng ngay trong nước: “IS không phải là một vấn đề chủ yếu mà đất nước ta phải đối phó. Có những khủng hoảng ngay trong nước mà chúng ta đã làm ngơ quá lâu. Tỷ lệ thất nghiệp thực sự hôm nay là 12%. Tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp là 20%.”

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul lập luận rằng sự can thiệp của Mỹ vào Trung Đông là một phần, chứ không phải là giải pháp của vấn đề: “Từ Saddam Hussein, đến Muammar Gadhafi hay Bashar al Assad, lịch sử cũng y như nhau. Sự can thiệp lật đổ chính thể kéo theo hỗn loạn và sự xuất hiện các thành phần thánh chiến cực đoan. Khuôn thức đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tuy nhiên chúng ta không chịu hiểu, không chịu suy nghĩ về hậu quả của sự can dự của chúng ta vào các cuộc nội chiến trong thế giới Arập”.

Một số khác lo ngại kế hoạch huấn luyện và vũ trang cho phe nổi dậy Syria sẽ kéo nước Mỹ can dự sâu vào một cuộc chiến tranh dai dẳng ở Trung Đông và gây bất lợi cho chính binh lính Mỹ về sau này. Còn một vấn đề nữa là liệu có thể tin cậy hoàn toàn vào các tay súng nổi dậy ở Syria? Câu hỏi này đặt ra trong suốt 3 năm qua khi mà phương Tây đối đầu với Tổng thống Assad. Lực lượng nổi dậy ở Syria rất phức tạp, ô hợp và ngay từ đầu phương Tây đã không đủ niềm tin vào lực lượng này. Người ta lo ngại trong tương lai, có khả năng lực lượng này quay lại chống Mỹ, với chính những nguồn lực mà Mỹ và phương Tây cung cấp.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc