Điều tra thảm kịch MH17: Không khách quan là có tội!

07:22 | 29/07/2014

1,401 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Robert Parry là nhà báo từng nổi tiếng với những phóng sự điều tra được công bố bởi hãng tin AP và tạp chí Newsweek về vụ Iran – Contras cũng như về các phi vụ bất hợp pháp mà người Mỹ tiến hành cùng với lực lượng đối lập ở Nicaragua liên quan tới buôn bán ma túy vào Mỹ năm 1985.

Mới đây nhất, ông đã nhận được từ một nguồn không nêu tên thông tin về việc người Mỹ đã có những hình ảnh chụp từ vệ tinh mà qua đó có thể thấy trách nhiệm về vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi trong không phận Ukraine thuộc về quân đội của nước cộng hòa này. Trên cơ sở đó, Parry đã công khai phê phán một số đồng nghiệp không trung thực khi đưa tin về những sự kiện phức tạp và nhạy cảm. Đồng thời, ông cũng nêu rõ: Trong quá khứ, những câu chuyện như thế thường dẫn tới những hậu quả bi thảm không chỉ với riêng một ai.

Robert Parry, sinh tháng 6-1949, là một trong những bậc thầy được thừa nhận của thể loại báo chí điều tra. Ông từng được nhận nhiều giải thưởng báo chí uy tín, trong đó có giải thưởng George Polk do Đại học Long Island ở New York trao tặng năm 1984. Giải thưởng George  Polk được lập ta từ năm 1948 để tưởng nhớ phóng viên của hãng CBS, người đã bị giết chết khi thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn trong thời gian diễn ra cuộc nội chiến ở Hy Lạp (1946-1949). Giải thưởng George  Polk được trao cho các chuyên mục khác nhau... Tháng 11-1995, Parry đã lập tra trang tin riêng Consortium News của mình và tự làm tổng biên tập.

Ngay từ đầu mùa xuân năm nay, khi những sự kiện nóng bỏng ở Ukraine mới bắt đầu bùng nổ, Parry đã phải than phiền rằng, “chưa bao giờ tôi phải chứng kiến sự tiếp cận thiên vị một cách trắng trợn và cố tình dẫn đến hiểu nhầm như thế từ phía các phương tiện truyền thông chủ đạo ở Mỹ” đối với các sự kiện diễn ra tại Ukraine. Parry cũng nhận xét rằng: “Trong việc đưa tin về các sự kiện ở Ukraine có cái gì đó mang tính đặc trưng của Orwell (người Anh, tác giả tiểu thuyết bôi xấu thể chế xã hội chủ nghĩa Trại xúc vật), kể cả sự buộc tội phía bên kia đã “tuyên truyền”...”.

Nhà báo Mỹ lão thành này cho rằng, cách đưa tin về Ukraine của các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ “không chỉ làm hại cho chính nghề báo mà còn xô đẩy cuộc sống của vô số những người Ukraine vào vòng nguy hiểm”... Và bây giờ, như thực tế cho thấy, những lời tiên đoán của Parry đã trở thành sự thật.

Theo trang web pravda.ru, trong tấn bi kịch mang tên Ukraine, gieo rắc bất hòa và hận thù giữa hai nước láng giềng chung dòng máu Slav, ngay từ đầu các phương tiện truyền thông Mỹ đã nghiêng hẳn về lực lượng chính trị cầm quyền ở Kiev và dồn tất cả sự giận dữ vào các cuộc tấn công Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như những nhóm nổi dậy theo xu hướng li khai người Nga ở phía đông Ukraine. Trong bài viết mới đây nhất của mình, Parry cảnh báo rằng, bây giờ, sau vụ tai nạn thảm khốc của máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia MH17, “cách làm báo chất lượng kém như vậy đã trở nên thực sự nguy hiểm”...

Trong khi các phương tiện truyền thông phương Tây tiếp tục làm dấy lên những làn sóng phẫn nộ vô căn cứ nhằm vào Moskva, thậm chí không buồn chờ cuộc điều tra thực sự bắt đầu về nguyên nhân đã dẫn tới thảm kịch MH17, đã vội vàng “trăm dâu đổ một đầu tằm” cho Điện Kremli, thì nguồn tin phía cộng đồng tình báo cho Parrty đã vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác. Quả thực là cơ quan tình báo Mỹ ngay từ đầu đã có được những hình ảnh chi tiết chụp từ vệ tinh, qua đó có thể thấy rõ hệ thống đã phóng lên trời quả tên lửa tai hại nhằm vào máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia trong chuyến bay MH17. Nếu nhìn vào quân phục của những người đã điều khiển hệ thống đó thì có vẻ như họ là quân nhân của lực lượng vũ trang nằm trong quyền điều hành của Chính phủ Kiev...

Nguồn tin ở cơ quan tình báo Mỹ, ngay từ đầu cũng không loại trừ rằng, các quân nhân Ukraine đó có thể là các thành viên lực lượng li khai mặc quân phục của quân đội chính quy Kiev. Nhưng ở giai đoạn ban đầu, người ta đã nghĩ rằng đó là những người kính chính quy Ukraine. Đồng thời, các nhà phân tích trong cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, các binh sĩ đó đã có những hành vi vô kỷ luật, và có thể đang say rượu bia gì đó vì xung quanh họ có những vỏ chai bia nằm rải rác quanh vị trí của hệ thống phóng tên lửa...

Nhìn nhận mọt cách khách quan, cách hành nghề của Robert Parry về cơ bản là khác so với nhiều đồng nghiệp Mỹ của ông. Thứ nhất, ông đã nắm được nguồn tin đáng tin cậy hơn hẳn. Thứ hai, rất khó để tin rằng, các cơ quan tình báo Mỹ đã “mũ ni che tai” để không tiến hành theo dõi từ trong không gian khu vực li khai ở miền Đông Ukraine kể từ khi bắt đầu bùng nổ cuộc xung đột này. Và nếu quả thực người Mỹ sở hữu được những hình ảnh từ vệ tinh chụp quá trình  chuyển dịch của hệ thống phòng thủ tên lửa Buk qua biên giới với Nga, thì chắc chắn học đã trình ra ngay cho công chúng mục sở thị.

Trong khi đó, bất chấp việc Tổng thông Mỹ Barack Obama ngay sau khi thảm họa xảy ra với máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia bay chuyến MH17đã vội vàng buộc tội phía Nga và nói rằng đang giữ những hình ảnh tương ứng nhưng mãi cho tới giờ thì những hình ảnh đó vẫn không được công khai...

Nguồn tin của nhà báo Parry cũng đã lưu ý rằng, mặc dù một số hạn chế khiến cho vệ tinh gián điệp của Mỹ có thể nhìn thấy rõ hết sự việc, nhưng cú phóng tên lửa đã thực hiện vào lúc trời còn sáng và không được ẩn vào bóng tối. Những tên lửa nặng gần 16 foot được gắn trên xe tải hoặc xe tăng là hoàn toàn có thể phát hiện được. Nếu tên lửa đó thuộc quyền điều khiển của Moskva thì vì lý do gì mà người Nga lại mạo hiểm đến vậy để làm một việc chẳng ích lợi gì cho họ trong hoàn cảnh hiện nay?

Một câu hỏi nữa nảy sinh: lý do tại sao bài xã luận của tờ Washington Post lại chỉ đề cập đến lời cáo buộc “khẩu thiệt vô bằng” của một viên chức nào đó về việc “Nga đã chuyển giao tên lửa” mà lại không đưa ra được những bức hình chụp chính các tên lửa ấy? Nhà báo Parry đã nhấn mạnh rằng, nếu thực sự có được một bức hình như thế thì hiển nhiên là tội lỗi của Moskva sẽ được chứng minh một cách không gì có thể bác bỏ được.

Với tư cách là một người làm nghề giadu kinh nghiệm, Parry đã để ý tới cách sử dụng từ ngữ lập lờ của báo Mỹ khi buộc tội Điện Kremli dính líu vào vụ máy bay Malaysia bị bắn hạ. Thay vì đưa ra những chứng cớ nhỡn tiền, các tác giả trên tờ Washington Post đã sử dụng những cụm từ đầy mơ hồ như “chúng tôi có thể tin tưởng” (We do believe) hoặc “bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu” (starting to get indications)... Thật khó tin rằng một quốc gia đang sở hữu những cơ quan tình báo hữu hiệu như Mỹ lại không đủ sức theo dõi vài ba cỗ xe tải ì ạch chở tên lửa trên mình...

Thay vì công bố những thông tin chính xác về các bức ảnh đã chụp từ vệ tinh mà người Mỹ có thể đã có trong tay, trong suốt một thời gian không ngắn kể từ sau khi thảm kịch MH17 xảy ra, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ “mớm” cho các nhà báo của họ (nói theo cách của Parry) “một sự việc khá vô nghĩa” về việc dàn phóng tên lửa Buk được sản xuất tại Nga. Và đồng thời lại không buồn nói thêm về việc, nhìn chung, trong thực tế, quân đội chính quy ở Ukraine cho tới nay, vẫn như trước kia, chỉ sử dụng phần nhiều là các loại vũ khí được sản xuất tại Nga, trong đó có cả các hệ thống phóng tên lửa Buk... Theo nhận định của nhà báo Mỹ Parry, đề cập đến cái mác “Russian – made” chỉ làm lệch lạc cách nhận thức vấn đề của độc giả không thông thạo tin tức Mỹ...

Những lập luận trên đã được nhà báo Parry đưa trên trang thông tin độc lập Consortium News của mình từ ngày 20-7. Tới ngày 22-7, các phương tiện truyền thông tại Mỹ cũng đã phải dẫn lời các quan chức tình báo cấp cao của nước này xác nhận Nga không dính líu trực tiếp tới vụ bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia làm 298 hành khách thiệt mạng...

Về thủ phạm thực sự dẫn tới thảm kịch MH17 thì cho tới nay vẫn có những cách giải thích khác nhau. Một số quan chức tình báo giấu tên của Mỹ cho rằng, chiếc máy bay MH17 nhiều khả năng bị bắn hạ bởi một quả tên lửa phòng không SA-11 của lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine và chưa rõ liệu có người Nga nào có mặt tại bệ phóng hoặc nhóm người bắn quả tên lửa đó đã được đào tạo tại Nga hay không. Một quan chức Mỹ cấp cao khác thì lại cho rằng, không loại trừ khả năng chiếc máy bay bị bắn hạ do nhầm lẫn...

Sự thật về những thủ phạm đích thực của tấn thảm kịch mang tên MH17 có thể sẽ chưa được xác định trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, cách đưa tin gắp lửa bỏ tay người khi chưa có những chứng cớ xác thực của một số phương tiện truyền thông Mỹ rõ ràng không thể là việc đáng khuyến khích. Theo nhận định của nhà báo Parry, cách làm như thế lợi bất cập hại, chỉ làm cho thế giới dễ bị đẩy vào một cuộc chiến tranh lạnh mới hơn.

Nhà báo Parry cũng cảnh tỉnh: “Trong quá khứ chưa xa, dạng cẩu thả hành nghề như thế của báo chí Mỹ đã dẫn tới sự tàn sát hàng loạt ở Iran và xô đẩy tới sát nguy cơ bùng nổ chiến tranh thực sự với Syria và Iran. Còn bây giờ, cái có thể mất sẽ còn lớn hơn nhiều...”

 

Theo An ninh thế giới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc